Rồng trong tâm thức người Việt

- Hình tượng rồng ngự trị trong tâm thức người Việt như một linh vật đặc biệt, là biểu tượng cộng gộp tất cả các ước vọng tốt đẹp nhất của cuộc sống nhân sinh.

Trước nhất, rồng là linh vật tổng hợp từ nhiều loại vật có thật trong tự nhiên, nên rồng mang trong mình các ưu thế vượt trội của các loài, trong đó sức mạnh và quyền năng thiên biến vạn hóa là hai đặc tính quan trọng. Rồng được cho là biểu trưng của sự mạnh mẽ, hùng tráng, là uy lực bất bại trước kẻ thù.

Rồng được người Việt Nam và Đông Á nói chung vay mượn để thực hành hoặc chuyển tải các thông điệp tâm lý - xã hội. Với tính năng siêu việt, rồng được tin là linh vật mang lại điềm lành, sự may mắn, thịnh vượng, sự thông thái; đồng thời còn là sứ giả để gửi gắm những ước vọng trong đời, dùng để cầu mưa, cầu phồn thực. Chính từ đó, trong dân gian xuất hiện các mô-típ rồng hút nước biển Đông để tưới vào đất liền, cá chép vượt vũ môn hóa rồng, rồng trừng trị kẻ ác để bảo vệ chúng dân. Thế đất rồng trong phong thủy mang đến cuộc sống phồn vinh. Nên trái tim đất Việt còn có tên Thăng Long, Dinh Độc Lập còn được gọi là phủ đầu rồng, hoặc nhiều địa danh nổi tiếng khác đều có từ rồng như Hạ Long, Hàm Rồng, Long Hải, Cửu Long... Khi tìm địa thế tốt, người ta thường quan tâm đến long mạch, thế thanh long...

Trong nhiều công trình kiến trúc quan trọng, từ kinh đô đến nhà dân, từ đình chùa miếu mạo đến các cơ quan công quyền, rồng được khắc, họa như một thể hiện linh thiêng sống động. Nên mới thường thấy các mô típ “lưỡng long tranh châu”, “lưỡng long triều nhật”, “tứ linh hội tụ”, “dây lá hóa long” v.v...

Trong ca dao tục ngữ, hình tượng rồng được dùng để chuyển tải ý nghĩa cao quý, thánh thiện, nhấn mạnh chức năng tâm lý: Một ngày dựa mạn thuyền rồng/Còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài, hoặc  Bao giờ cá chép hóa lon/Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa; Thế gian được vợ hỏng chồng/Có đâu như rồng mà được cả đôi...

Trong truyền thuyết, rồng được người Việt coi là một biểu trưng của nguồn cội, của ý thức giống nòi và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Nên ý thức “Con rồng cháu tiên” sớm ngấm vào da thịt từng người con đất Việt từ thuở lọt lòng.

Trong mỹ thuật, hình tượng rồng có khác nhau qua các thời đại. Thời Hùng Vương, rồng được thấy là một linh vật thân dài có vẩy như cá sấu được chạm trên các đồ đồng, đặc biệt là trên trống đồng.

Thời Lý, rồng là con vật mình dài như rắn, thường thân trơn, lưng có vây, thân uốn cong nhiều vòng uyển chuyển theo hình sin mềm mại và thoải nhỏ dần về phía đuôi. Rồng có bốn chân, mỗi chân có ba móng cong nhọn. Đầu rồng ngẩng cao, há miệng rộng với hai hàm răng nhỏ đang vờn đớp viên ngọc quý. Từ mũi thoát ra mào lửa. Trên trán rồng có một hoa văn giống hình chữ “S”, tượng trưng cho sấm sét, mây mưa. Trên đại thể, rồng thời Lý là rồng văn, rồng Phật giáo.

Đến thời Trần, hình tượng rồng có nhiều biến đổi. Sách Mỹ thuật thời Trần cho thấy đầu rồng xuất hiện thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay, chiếc mào lửa ngắn hơn. Thân rồng tròn lẳn, mập mạp, nhỏ dần về phía đuôi, uốn khúc nhẹ, lưng võng hình yên ngựa. Đuôi rồng có nhiều dạng, khi thì đuôi thẳng và nhọn, khi thì xoắn ốc. Các vảy cũng đa dạng, có khi là những nửa hình nụ hoa tròn, có khi chỉ là những nét cong thanh thoát.

Rồng thời Lê (thế kỷ XV) hoàn toàn khác biệt với rồng thời Lý - Trần. Sách Mỹ thuật thời Lê Sơ cho thấy, thân rồng có xu hướng ngắn lại, tư thế đa dạng phong phú. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Thân rồng lượn hai khúc lớn, chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Đến thời Lê Trung hưng, hình tượng rồng dần dà đi vào đời sống thường dân, có các mô típ bầy rồng con quây quần bên rồng mẹ, rồng đuổi bắt mồi, rồng vui cảnh lứa đôi v.v...

Đến thời Nguyễn, rồng trở lại vẻ uy nghi vương quyền, thể hiện ở nhiều tư thế. Thân rồng không dài ngoằn, uốn lượn với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu có nhánh phụ cùng chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi giống mũi lân hoặc sư tử, miệng há to để lộ hàm răng nanh chắc khỏe. Vây trên lưng rồng có tia, thân cuộn hoa văn lửa hoặc mây, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên.

Tại Thành Tuyên, mỗi mùa lễ hội Trung thu, hình tượng rồng lại được xuất hiện nhiều nhất trong các xe mô hình và các thứ hạng giải cao khi chấm điểm. Cuộc thi sáng tác logo Lễ hội Thành Tuyên có khá nhiều tác phẩm có cảm hứng từ hình ảnh rồng thể hiện cái đẹp cao thượng và ước vọng vươn tầm lễ hội ra thế giới của người Tuyên Quang.

Có thể thấy, tổ tiên người Việt đã tạo ra biểu tượng rồng như là một biểu hiện của khát vọng vươn lên chinh phục tự nhiên và chinh phục chính mình. Cùng với thời gian, con người đã “thiên biến vạn hóa” biểu tượng rồng và sử dụng chúng theo những mục đích khác nhau, song chính những giá trị tốt đẹp của rồng trong tâm thức con người đã đảm bảo sự tồn tại và phát triển của nó.

An Ngọc

Tin cùng chuyên mục