Xây dựng văn hóa con người Tuyên Quang

- Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang luôn xác định, trước những cơ hội, thách thức đặt ra trên con đường đổi mới, hội nhập, phát triển, nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người trở thành nguồn lực, sức mạnh mềm không chỉ của ngành văn hóa mà của mọi cấp, mọi ngành, mọi đoàn thể và mỗi người dân Tuyên Quang.

Gắn kết giữa giá trị truyền thống và hiện đại 

Trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, vấn đề gìn giữ bản sắc văn hóa, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại luôn được Ðảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng chỉ đạo.

Tại Ðại hội lần thứ VIII của Ðảng năm 1996, Ðảng ta đã yêu cầu phải: “Hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu của thời đại”. Quan điểm của Ðảng về vấn đề này tiếp tục được hoàn thiện, nâng tầm trong các nhiệm kỳ tiếp theo. Ðến Ðại hội XIII của Ðảng năm 2021, Ðảng ta xác định rõ việc: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Hát Then tại Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIV và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023.

Quan điểm chỉ đạo của Ðảng về hệ giá trị văn hóa, con người luôn được khẳng định rõ nét, thể hiện rõ sự kế thừa, phát huy truyền thống kết hợp những yếu tố thời đại. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đưa ra mục tiêu chung là “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Xây dựng con người Tuyên Quang phát triển toàn diện

Cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng về văn hóa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tuyên Quang đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững. Trong đó, đặt phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; gắn kết chặt chẽ việc xây dựng, phát triển văn hóa với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm mục tiêu xây dựng con người Tuyên Quang phát triển toàn diện, kế thừa và phát huy những đặc tính tốt đẹp của con người Việt Nam, truyền thống quê hương cách mạng và bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, tiếp tục xây dựng con người Tuyên Quang: “Yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, trí tuệ, kỷ cương, sáng tạo”, trọng tâm là phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên, đạo đức, nhân cách, lối sống, nếp sống văn hóa, văn minh, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, trách nhiệm xã hội, tinh thần vì cộng đồng, ý thức tuân thủ pháp luật cho các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. 

Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao; nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích huy động các nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư và phát triển văn hóa, thiết chế văn hóa. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, tiến bộ, quan tâm giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Từ việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người đến triển khai trong cuộc sống luôn là một thách thức. Với cộng đồng nói chung, chúng ta có thể tiếp tục lan tỏa Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Mặt khác, hiện nay, rất nhiều ban, ngành, đoàn thể đã có những cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa khác nhau trong cơ quan, đơn vị. 

Hệ giá trị văn hóa, nhất là những yếu tố có tính mới chỉ có tính phổ cập nếu được tuyên truyền, giáo dục thường xuyên. Do đó, cần có sự thống nhất, phối hợp hành động giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Nhân dân, nhằm tạo ra sự tập trung trong nội dung tuyên truyền, nhưng đa dạng về hình thức để tiếp cận được nhiều đối tượng. Xây dựng hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người cần có tầm nhìn dài hạn, không chỉ đáp ứng trước mắt, mà còn về lâu dài, đồng thời đáp ứng tốt những vấn đề đặt ra trong thời kỳ hội nhập phát triển.

Phương Đông

Tin cùng chuyên mục