Khuyến công tiếp sức doanh nghiệp

- Hỗ trợ ứng dụng máy móc, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là nội dung trọng tâm trong hoạt động khuyến công hàng năm. Đặc biệt, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình Khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tuyên Quang đã tập trung xây dựng các đề án theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, mang lại kết quả tích cực.

Những năm qua, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình Khuyến công quốc gia đã góp phần giảm bớt khó khăn về vốn, đồng thời thay đổi cơ bản nhận thức của các cơ sở công nghiệp nông thôn trong phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chú trọng đến mẫu mã, bao bì...

Từ nguồn Khuyến công quốc gia năm 2023, để tiếp sức cho Công ty cổ phần gỗ Đông Dương, xã Tân Thành (Hàm Yên), Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tuyên Quang và Công ty cổ phần gỗ Đông Dương triển khai thực hiện đề án "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ ghép thanh".

Từ nguồn Khuyến công quốc gia đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến lâm sản tại tỉnh Tuyên Quang.

Sau khi đề án khuyến công được phê duyệt, Công ty cổ phần gỗ Đông Dương đã tiến hành lắp đặt và vận hành máy bào 4 mặt 6 dao trong sản xuất gỗ ghép thanh. Chi phí đầu tư máy bào 4 mặt hơn 600 triệu đồng, trong đó Khuyến công quốc gia hỗ trợ 288 triệu đồng. Máy bào 4 mặt được thiết kế với 6 trục dao giúp làm láng mịn 4 mặt sản phẩm trong một lần đưa phôi. Máy hoạt động tốc độ cao, trang bị hệ thống rulo cuốn phôi liên tục, máy có bảng điều khiển nút bấm đơn giản, thao tác dễ dàng giúp đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Dao bào được làm bằng hợp kim cao cấp, đảm bảo độ sắc bén, gia công bào nhẵn mịn đã phát huy tính ưu việt trong quá trình sản xuất.

Anh Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Công ty cổ phần gỗ Đông Dương cho biết, nhờ được trợ sức từ nguồn khuyến công, công ty đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất. Việc ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất giúp doanh nghiệp xử lý đa dạng các loại gỗ với những quy cách về kích thước, khối lượng, thể tích khác nhau. Nếu như trước đây mỗi ngày đơn vị chỉ sản xuất được 4 - 5 khối gỗ thì từ khi đưa máy bào 4 mặt vào sử dụng đã giúp năng suất tăng lên 8 - 10 khối/ngày; giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Bên cạnh nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, năm 2023 tỉnh đã dành 950 triệu đồng kinh phí khuyến công địa phương triển khai các đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chè xanh đặc sản, sản xuất bột rắc cơm, sản xuất rượu, sản xuất, gia công hàng may mặc, sản xuất trà túi lọc, sản xuất gia công cơ khí và sản xuất gỗ ván bóc cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất như: Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bình Minh, xã Tứ Quận (Yên Sơn); Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Trang, xã Sơn Phú (Na Hang); Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Xứ Tuyên, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang); Hợp tác xã Nông Lâm Ngư nghiệp Lâm Bình, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình); hộ kinh doanh Linh Thị Phương, xã Tân An (Chiêm Hóa)… 

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tuyên Quang, để tăng hiệu quả công tác khuyến công, tỉnh xác định ưu tiên các đề án mang tính ứng dụng cao, các đề án liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm chủ lực của tỉnh; các đề án ứng dụng công nghệ mới, sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng trên cơ sở phát huy lợi thế về tài nguyên, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ.

Sự hỗ trợ đúng, trúng đối tượng thông qua nguồn vốn khuyến công đã góp sức đáng kể giúp doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn hiện đại hóa sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế. Từ đó đáp ứng mục tiêu phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.

  Bài, ảnh: Thúy Nga

Tin cùng chuyên mục