Đổi mới cơ cấu cây trồng, liên kết phát triển vụ đông

- Lúa mùa trà sớm (những diện tích được tính toán để gieo trồng cây vụ đông) đã thu hoạch xong. Tuy nhiên tại các địa phương vốn có truyền thống trồng cây vụ đông hầu hết đất vẫn để không.

Diện tích cây vụ đông có xu hướng giảm

Xã Hoàng Khai (Yên Sơn) có truyền thống trồng cây vụ đông, tuy nhiên 3 năm trở lại đây diện tích cây vụ đông ngày một thu hẹp dần.

Mọi năm thời điểm này, ngay khi thu hoạch 5 sào lúa mùa, gia đình ông Nguyễn Công Chầm, thôn Từ Lưu tiến hành cắt rạ, vệ sinh qua đồng ruộng, làm đất tối thiểu, xuống các loại giống rau, dưa, ngô nếp. Nhưng 2 năm trở lại đây ông chỉ làm 3 luống nhỏ để lấy rau ăn, còn lại bỏ trống. Ông Chầm chia sẻ, trồng cây vụ đông đòi hỏi nhiều công lao động, chưa kể phải mang ra đi chợ bán, trong khi vợ chồng ông mỗi năm thêm tuổi, không còn sức khỏe; con cái lớn đi làm việc công ty may nên việc duy trì diện tích cây vụ đông như mọi năm là không thể.

Người dân thôn Bình Ca 1, xã Tứ Quận (Yên Sơn) liên kết trồng cây dưa chuột cung cấp vào siêu thị.

Cùng thôn Từ Lưu, gia đình ông Đặng Phúc Khiêm thay vì trồng đậu đỗ, rau dưa để cung cấp ra thị trường như mọi năm, năm nay cũng chỉ trồng đủ để tiêu dùng trong gia đình. Ông Khiêm tính toán, 1 sào rau đông tốt không sâu, bệnh hại, đầu vụ được giá, trừ chi phí mang lại lợi nhuận 4 triệu đồng/vụ; nếu giữa vụ, giá rau xuống thấp chỉ được 2,5 - 3 triệu đồng/sào làm rất vất, chăm bón, tưới tắm ròng rã hơn tháng trời. Nhưng đi làm việc tại công ty, xe đưa đón tận nhà, lương 6 - 8 triệu nên con cái ông cùng nhiều gia đình khác lựa chọn đi làm công ty.

Đồng chí Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Khai cho biết, chính quyền xã, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện liên tục thông báo, mời các hộ lên xã để tuyên truyền vận động phát triển cây vụ đông. Tuy nhiên chỉ một số ít hộ duy trì, còn lại đều không làm.  

Không riêng tại xã Hoàng Khai (Yên Sơn), xã Thiện Kế (Sơn Dương) vốn được coi là lõi vùng chuyên canh cây vụ đông nhưng mấy năm trở lại đây diện tích cây vụ đông cũng đang bị thu hẹp dần. Thống kê của UBND xã, 5 năm trước, diện tích cây vụ đông của xã gần 100 ha, thì nay con số này chỉ được khoảng 30 ha. Nguyên nhân vì thiếu lực lượng lao động, lao động trẻ đi làm việc tại các công ty thuộc khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh, ban ngày thôn chỉ còn người già và trẻ nhỏ.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây vụ đông dần bị thu hẹp không chỉ riêng tại tỉnh ta mà là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Khi công nghiệp phát triển, lao động cũng dần chuyển dịch đó là xu hướng tất yếu. Vấn đề đặt ra hiện nay, là lựa chọn, phát triển các loại cây trồng nào cho phù hợp vừa giữ vững được diện tích, giá trị kinh tế.

Đổi mới cơ cấu giống

Bàn về giải pháp đẩy mạnh sản xuất vụ đông, đồng chí Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, ngành nông nghiệp chuyển đổi phương châm chỉ giao chỉ tiêu đối với các loại cây trồng chủ lực như: Ngô, lạc đổi với các loại cây rau màu không giao chỉ tiêu "bằng mọi giá”, mà áp dụng linh hoạt từng vùng trồng các cây thích hợp trên cơ sở thực hiện tốt liên kết "4 nhà” gồm: Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học.

Người dân xã Hòa An (Chiêm Hóa) liên kết trồng ớt xuất khẩu.

Thực tế hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các doanh nghiệp gồm: Hợp tác xã giống gia cầm Minh Tâm (Sơn Dương); Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Yên Nguyên (Chiêm Hóa) liên kết phát triển các loại cây trồng ớt, dưa chuột, dưa chuột bao tử... để cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh khẳng định, Trung tâm sẽ phân công cán bộ, hỗ trợ bà con đến cùng kỹ thuật canh tác trồng dưa chuột, dưa bao tử, ớt. Địa phương có nhu cầu phát triển các loại cây trồng có thể liên hệ với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thành phố hoặc Trung tâm Khuyến nông tỉnh để được kết nối, hỗ trợ. Ngoài các đối tượng cây trồng như dưa chuột, ớt, Trung tâm cũng khuyến khích người dân tập trung phát triển cây ngô lấy hạt, ngô sinh khối. Đây là loại cây truyền thống, sinh trưởng phát triển tốt và giải quyết được nhiều vấn đề lớn. Đó là: Tăng hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, chủ động nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi trong mùa đông, tiết kiệm được nhân công lao động, đặc biệt thị trường tiêu thụ rất bền vững. Trồng ngô đông chỉ cần làm đất tối thiểu, 2 lần xới, vun không tốn nhiều công sức. Riêng thị trường tiêu thụ không lo dư thừa bởi trên địa bàn tỉnh có 3 trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn và đàn gia súc lớn khoảng 130 nghìn con nhu cầu nguồn thức ăn tinh, thô xanh là rất lớn.

Thực tế 5 năm trở lại đây, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với các trang trại bò sữa Phú Lâm (TP Tuyên Quang); Hồ Toản (Yên Sơn), Viện cây lương thực, người nông dân triển khai nhiều mô hình trồng ngô sinh khối làm thức ăn thô xanh cho bò sữa trên địa bàn các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, thành phố Tuyên Quang đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Nguyễn Thị Kim, cây trồng vụ đông đã dần thay đổi cơ cấu giống cây trồng và mô hình sản xuất. Thay vì nhiều sản phẩm, các địa phương chỉ cần chọn lựa 1 - 2 đối tượng cây trồng, thực hiện liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh. Làm được điều này các địa phương sẽ đảm bảo kế hoạch phát triển cây vụ đông, tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, tiết kiệm được nhân công lao động, đặc biệt không bị áp lực bởi thị trường tiêu thụ.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục