Xu hướng du lịch nông thôn

- Phát triển du lịch nông thôn phù hợp với xu hướng du lịch xanh, bền vững của thế giới. Đây cũng là 1 trong 3 sản phẩm du lịch mới mà Việt Nam đang chú trọng phát triển. Những chính sách dành cho du lịch nông thôn cũng dần được khai thông...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã mở ra nhiều hướng phát triển du lịch nông thôn. Mục tiêu của chương trình là đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương; phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả...

Du khách thích thú với du lịch nông thôn xứ Tuyên. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, Chương trình phát triển du lịch nông thôn là một định hướng lớn của Chính phủ trong việc xây dựng nông thôn mới. Tuyên Quang xác định du lịch nông thôn cũng là thế mạnh của tỉnh, cần tập trung khai thác hiệu quả. Theo bà Hà, du lịch nông thôn thu hút du khách đến thưởng thức, trải nghiệm và nhận được các giá trị mới mẻ khác biệt so với môi trường sống thường nhật của họ ở khu vực thành thị hay các vùng nông thôn khác. Du lịch nông thôn thường có quy mô kinh doanh nhỏ, không gian mở, được tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thiên nhiên, gắn với những đặc điểm tiêu biểu ở khu vực nông thôn, những di sản văn hóa xã hội và văn hóa truyền thống ở làng xã; thể hiện đặc tính đa dạng về môi trường, kinh tế, lịch sử, địa điểm của mỗi vùng nông thôn. 

Du lịch nông thôn có nhiều loại hình, có thể xếp vào 3 loại hình cơ bản: Du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Trong đó du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa còn tương đối hoang sơ. Du lịch canh nông hay du lịch trang trại nông nghiệp là du lịch ở vùng nông nghiệp được canh tác theo hướng truyền thống, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, an toàn cho sức khỏe con người. Du lịch canh nông giúp du khách trải nghiệm tại trang trại trồng trọt hoặc chăn nuôi, bao gồm canh tác nông nghiệp, thưởng thức sản phẩm nông trại và lưu trú. Còn du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Mô hình này khai thác các nét nguyên bản trong cộng đồng.

Căn cứ vào 3 loại hình này thì du lịch nông thôn đang phát triển mạnh mẽ, đúng hướng. Ông Hoàng Minh Đằng, Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin huyện Na Hang cho rằng, Tuyên Quang là tỉnh có độ che phủ rừng vào tốp đứng đầu cả nước, trong đó phải kể đến hệ thống rừng nguyên sinh. Riêng Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình được công nhận danh thắng quốc gia đặc biệt đã có hàng chục nghìn ha vùng lõi và vùng đệm, trong đó có 8.000 ha mặt nước hồ. Mấy năm gần đây Na Hang, Lâm Bình đón nhiều đoàn khách lên tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái, xu hướng ngày một tăng. Ngoài du lịch sinh thái thì du lịch cộng đồng rất phát triển, các làng Văn hóa du lịch được hình thành như Khau Tràng, xã Hồng Thái; Nà Khá, xã Năng Khả; Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang). Lâm Bình có Nà Tông, xã Thượng Lâm; Khuổi Củng, xã Xuân Lập; Bản Bon, xã Phúc Yên; Thượng Minh, xã Hồng Quang…

Du khách tham quan chè xanh Làng Bát, xã Tân Thành, Hàm Yên.

Ở Tuyên Quang loại hình du lịch nông thôn canh nông đang manh nha phát triển. Ông Phạm Văn Luận, Giám đốc HTX Chè xanh Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) cho biết, vùng chè Làng Bát có phong cảnh đẹp, chè được canh tác hữu cơ theo hướng VietGap, thương hiệu chè được bảo hộ, uy tín với khách hàng. Từ tiếng vang đó, nhiều đoàn khách thích lên thăm, chụp ảnh với nương chè, họ tham gia thu hái, thích thú trải nghiệm sao, đóng gói, thưởng ngoạn ấm chè ngon. Vừa có hoạt động trải nghiệm, du khách còn mua chè về làm quà. Hoạt động du lịch kết hợp chuỗi giá trị đó đang có sức hấp dẫn. Ở Tuyên Quang du lịch canh nông có tiềm năng như mùa hoa lê, cải, mùa lúa ruộng bậc thang Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang); tham quan vùng cam sành Hàm Yên, bưởi, chè Yên Sơn; nuôi cá lồng hồ thủy điện…

Bà Nguyễn Thị Hoa, khách du lịch Hà Nội tâm sự, bà và gia đình rất thích đi du lịch vùng nông thôn ở Tuyên Quang. Ở đó không khí trong lành, cuộc sống bình yên, thong thả. Vừa chiêm ngưỡng phong cảnh, món ăn vùng miền khác biệt, vừa tìm hiểu được bản sắc văn hóa. Mà giá cả du lịch nông thôn rất rẻ, khi về có thể mua nhiều đồ nông sản làm quà, bà nghĩ đây là lĩnh vực rất tiềm năng.

Cùng với các loại hình du lịch khác, du lịch nông thôn ở Tuyên Quang cần được các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương có lộ trình phát triển cụ thể, đón đầu các sự kiện lớn trong năm, bảo đảm du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, nâng cao đời sống nhân dân.   

Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục