Tự ti­n dưới mặt trời

- Sinh năm 1990, nhưng Lý Thị Hà đã có kinh nghiệm 8 năm làm cán bộ thôn và là cán bộ thôn trẻ nhất của Thôn 16 nói riêng và cả xã Tân Long (Yên Sơn) đến thời điểm này. Dân tin - Đảng cử, nữ Bí thư Chi bộ đầu tiên của người Dao Thanh Y Lý Thị Hà qua mỗi ngày đều nỗ lực với việc “vác tù và”, để mỗi lá phiếu của đảng viên, của nhân dân bầu cho mình không phải là vô ích.

Vượt qua định kiến

Năm 2015, Lý Thị Hà khi ấy vừa tròn 25 tuổi, được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, thay vị trí Trưởng thôn của người tiền nhiệm đã gánh vác hơn 30 năm.

Thôn chủ yếu là đồng bào Dao Thanh Y. Trong cái lý của người Dao ngày trước, con gái không cần học nhiều, không cần làm to, chỉ cần biết làm vui cái bụng của người đàn ông, biết nuôi cho đứa con khỏe mạnh là được. Nhưng may mắn của Hà là cả bố đẻ, bố chồng đều đã từng gánh vác việc thôn. Giao tiếp xã hội cộng với mong muốn thay đổi suy nghĩ của đồng bào mình, nên động viên Hà nhận việc khó.

Hà bảo, thời điểm nhận chức Trưởng thôn, đúng lúc tỉnh, huyện, xã triển khai xây dựng nhiều công trình hạ tầng, đặc biệt là chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Việc nhiều, va chạm nhiều, Hà như bị stress.

Lý Thị Hà.

Người Dao Thanh Y ở Thôn 16 nhớ mãi cô Trưởng thôn dáng người loắt choắt, nhỏ bé nhưng ngày nào cũng chạy xe máy đến từng xóm, vận động người dân mở đường. Đến nhà nào, Hà cũng phát “song ngữ”, vừa nói tiếng phổ thông để người trẻ mở cái đầu, vừa nói tiếng Dao để người già sáng cái bụng...

6 năm làm Trưởng thôn, Thôn 16 từ thôn xa nhất xã, khó khăn vất vả nhất xã, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã, nhưng đã hoàn thành gần 4 km đường bê tông, bao gồm cả đường trục chính và đường nhánh. Có những tuyến đường nhánh, chỉ vài trăm mét, phục vụ nhóm 5 - 6 hộ gia đình, nhưng để hoàn thành phải mất cả nửa năm vận động, thuyết phục. Là bởi, bà con nghèo quá, vận động hiến đất mở đường không khó, nhưng để bà con bỏ tiền ra đóng góp thì... không biết lấy nguồn từ đâu.

Trưởng thôn lại chạy qua xã, xin các nguồn hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ con giống, cây trồng để bà con chuyển đổi dần. Có thu nhập, mới có tiền đóng góp làm đường... Giờ thì đường bê tông đã trải khắp thôn. Những con đường rộng thênh thang, đủ để 2 chiếc xe ô tô con tránh nhau. Hà bảo, thực sự với người Dao Thanh Y ở thôn 16, đây là kỳ tích. Nhiều lúc, chạy xe máy trên con đường thênh thang như thảm lụa, Hà cũng không dám tin đây là những con đường mình vận động bà con làm được, và cũng không hiểu vì sao mình vận động được.

Dân tin - Đảng cử

Giữa năm 2022, Lý Thị Hà được đảng viên trong chi bộ nhất trí bầu làm Bí thư Chi bộ. Công việc mới, nhiệm vụ mới, Hà càng nỗ lực để hoàn thành.

Thời điểm này, tuyến đường nội đồng cuối cùng của thôn 16 ở khu vực Đèo Trâu phải hoàn thành. Hà cùng người Trưởng thôn vừa được bầu thay mình lại “đổ mồ hôi” để vận động nhân dân hoàn thành.
Cả tuyến có chiều dài 300 mét, trước đây chỉ là con đường đất rộng chừng 2,5 mét. Để hoàn thành, gần như hộ nào cũng phải sẵn sàng hiến đất để mở đường.

Người Dao Thanh Y trước đây chủ yếu là phát nương làm rẫy. Mỗi mảnh nương khai phá trồng cấy được chừng 3 năm, hết màu là chuyển đi tìm kiếm mảnh nương khác. Sau này, Nhà nước vận động ổn định đời sống, chuyển sang trồng lúa nước, bà con yêu mảnh ruộng của mình còn hơn sinh mạng.

Chị Hà (bên trái ảnh) thăm mô hình chuyển đổi cây trồng của người dân.

Thời điểm làm đường bê tông nông thôn, chuyện vận động dân hiến đất vườn, đất rừng chẳng khó. Nhưng giờ làm đường nội đồng, bảo dân hiến đất ruộng còn khó hơn lên giời. Là bởi trong tâm thức của họ, mất ruộng là mất hết. Nhà có 8, 9 nhân khẩu, cũng chỉ trông chờ vào 2 - 3 sào ruộng... Mất ruộng rồi, lấy gì mà nuôi cháu nuôi con. Thế nên, chuyện cán bộ thôn vừa ra ruộng chưa cần biết làm gì đã bị dân đuổi trở thành... chuyện bình thường.

Cán bộ thôn 16 mở không biết bao nhiêu cuộc họp, mỗi cuộc họp kéo dài vài tiếng đồng hồ, để nhóm 9 hộ gia đình ở Đèo Trâu đồng thuận, sẵn sàng cùng với thôn hoàn thành. Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ phải đứng ra cam kết, hộ nào hiến đất làm đường, khi có các chính sách chuyển đổi nghề, hỗ trợ cây con giống sẽ được ưu tiên đầu tiên; có đường mở rộng, rồi sau này chuyện bán hạt thóc, hạt ngô cũng sẽ được giá hơn... Nói mãi, rồi cũng thành. 9 hộ dân sẵn sàng đồng thuận hiến hơn 100 mét vuông đất ruộng. Câu chuyện vận động làm đường ở Đèo Trâu, sau này được Hà đem đi thi Hội thi Bí thư Chi bộ giỏi cấp tỉnh, phần thi Kỹ năng xử lý tình huống. Chung cuộc, Lý Thị Hà được trao Giải Nhất toàn hội thi.

Ở thôn 16, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm gần 50%. Là bởi, ngoài trồng lúa, bà con không dám đưa cây gì khác vào trồng. “Trồng lúa mới có thóc có gạo nuôi con chứ, trồng cây khác thì nuôi con bằng cái gì”, bà con bảo thế. Khi nhận nhiệm vụ Đảng viên phụ trách hộ gia đình, việc mà Bí thư Chi bộ Lý Thị Hà quan tâm nhất là làm sao để nhóm hộ mình phụ trách, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi được tư duy ấy.  

Để bà con tin, Bí thư Chi bộ phải thay đổi trước. Ở thôn 16, ngôi nhà của nữ Bí thư Chi bộ Lý Thị Hà là một trong những ngôi nhà xây kiên cố đầu tiên. Chồng Hà đi làm ăn ở Quảng Ninh đã gần 15 năm nay, con cũng theo học trường Nội trú huyện, Hà một mình ở nhà chăm lo 3 sào ruộng, 2 ha rừng và đàn bò. Mới đây, Hà chuyển đổi 1 sào ruộng sang trồng ngô và nhận thấy, cây ngô hợp đất, phát triển tốt hơn hẳn so với trồng lúa đơn thuần.

Thấy vậy, Hà vận động những hộ trong nhóm hộ mình phụ trách chuyển đổi trước. Nhà Lý Thị Ngoan, Phùng Thị Di mới đây cũng chuyển một phần ruộng sang trồng ớt.

Nhiều hộ có ít ruộng, được hỗ trợ trâu bò giống để chăn nuôi nhưng ngại không biết cách chăm, Hà lại cầm điện thoại thông minh, sang tận nhà mở mạng ra, hướng dẫn từ cách làm chuồng, cách trồng thêm cỏ voi để chăn nuôi.

Nhà ông Đặng Văn Sinh mới đây nghe lời Bí thư Chi bộ Lý Thị Hà cũng làm chuồng, chuyển sang nuôi dê để tăng thêm thu nhập. Ông Sinh bảo, cái đất vườn mình thì rộng, nguồn thức ăn thì sẵn nhưng trước đây không dám làm, sợ làm con dê không lớn, phí tiền... Được Bí thư Chi bộ mở điện thoại cho xem cách người nơi khác làm chuồng, hướng dẫn kỹ thuật, ông Sinh mới nuôi thử 2 con.

Sau thấy chăn nuôi dê hợp lý quá, vừa không tốn kém, vừa có vốn quay vòng nhanh, ông cứ nhân đàn lên dần, lên dần. Giờ chuồng dê của nhà ông đã có 11 con. Đàn dê được chăm sóc đúng kỹ thuật, béo múp từng ngày. Bán được con dê, ông mua được gạo, được thịt, được quần áo mới cho đàn con, cái bụng ông không lo nữa...

Điều đặc biệt ở Chi bộ thôn 16 là đảng viên nữ chiếm trên 70%. Đây là điều mà ít chi bộ nông thôn làm được khi việc tạo nguồn đảng viên nữ gần như đi vào ngõ cụt. Có lẽ, kinh nghiệm là từ chính tấm gương của nữ Bí thư chi bộ mà họ tin yêu.
Nữ Bí thư Chi bộ đầu tiên của người Dao Thanh Y thôn 16 cười rạng rỡ. Với chị, lời thề dưới cờ Đảng năm nào, như ngọn lửa tiếp thêm sức mạnh, để mỗi  ngày, chị làm thêm điều hay, bỏ đi chuyện cũ ở bản mình.

Hải Lâm

Tin cùng chuyên mục