Bản sắc Nà Mụ

- Đường đến thôn Nà Mụ, xã Hồng Thái (Na Hang) đi qua tuyến đường hoa lê dài nhất Việt Nam. Mùa hoa nở, con đường vào thôn rực trắng sắc hoa lê. Nhưng, Nà Mụ không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp hoa lê, nơi này còn lưu giữ những bản sắc độc đáo, riêng có của người Dao Tiền.

Một góc thôn Nà Mụ.

Ruộng trong mây

Thôn Nà Mụ nằm nép mình bên những sườn đồi, nhìn ra phía dưới là những thửa ruộng bậc thang. Nhìn từ xa về, thôn Nà Mụ ẩn hiện sau những dải mây, khi lên, khi xuống. Bởi vậy người ta còn gọi Nà Mụ thành Nà Mù (ruộng trong mây mù). Vào mùa lúa chín những thửa ruộng bậc thang nhuộm sắc mùa vàng trải rộng khắp thôn. Nhiều người ví von, đến Hồng Thái mà chưa đến Nà Mụ, thì chưa tận hưởng được hết vẻ đẹp của đất này là vì thế. 

Theo sách Lịch sử Đảng bộ xã Hồng Thái, thôn Nà Mụ trước đây thuộc tổng Côn Lôn, gồm 4 xã Côn Lôn, Yên Viễn, Thượng Nông, Đà Vị. Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, tách xã, Nà Mụ thuộc về xã Hồng Thái. Ở đây, thời điểm trước Cách mạng Tháng Tám, thôn Nà Mụ còn là căn cứ các đồng chí cán bộ tiền khởi nghĩa xây dựng lực lượng cho tổng khởi nghĩa. Ở Nà Mụ có 3 hộ gia đình nuôi dưỡng cán bộ, được công nhận người có công với cách mạng.

Điểm Check - in ruộng bậc thang cho du khách ở Nà Mụ.

Thôn Nà Mụ hiện còn giữ nguyên những nếp nhà lợp ngói âm dương. Để làm được ngói đất, bà con phải thuê thợ về làm, chọn nơi có đất thịt, sau đó dùng trâu giẫm trên đất chừng 3 đến 4 buổi, rồi mới nhào đất để cho vào khuôn làm ngói. Theo quan niệm của người Dao Tiền ngói âm dương là sự kết hợp hài hòa, thể hiện sự vận động luân hồi trong dòng chảy cuộc đời, mà các bậc tiền nhân đã khéo léo đưa vào cuộc sống bằng việc tạo nên nét độc đáo trong kiến trúc nhà ở truyền thống.

Mái ngói âm dương gồm hai lớp, ngói dương là lớp lợp nằm ngửa, ngói âm là ngói úp xuống ngói dương, vừa có giá trị thẩm mỹ kiến trúc độc đáo, vừa có tác dụng thông gió cho mái nhà, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Hơn thế, ngói âm dương còn thể hiện tình đoàn kết, gắn bó keo sơn của đồng bào bao thế hệ nay. 

Bỏ nếp cũ, đón tương lai

Về Nà Mụ được nghe câu chuyện lấy vợ của con trai trong thôn mới thấy quả là gian nan. Ông Triệu Tiến Quốc, một người dân ở đây kể rằng: Trước đây con trai Nà Mụ muốn lấy được vợ phải mang lễ cho nhà gái 60 lạng bạc (tương đương với 2,7 kg bạc), thêm 5 đồng bạc trắng (mỗi đồng 1,2 triệu đồng), mua vòng cổ, vòng tay cho cô dâu, chịu toàn bộ gạo, thịt, rượu và chi phí tổ chức lễ cưới cho nhà gái.

Ông Quốc có 2 người con trai, ông nhẩm tính, vừa rồi phải mất tới hơn 600 triệu đồng mới cưới được vợ cho con. Nếu gia đình nhà trai không có đủ tiền lo đám cưới thì các nghi thức từ lên đèn lạy gia tiên, ra mắt họ tộc đều được tổ chức, nhưng không được tiến hành nghi lễ rước dâu. Đám cưới xong, chàng rể trở thành thành viên trong gia đình nhà vợ. Sau 3 năm ở rể thì người con trai mới được đưa vợ con về.

Ông Quốc bảo, 3, 4 năm nay nhờ có sự tuyên truyền mạnh bà con trong thôn đã bỏ phong tục này, đám cưới lành mạnh chỉ tổ chức 1 ngày chứ không còn linh đình 3 ngày như trước, sính lễ cũng không còn nặng như trước. Những người con trai Nà Mụ như được cởi bỏ gánh nặng bao đời nay.

Những chàng trai cô gái Dao Tiền ở Nà Mụ vẫn còn giữ nguyên trang phục dân tộc và những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Ở Nà Mụ, bà con Dao Tiền vẫn còn tục phải cúng khi mua đồ vật trước khi chuyển vào nhà, kỵ nhất là giường, tủ đóng mới, mua chăn, màn. Nếu không có điều kiện cúng ngay thì không được phép đưa đồ vào nhà qua cửa chính mà phải qua cửa vách. Khách đến nhà có ở lại thì cũng không được mang đồ vào nhà mà phải dùng đồ vật của gia chủ.

Người Dao ở Nà Mụ còn giữ nguyên phong tục Cấp sắc. Con trai trên 10 tuổi thì phải làm lễ Cấp sắc để tổ tiên chứng nhận người đang sống đã trưởng thành. Tùy theo điều kiện gia đình sẽ chuẩn bị và lựa chọn thời gian phù hợp để tiến hành làm lễ Cấp sắc. Đối với những người đã chết mà chưa làm lễ Cấp sắc thì đợi khi gia đình có điều kiện sẽ làm lễ Cấp sắc cho người này bởi khi đó người chết mới được về với tổ tiên. Ở đây lễ Cấp sắc 3 đèn là lễ thông thường còn lễ Cấp sắc 7 đèn dành cho người ở vị trí cao hơn trong xã hội người Dao.

Trong những năm gần đây, xã Hồng Thái trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thì Nà Mụ cũng ngày càng đón nhiều du khách ghé thăm. Đón đầu xu thế này, bà con trong thôn đã bắt đầu tôn tạo các vườn lê trong nhà, trồng hoa, tạo cảnh quan để phục vụ du khách. Một số hộ đã đầu tư cải tạo nhà để làm Homestay đón khách. Có hộ trồng hoa, mỗi mùa đón khách đến chụp ảnh cũng thu về 30 -40 triệu đồng. Gia đình ông Triệu Tiến Quốc làm Homestay thường đón khách vào dịp cuối tuần, có thêm thu nhập đáng kể, nhất là vào mùa lễ hội.

Anh Triệu Văn Biên, Trưởng thôn Nà Mụ cho biết,   nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới và nhất là khi có khách du lịch, đời sống bà con ở đây đang ngày càng khởi sắc. Cái được lớn nhất là sự thay đổi nhận thức của bà con, nhiều phong tục tập quán lạc hậu như ma chay, cưới hỏi vốn là gánh nặng nay đã được lược bớt. Những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao Tiền được giữ gìn, phát huy.

Nà Mụ có ruộng đất phì nhiêu, khí hậu quanh năm mát mẻ nên cây cối, hoa màu phát triển rất tốt, sản lượng lương thực bình quân đầu người lên đến 850 kg/người/năm, tạo điều kiện tốt để bà con phát triển chăn nuôi. Tự hào là vùng đất đẹp, bà con Nà Mụ đang rất tin tưởng vào tương lai nơi đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách ghé thăm.

Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục