Thôm Luông có nghề thêu thổ cẩm

Chị Lương Thị Oanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thượng Nông (Na Hang) chia sẻ, phụ nữ Dao đỏ thôn Thôm Luông có truyền thống thêu thổ cẩm từ xa xưa, những ngày lễ hội chị em nơi đây đều mang trên mình những bộ quần áo dân tộc vô cùng sặc sỡ như những cánh bướm màu sắc giữa đại ngàn. Mỗi lúc nông nhàn thật không khó bắt gặp chị em cặm cụi thêu họa tiết thổ cẩm làm trang phục và Câu lạc bộ (CLB) thêu thổ cẩm thôn Thôm Luông cũng ra đời từ đó.

Thôn Thôm Luông có 157 hộ dân với gần 800 nhân khẩu, đa số là dân tộc Dao đỏ. Bà con nơi đây sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp, mặc dù còn nhiều khó khăn song đời sống văn hóa tinh thần lại rất phong phú, mang nhiều màu sắc riêng.

CLB thêu thổ cẩm thôn Thôm Luông được thành lập từ tháng 9 – 2022, lúc đầu có 22 thành viên, đến nay CLB đã có 32 thành viên. Chị Bàn Thị Chiều, Chủ nhiệm CLB phấn khởi cho biết, từ ngày thành lập, chị em phụ nữ trong thôn đã có công việc ổn định, với thu nhập từ 4 – 6 triệu đồng/người/tháng, sản phẩm làm ra đều không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều chị em đã thoát nghèo nhờ thêu thổ cẩm.

Nghề thêu tại thôn Thôm Luông, xã Thượng Nông (Na Hang) được truyền qua nhiều thế hệ.

Nghề thêu ở Thôm Luông có tự bao giờ thì không ai biết, chỉ biết khi con gái khoảng 7, 8 tuổi đã được các bà, các mẹ truyền nghề thêu, người Dao đỏ quan niệm, phụ nữ đến tuổi trưởng thành phải biết thêu thành thạo các bộ trang phục, nhiều vật dụng sinh hoạt cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Họa tiết, hoa văn trên trang phục, dây thắt lưng, khăn đội đầu, yếm của người Dao đều gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, lao động thường ngày, thể hiện tín ngưỡng, phong tục, tập quán của người Dao như: con chim, cây lá, bông hoa, cái bừa...

Nhiều đời nay, người dân tộc Dao luôn gìn giữ nghề thêu như “báu vật” của mình. Mỗi bộ trang phục đều được thêu bằng tay rất kỳ công, tỷ mỷ, đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo trong từng đường kim, mũi chỉ nhiều khi mất cả năm mới làm xong một bộ váy áo. Trước khi về nhà chồng, các cô gái Dao Đỏ thường ở nhà tập trung cho việc thêu thùa, khâu vá, hoàn thành bộ trang phục của riêng mình.

Các sản phẩm thêu chủ yếu là quần áo cho phụ nữ với những đường nét vô cùng tinh tế.

 

Dù đã hơn 60 tuổi, nhưng bà Hoàng Thị Lai vẫn thoăn thoắt đôi tay xỏ từng mũi kim, màu chỉ thật chính xác. Bà Lai bảo, một bộ trang phục truyền thống của người Dao phải dệt, thêu mấy tháng mới xong. Hoa văn và trang sức bạc trên trang phục của phụ nữ Dao đỏ có nhiều hình ngôi sao với nhiều cánh tượng trưng cho sức mạnh của thiên nhiên, vũ trụ. Ngày nay ở Thượng Nông không còn trồng đay dệt vải, do vậy chị em đều mua các sản phẩm vải dệt, chỉ thêu từ các chợ tại Bắc Kạn, Cao Bằng về để hoàn thiện các sản phẩm của mình.

 

Việc thêu được chị em phụ nữ Dao đỏ duy trì như một thói quen vào những lúc nông nhàn. Chính điều này đã góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống cho đến ngày nay.

Chị Triệu Thị Hương năm nay vui hơn, chị kể, gia đình thuộc diện hộ nghèo, từ ngày tham gia CLB thêu thổ cẩm, chị có thêm thu nhập đáng kể từ việc làm lúc nông nhàn. Ngày xưa gia đình 4 nhân khẩu loay hoay làm đủ nghề vẫn khó, nhưng từ làm thêu mỗi tháng chị có thu nhập khoảng 5 triệu đồng, đầu ra sản phẩm ổn định. Chị bảo, chưa bao giờ nghĩ có ngày nhờ thêu thổ cẩm mà mình có kinh tế, vừa có việc làm lại vừa giữ gìn được nghề truyền thống.

Khách hàng tỏ ra vô cùng thích thú với các sản phẩm của thêu của Thôm Luông, xã Thượng Nông (Na Hang). 

Các sản phẩm thêu nơi đây vô cùng đa dạng, có mức giá khá hợp lý. Bà Đặng Thị Pham được chị em gọi với cái tên thân mật “Bà tiếp thị”. Đôi tay cầm chiếc áo sặc sỡ, bà Pham dõng dạc nói, như bộ quần áo của người phụ nữ Dao đỏ dao động từ 9,5 đến 11 triệu đồng, chiếc túi đeo có giá khoảng 400 nghìn đồng, hay những chiếc thắt lưng, móc chìa khóa cũng chỉ từ vài chục đến hơn 100 nghìn đồng. Chính vì thế, nhờ các mối hàng quen từ khi chưa thành lập CLB mà đến nay, các sản phẩm của chị em phụ nữ đều được đón nhận và tiêu thụ khá suôn sẻ. Bà Pham cho biết, thời gian tới sẽ cố gắng làm thêm các sản phẩm độc đáo hơn, độ khó hơn để bán được nhiều hơn cho chị em có thêm thu nhập. 

 

Mặc dù mới thành lập và còn gặp nhiều khó khăn, nhưng sản phẩm thêu của chị em thôn Thôm Luông đã dần khẳng định được chỗ đứng trong thị trường. Đồng chí Hoàng Văn Cướng, Chủ tịch UBND xã Thượng Nông (Na Hang) cho biết, trong tháng 8 này, chính quyền xã bắt đầu cho chị em giới thiệu sản phẩm tại chợ đêm thị trấn Na Hang để quảng bá rộng hơn các sản phẩm thổ cẩm đến đông đảo khách du lịch, mở rộng thị trường và tạo hướng làm ăn mới cho chị em phụ nữ trong thôn.

 

 

Chị Lương Thị Oanh
 Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thượng Nông (Na Hang)