Giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói "Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Xác định giữ gìn văn hóa là vấn đề sống còn nên ngành Giáo dục cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học đã tăng cường giáo dục truyền thống trong trường học để học sinh giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc tránh nguy cơ mai một. Ở Tuyên Quang, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, công tác giáo dục học sinh giữ gìn văn hóa truyền thống đã được quan tâm với những cách làm đầy sáng tạo, hiệu quả.

Tuyên Quang là địa phương có văn hóa phong phú, giàu bản sắc với 22 dân tộc cùng sinh sống, học sinh Tuyên Quang là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến hơn 60%. Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, giáo dục kiến thức thì việc giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã được ngành Giáo dục tỉnh đặc biệt được quan tâm.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục đạo đức lối sống, đặc biệt là bảo tồn văn hóa cho học sinh để từ đó giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Các trường học thường xuyên tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh.

Em Đỗ Hương Giang, dân tộc Cao Lan, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn đã cố gắng học tập và thi đỗ vào lớp 10 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh cho biết, khi nhập học em được nhà trường thông báo ngoài các đồ dùng cần thiết thì chuẩn bị một bộ trang phục dân tộc. Khi đến đây học tập chúng em không chỉ được các thầy cô dạy chữ mà còn dạy làm người tốt, dạy biết giữ gìn những nét đẹp của dân tộc.

Chúng em đến đây từ nhiều vùng trong tỉnh, mỗi dân tộc lại có những nét riêng độc đáo. Ví dụ như dân tộc Cao Lan có điệu hát Sình ca, dân tộc Tày có những điệu hát Then say đắm hòa quyện cùng đàn Tính tẩu, dân tộc Mông có điệu khèn say đắm… Qua các hoạt động giáo dục của nhà trường, các em cảm thấy tự hào về dân tộc mình và cố gắng nỗ lực học tập thật tốt để sau này trở thành những người công dân có ích cho xã hội.

"Ngày hội văn hóa” dân tộc tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh.

Việc giáo dục học sinh giữ gìn văn hóa truyền thống không chỉ được coi trọng trong các trường nội trú, bán trú có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mà ở thành phố hoặc đồng bằng cũng đã trở thành một việc làm thường xuyên, liên tục. Các nhà trường đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu văn nghệ, tổ chức “Ngày hội văn hóa các dân tộc”. Thông qua việc tổ chức “Ngày hội văn hóa các dân tộc” để từ đó giới thiệu những nét đẹp của mỗi dân tộc, nâng cao sự hiểu biết của học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết, trong năm học nhà trường đều tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để học sinh tham gia như: tuyên truyền, giáo dục pháp luật, Luật Giao thông đường bộ, giáo dục văn hóa truyền thống. Sau những hoạt động bổ ích như vậy đã tạo không khí sôi nổi, học sinh đã được nâng cao hiểu biết về cuộc sống và văn hóa các dân tộc, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt học tốt trong nhà trường.  

Hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục văn hóa truyền thống của Trường Tiểu học Phan Thiết, TP Tuyên Quang.

Đến nay, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đều thành lập các câu lạc bộ theo sở thích, trong đó các câu lạc bộ về văn hóa, lịch sử chiếm phần lớn. Các câu lạc bộ này đã trở thành nòng cốt để lan tỏa những cái hay, cái đẹp.  Đồng thời các nhà trường cũng đã mời nghệ nhân, những người am hiểu về văn hóa dân tộc để truyền đạt lại cho học sinh, “tiếp lửa” cho các em, giúp các em sau này trưởng thành, đi đâu làm gì vẫn nhớ mãi về nguồn gốc của mình.

Nghệ nhân Hà Thuấn ở xã Tân An (Chiêm Hóa) năm nay đã ngoài 80 tuổi, người dành cả đời tâm huyết với hát Then, đàn Tính chia sẻ: “Tôi rất mừng vì các trường học ngày nay đã quan tâm đến vấn đề giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Trước đây, tôi rất lo lắng vì sợ rằng hát Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái (loại hình nghệ thuật dân tộc đã được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại) sẽ bị mai một nếu không có tầng lớp kế cận. Vậy nhưng bằng sự nỗ lực từ các cấp, các ngành và nhất là việc đưa hát Then vào truyền dạy trong các trường học, tôi tin tưởng hát Then sẽ ngày càng có sức sống mãnh liệt hơn, giống như bếp lửa trong nhà sàn của người Tày sẽ cháy mãi, như nước trên sông Lô sẽ chảy mãi không bao giờ cạn…”

Năm 2022, khi đến thăm và làm việc tại tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao những kết quả toàn diện mà công tác giáo dục và đào tạo tỉnh Tuyên Quang đã đạt được, bởi bối cảnh của địa phương còn nhiều khó khăn, thách thức. 

Tại Tuyên Quang, rất nhiều những câu chuyện cảm động về sự giáo dục coi trọng dạy chữ, dạy người, bất cứ học sinh của dân tộc nào đều được quan tâm chăm sóc như nhau nhưng đối với những học sinh dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn lại càng được đặc biệt quan tâm.

Chuyện cô giáo trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh hàng đêm thức canh giấc ngủ học sinh, chăm sóc học sinh như con khi các em đau ốm; chuyện thầy Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Hàm Yên (nay là Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh) viết thư động viên học sinh  trước mỗi kỳ thi; chuyện những thầy cô nhận đỡ đầu học sinh khó khăn suốt nhiều năm học… 

100% học sinh các trường nội trú đều có trang phục truyền thống cùa dân tộc mình.

Em Lý Quốc Trường, dân tộc Nùng từng là học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú ATK Sơn Dương nhà là hộ nghèo ở xã Minh Thanh, một vùng quê cách mạng ở huyện Sơn Dương chia sẻ: “Trong suốt những năm tháng học tập dưới mái trường nội trú em đã được các thầy cô, bạn bè quan tâm, chia sẻ. Các thầy cô còn nhận đỡ đầu thường xuyên tặng đồ dùng học tập, quần áo cho những học sinh khó khăn. Để không phụ lòng gia đình, nhà trường, em đã cố gắng rất nhiều và thi đỗ vào Trường Học viện Kỹ thuật mật mã. Em sẽ nhớ mãi về mái trường với tình yêu thương sẻ chia và tấm lòng của mỗi thầy cô đã tiếp thêm động lực để em vượt khó tiếp tục chặng đường chinh phục phía trước".

“Ngày hội văn hóa” dân tộc tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh với nhiều trò chơi dân gian như tung còn, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo.

Trong thực tế, bằng sự nỗ lực của bản thân cũng như được nuôi dưỡng, trưởng thành dưới mái trường luôn dành sự quan tâm, yêu thương và có đầy đủ các yếu tố giáo dục văn hóa, giáo dục lối sống, đạo đức… đã giúp học sinh phát triển toàn diện hơn. 

Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ chuyện cậu học trò người Tày Hà Kiên Trung nhà ở thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) năm trước đã thi đỗ 10 trường đại học ở Mỹ với học bổng lên tới trên 30 tỷ đồng. Song Trung đã chọn trường đại học tốp đầu của Mỹ là Wesleyan University để theo học. Sở dĩ Trung dễ dàng chinh phục được các nhà tuyển dụng là bởi ngoài học giỏi, có vốn tiếng Anh tốt thì Trung có một năng khiếu hoàn toàn khác biệt so với các thí sinh khác đó là biết hát Then và đánh đàn Tính của dân tộc mình, em từng tham gia nhiều hoạt động xã hội từ thiện nên có vốn sống rất đáng nể.

Em Hà Kiên Trung sau khi nhận học bổng du học Mỹ đã tài trợ mở lớp dạy hát Then tại xã Tân Trào (Sơn Dương).
Trung tâm sự, chính quê hương đã nuôi dưỡng tâm hồn em và bồi đắp trong em tình yêu quê hương, bản sắc văn hóa dân tộc. Dù đi đâu hay làm gì em vẫn nhớ lời bố mẹ, thầy cô là phải giữ lấy gốc gác của mình, “hòa nhập chứ không thể hòa tan”. Với thế mạnh của mình, em sẽ giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của đất nước mình và quê hương Tuyên Quang đến bạn bè quốc tế.

Dạy học sinh hát Then tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh.

Đến huyện vùng cao Lâm Bình của tỉnh Tuyên Quang nhiều du khách không ngớt trầm trồ trước thiên nhiên hùng vĩ tươi đẹp nhưng cũng khá bất ngờ với đội “diễn viên” nhí chuyên biểu diễn văn nghệ tại các homestay hay các lễ hội truyền thống đầu xuân. Đó là các em học sinh trong Câu lạc bộ (CLB) hát Then đàn Tính Thượng Hà (ghép từ tên hai xã Thượng Lâm, Khuôn Hà) do cô giáo Vũ Thị Ngọc Tuyết, Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Khuôn Hà thành lập và làm chủ nhiệm.

Ông Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình cho biết, huyện còn nhiều khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế nên việc phát triển du lịch cộng đồng đang là hướng đi phù hợp. Chính vì thế thông qua các tiết mục văn nghệ do các em học sinh biểu diễn đã góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy dân ca, trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số, như Tày, Dao, Pà Thẻn… rất hiệu quả. Việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống chính là thế mạnh để huyện phát triển du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách hơn nữa.

Các bạn học sinh say mê học đàn tính và biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch nước ngoài.

Tuyên Quang tự hào là cái nôi của cách mạng Việt Nam, nơi được mệnh danh là “Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến”. Toàn tỉnh có trên 600 di tích lịch sử, văn hóa, chính vì vậy mảnh đất này được ví như “bảo tàng cách mạng của cả nước”. Vậy nên ngành Giáo dục đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động như nhận chăm sóc di tích, tổ chức cho học sinh tham quan, bảo vệ di tích lịch sử, vệ sinh khuôn viên sạch sẽ, tổ chức hoạt động kết nạp Đoàn, Đội tại di tích để thông qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cũng như tìm hiểu những nét văn hóa các dân tộc.
Các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động cho học sinh như: Thăm, vệ sinh tại các khu di tích lịch sử; Chào cờ tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang) và kết nạp đội tại các di tích cách mạng.

Tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT trong nhiều năm qua, môn Lịch sử là môn học sinh Tuyên Quang luôn đạt được những kết quả cao với nhiều giải Nhất và Nhì. Đó cũng nhờ coi trọng giáo dục lịch sử, coi trọng giáo dục văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với thực tiễn học tập.

Học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh nghe lãnh đạo Hội CCB tỉnh kể chuyện lịch sử.

Nhờ thực hiện tốt công tác giáo dục văn hóa truyền thống gắn với giáo dục tư tưởng, đạo đức, truyền thống cách mạng cũng chính là động lực giúp công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh Tuyên Quang ngày càng đổi mới, phát triển, nâng tầm trong khu vực các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.