San đồi, bạt núi: Lấy mặt bằng làm nhà

Tình trạng bạt đồi lấy mặt bằng làm nhà diễn ra từ lâu và có xu hướng gia tăng khi nhu cầu về quỹ đất ở ngày một lớn. Không chỉ những nơi vùng sâu, vùng xa, trên địa bàn tỉnh không khó nhận thấy những ngôi nhà được xây dựng dưới taluy dương có độ dốc lớn mà không có các biện pháp chống sạt, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Điều đáng nói là mùa mưa đang đến, liên tiếp các dự báo về nguy cơ sạt lở đất trên các trang thông tin đại chúng, song tình trạng người dân bạt đất đồi, núi làm nhà vẫn có chiều hướng gia tăng. 

 

 Liên tiếp những cảnh báo của cơ quan chức năng về nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất trong mùa mưa lũ được tuyên truyền sâu rộng trên các trang thông tin đại chúng và liên tiếp các vụ việc liên quan đến sạt lở đất gây thiệt hại về người và tài sản ở các tỉnh lân cận là lời cảnh tỉnh cho các hộ dân sống dưới mái taluy. Tuy nhiên, phớt lờ những cảnh báo, tình trạng người dân san đồi, bạt núi làm nhà vẫn diễn ra ngày càng nhiều. 

 Sạt đồi, bạt núi trái phép.

Ngay trên tuyến đường ĐT185 qua thôn Lăng Đén, xã Tri Phú (Chiêm Hoá), một máy múc, một ô tô cặm cụi bạt mái taluy và chở đất đổ sang bên kia đường chỉ cách hiện trường 20m. Qua tìm hiểu được biết khu đất đang được cải tạo là của hộ bà Đinh Thị Thửu. Bà Thửu chia sẻ: “Gia đình tôi có ý định xây nhà cho con gái ra ở riêng tại khu đất bên cạnh nhà. Tuy nhiên, nền đất cao và hẹp nên gia đình muốn hạ thấp và mở rộng nền đất, gia đình đã báo cáo chính quyền địa phương và được hướng dẫn lập phương án cải tạo khu đất trình lên UBND huyện từ năm 2022. Do chờ văn bản trả lời lâu nên gia đình đã tự ý thuê máy về cải tạo khu đất”.

Tình trạng bạt đồi núi trái phép không chỉ xuất hiện trên địa bàn xã Tri Phú, chỉ trong ngày 2-7 phóng viên Báo Tuyên Quang đã ghi nhận thêm 3 trường hợp khai thác, đào, đắp đất tại các địa bàn xã Tân Trào (Sơn Dương); xã Trung Minh, Hùng Lợi (Yên Sơn). Lợi dụng ngày nghỉ, trời tối, các đối tượng thực hiện đào đắp đất trái phép. 

 Khai thác trái phép vào buổi tối.

18 giờ, trời nhá nhem tối, từng chiếc xe tải cỡ nhỏ từ con ngõ của thôn Bòng, xã Tân Trào (Sơn Dương) lao ra đường toả đi các hướng chở theo sau là hàng trăm khối đất. Chỉ cách đường quốc lộ 2C chưa đầy 200m là vị trí khai thác đất trái phép. Tại đây, một quả đồi đã bị đào bới nham nhở. Hiện trường vẫn còn 1 máy múc, 1 xe tải nhỏ lợi dụng trời tối đang miệt mài múc đất. Khi phóng viên có mặt tại hiện trường thì hoạt động khai thác tạm dừng, một người trên máy múc xuống cho biết, đây là đất của gia đình và mục đích đào đất là để lấy mặt bằng xây nhà. 

Theo người dân cho biết, tình trạng khai thác đất trái phép ở khu vực này thường diễn ra vào buổi tối, thứ bảy và chủ nhật nhằm tránh cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. 

 

 

Chủ tịch UBND xã Tân Trào (Sơn Dương) Hoàng Đức Soài. 

 

Báo cáo xử lý vi phạm.

 

Dân số ngày một tăng trong khi quỹ đất ở ngày càng hạn hẹp là thực trạng đang diễn ra ở nhiều địa phương. Thiếu đất ở tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao địa hình phức tạp, thường bị chia cắt và có độ dốc lớn nên việc quy hoạch, bố trí quỹ đất ở gặp nhiều khó khăn. Ông Chẩu Văn Đội, Chủ tịch UBND xã Phúc Yên (Lâm Bình) cho biết, Phúc Yên là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lâm Bình, có 632 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu; tổng diện tích đất tự nhiên hơn 17.600 ha. Diện tích đất tự nhiên lớn nhưng chủ yếu là đất rừng phòng hộ và đất sản xuất với địa hình đồi núi phức tạp. Mỗi năm xã phát sinh từ 4-5 hộ, trong khi quỹ đất ở của xã không có nhiều. Năm 2023 xã có 4 hộ cần di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, tuy nhiên việc bố trí sắp xếp ổn định tại chỗ cho các hộ dân gặp nhiều khó khăn do xã không còn quỹ đất ở, các hộ dân phải di dời chủ yếu là hộ nghèo.

 Những ngôi nhà được dựng lên ngay dưới vách taluy.

 Ông Chúc Tòn Phẩy, thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên (Lâm Bình) chia sẻ: "Gia đình tôi trước đây ở nhà tạm, nhưng con cái mỗi ngày mỗi lớn không thể ở mãi ngôi nhà tạm được. Năm 2021 gia đình thuê máy múc bạt khu đồi phía sau nhà lấy mặt bằng rộng để làm nhà gỗ 2 gian. Nhưng ngôi nhà chỉ ở được 1 năm, trận mưa lớn năm 2022 đã làm mái taluy sau nhà đổ sập; thật may 4 người trong gia đình tôi thoát nạn. Trắng tay sau trận mưa lũ, gia đình cũng mong muốn xã hỗ trợ cho gia đình 1 mảnh đất dựng nhà, tuy nhiên xã không còn quỹ đất nên gia đình tôi phải đi ở nhờ nhà người họ hàng. Đến tháng 4-2023 gia đình mới tích cóp được chút tiền cùng với số tiền hỗ trợ di dời của Nhà nước, tôi mua đất dựng nhà ra nơi ở mới".

 Đoàn công tác xã Tân Trào kiểm tra tình trạng cải tạo đất.

 Việc thiếu quỹ đất ở diễn ra nhiều nơi dẫn đến việc người dân tự ý san đồi, bạt núi tiềm ẩn những nguy cơ sạt lở mất an toàn trong mùa mưa lũ. Trước đây, gia đình anh Dương Văn Dinh và chị Hoàng Thị Lan, dân tộc Mông, thôn Khuôn Nà, xã Trung Minh (Yên Sơn) ở trên núi cao, đường đi lại khó khăn, tiềm ẩn nguy hiểm nên được chính quyền địa phương vận động gia đình anh “hạ sơn” xuống vùng thấp ở.

Vác taluy dương sạt lở, đất sạt lấp xuống nhà dân. 

 Tuy nhiên, là xã vùng sâu, vùng xa chủ yếu là đồi núi nên quỹ đất ở thiếu, cùng với đó gia đình là hộ nghèo, không có khả năng chọn mua vị trí bằng phẳng để làm nhà. Với 50 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ, gia đình anh Dinh mua mảnh đất ven đường ĐT 185, tuy nhiên, đất ngắn không đủ chiều dài để làm nhà nên anh Dinh phải mua thêm hàng trăm khối đất về đổ lấn taluy âm phía sau để đủ chiều dài làm nhà. Ngôi nhà cấp 4 của anh được hoàn thành với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng, nhưng niềm vui về nhà mới của gia đình anh “chẳng tày gang”. Ngôi nhà mới ở được 7 tháng đã có hiện tượng sạt phần đất đắp phía taluy âm khiến nền nhà sụt lún, nứt vỡ và hở chân móng, nguy cơ sạt lở cao. Theo quan sát, vị trí nhà anh Dinh nằm sát taluy âm có độ sâu khoảng 20m, dưới chân taluy là một con suối nên không thể gia cố chống sạt lở.

 Nhà nứt có nguy cơ sạt xuống taluy âm.

Hình ảnh những ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm dưới vách đất cao từ 10 đến 20m sau khi núi, đồi bị xẻ. Mùa mưa lũ đang đến, nguy cơ hàng nghìn khối đất, đá từ trên đồi, núi có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Để hạn chế các sự việc đáng tiếc có thể xảy ra, các ngành chức năng, các địa phương cần quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hoạt động bạt đồi, núi làm nhà trái phép.