Giữa trăm nghề, chọn nghề thợ rèn

- Cuộc sống ngày càng hiện đại, nghề rèn truyền thống đang dần bị mai một theo năm tháng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người thợ rèn vì đam mê với nghề “cha truyền con nối”, đang cố gắng “giữ nghề” trước dòng chảy của thời gian.

Dọc tuyến đường Tuyên Quang – Hà Giang từ km21 đến km24 dễ dàng bắt gặp những biển hiệu nghề rèn truyền thống. Những cửa hàng này đều là con, cháu của ông Đinh Văn Thắng với thương hiệu rèn ông cụ Thắng km23.

Cửa hàng kinh doanh sản phảm rèn gia truyền ông cụ Thắng.

Sau khi ông cụ Thắng qua đời, con trai ông là Đinh Lệnh Đức từ bỏ những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ kế nghiệp xưởng rèn của cha. Cũng từ đó, âm thanh của sắt và lửa gắn bó với anh từ lúc nào không hay. Anh Đinh Lệnh Đức, chủ xưởng rèn Đức Thắng, xã Đức Ninh (Hàm Yên) chia sẻ, hiện tại anh vẫn theo nghề các cụ để lại và truyền lại cho con, cháu. Đã có 2 người cháu ra nghề mở xưởng riêng, các sản phẩm làm ra được bà con xa gần tín nhiệm.

Các sản phẩm được gắn mác sản phẩm OCOP được bày bán tại cửa hàng của anh Đức

Sản phẩm dao rèn Ông cụ Thắng đã được công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao và được cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận. Những người làm tại xưởng rèn của anh Đức hầu hết đều là con, cháu trong nhà. Họ mong mỏi được giữ lại nghề truyền thống của gia đình nên gắn bó từ khi còn rất trẻ.

Anh Nguyễn Trọng Quang, sinh năm 1983 nhưng đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề rèn. Làm việc tại xưởng rèn của anh Đức gần 20 năm, khi tay nghề đã vững, có chút vốn anh mới mở xưởng tại nhà với hy vọng nghề truyền thống của gia đình được trường tồn theo thời gian.

Anh Nguyễn Trọng Quang, chủ xưởng rèn Quang rèn, thôn Tân Lập, xã Đức Ninh tâm sự, anh đã mở được xưởng rèn của riêng mình với thương hiệu của ông cha để lại. Để các mặt hàng ngày càng phong phú, chất lượng và đáp ứng được nhu cầu thị trường, anh Quang đã đầu tư thêm máy móc hiện đại hơn để đưa vào sản xuất, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là kỹ thuật từ người xưa để lại.

Sản phẩm được khắc tên thương hiệu của anh Quang

 

Những năm 70, nhiều người con của làng rèn Phúc Sen, tỉnh Cao Bằng đã bén duyên và bắt đầu cuộc sống mới tại mảnh đất Phúc Ứng (Sơn Dương). Họ mang trong mình hoài bão, khát khao nghề rèn truyền thống sẽ giúp họ thoát nghèo.

Hơn 7h sáng, xưởng rèn của gia đình ông Lương Thế Nho, thôn Khuôn Ráng đã đỏ lửa. Tiếng quạt thổi lò lẫn với tiếng đập búa như những âm thanh không thể tách rời trong cuộc sống thường nhật của gia đình ông. Ông Lương Thế Nho, thôn Khuôn Ráng, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) cho biết, gia đình ông đã có 4 đời gắn bó với nghề rèn.

Các công đoạn làm nên một sản phẩm rèn hoàn chỉnh

Để có một con dao tốt, người thợ rèn phải chuẩn bị kỹ mọi công đoạn, từ việc chọn loại sắt, nổi lửa bếp lò, cho đến các khâu cắt sắt, nung, định hình sản phẩm, tôi, mài, tra cán, làm vỏ cho dao…

Hiện tại, xưởng nhà ông có 5 thợ làm với mức thu nhập từ 9-10 triệu đồng/tháng. Con trai của ông Nho mới hơn 20 tuổi cũng đã có 10 năm trong nghề làm rèn, đó là điều ông cảm thấy hạnh phúc nhất khi có người nối nghiệp.

Cửa hàng kinh doanh các sản phẩm rèn của ông Nho.

Nếu như trước đây, các sản phẩm được làm hoàn toàn bằng thủ công, mỗi ngày thợ lâu năm cũng chỉ làm được từ 2 - 3 sản phẩm, thì giờ đây mỗi ngày mỗi người có thể làm được 7 - 8 sản phẩm nhờ xưởng được đầu tư máy móc kỹ thuật hiện đại.

Xưởng rèn của ông Nho mỗi tháng xuất bán trên 1.200 sản phẩm, tổng thu nhập hàng năm của ông đạt trên 10 tỷ đồng, trừ chi phí ông thu lãi trên 500 triệu đồng. Hiện nay, ông Nho đẩy mạnh bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, ông có một đội ngũ cộng tác viên bán hàng gần 20 người. Sản phẩm của ông đã có mặt trên tất cả các tỉnh thành trong cả nước và một số nước lân cận.

Xã hội phát triển, nhiều máy móc, công cụ hỗ trợ lao động sản xuất tiên tiến xuất hiện nhiều hơn. Thế nhưng những người làm nghề rèn truyền thống chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ nghề đã được truyền lại từ nhiều thế hệ. Bởi nghề rèn đã cho họ có được của ăn của để, nuôi dạy con cái ăn học. Ngọn lửa nghề vẫn được lưu giữ với những đam mê, khát vọng cho tương lai.