Quyết liệt các giải pháp tăng giá trị sản xuất công nghiệp

- Sản xuất công nghiệp của tỉnh đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng công nghiệp 6 tháng tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sản xuất phục hồi không đều, nhiều sản phẩm công nghiệp đã giảm sâu khi thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu nên giá trị sản xuất công nghiệp đạt 47,7% kế hoạch năm. Phấn đấu đạt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 đạt 20.400 tỷ đồng, UBND tỉnh, ngành Công thương, các doanh nghiệp đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất để gia tăng giá trị.

Sản xuất phục hồi nhưng không đều

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 9.740 tỷ đồng, bằng 47,7% kế hoạch năm và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2022. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước như: điện thương phẩm tăng 1,57%, bột ba rít tăng 40,49%, bột Felspat nghiền tăng 16,95%, giấy đế xuất khẩu tăng 22,46%, giấy in viết, photo thành phẩm tăng 23,42%, giày da tăng 6,12%; gỗ tinh chế tăng 5,96%, thép cây, thép cuộn tăng 28,64%… Tuy nhiên, một số sản phẩm công nghiệp có chiều hướng giảm so với cùng kỳ như: điện sản xuất giảm 43,54%, đường kính giảm 18,35%, chè chế biến giảm 6,07%, xi măng giảm 13,44%, bột giấy giảm 10,87%, may mặc xuất khẩu giảm 20,17%...

Sản phẩm giấy in viết, photo thành phẩm của Công ty cổ phần Giấy An Hòa tăng 23,42%. 

Từ số liệu trên cho thấy, sản xuất công nghiệp tỉnh đang dần phục hồi hiệu quả, do tỉnh đã chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất và đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các dự án tại các khu, cụm công nghiệp để sớm hoàn thành đưa vào sản xuất như: Nhà máy gạch tuynel công nghệ cao, Nhà máy Sao Việt Wood và hoàn thành hồ sơ, thủ tục phê duyệt quy hoạch Khu công nghiệp Nhữ Khê - Đội Cấn... đã góp phần tăng khối lượng sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chính thức đi vào sản xuất tháng 7-2023, Nhà máy gỗ ván ép Sao Việt Wood tại Khu công nghiệp Long Bình An với diện tích trên 2 ha, quy mô 30.000 m3 sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Bà Cao Cẩm Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang cho biết, với mục tiêu mở rộng quy mô, lĩnh vực sản xuất và chế biến ra các sản phẩm lâm sản sâu hơn, hướng tới các sản phẩm nội thất cao cấp phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu đã đầu tư xây dựng nên công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất của nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của thế giới trong lĩnh vực sản xuất ván ép, tự động hoá cao, nhằm đảm bảo sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, được đánh giá là nhà máy hiện đại nhất miền Bắc trong lĩnh vực. 6 tháng cuối năm, đơn vị phấn đấu sản xuất khoảng 10.000 m3 ván ép.

Tuy nhiên, sản xuất phục hồi không đều, đối với các nhóm hàng may mặc xuất khẩu, gỗ, đường, bột giấy… do nhu cầu tiêu dùng giảm của các đối tác thương mại truyền thống lớn như: Trung Quốc, Mỹ, EU giảm dẫn đến đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm, phải cắt giảm bớt công nhân do thừa nguồn lao động.

Để phục hồi sản xuất, bắt buộc các doanh nghiệp phải chuyển hướng đa dạng sản phẩm và tìm kiếm thị trường mới. Đây là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang bất ổn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí Tuyên Quang Phạm Xuân Hưởng chia sẻ, nếu như trong năm 2022, sản phẩm ván gỗ lau dầu, ván sàn của công ty chỉ xuất sang Trung Quốc và Malaisia thì trong đầu năm nay, công ty đã nỗ lực tìm kiếm và mở rộng thị trường sang một số nước Châu Âu như Đức. Mở được cửa thị trường khó tính, vì công ty đã hoàn thành việc cấp chứng chỉ rừng đối với vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng đúng tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, do tình hình giảm tốc của kinh tế thế giới, các đơn hàng ít và chậm nên công ty chỉ đạt 60% sản lượng so với kế hoạch 6 tháng năm 2023.

Tập trung nhiều giải pháp

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 20.400 tỷ đồng trong năm 2023, UBND tỉnh, ngành Công Thương, các doanh nghiệp đang nỗ lực hết sức gỡ khó để phát triển sản xuất.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành tiếp tục “chung tay” tháo gỡ các mặt khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách của Chính phủ bao gồm cả thuế, phí như, chính sách bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí (như giảm thuế VAT cho hầu hết mặt hàng từ 10% xuống 8%; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước và gia hạn thời gian nộp các loại thuế) giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, tạo sự tăng trưởng đột phá sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…

 Sản phẩm gỗ của Công ty cổ phần Cơ khí Tuyên Quang ít đơn hàng xuất khẩu, chỉ đạt 60% kế hoạch 6 tháng năm 2023.

Đồng chí Hoàng Anh Cương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Công thương cho biết: ngành sẽ chủ động làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhất là những doanh nghiệp sản lượng đạt thấp, sản xuất chưa đảm bảo theo công suất thiết kế và những dự án mới hoàn thành đi vào sản xuất nhưng chưa có sản phẩm để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm trực tiếp tháo gỡ hoặc tham mưu với UBND tỉnh những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan liên quan đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất như sản phẩm chè, sản phẩm đường, sản phẩm gỗ tinh chế...; đảm bảo đủ nguồn điện đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ngành đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực ngành để sớm hoàn thành đi vào sản xuất trong năm 2023 như: Nhà máy sản xuất vải bạt tarpaulin, Nhà máy sản xuất gỗ huyện Yên Sơn, Nhà máy luyện kẽm Tuyên Quang, Nhà máy sản xuất bao bì xuất khẩu PPE, Công ty cổ phần May PPF SEWCRAFT... Các nhà máy đi vào hoạt động sẽ làm tăng thêm sản lượng điện thương phẩm và đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp trong năm 2023, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn như: công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường... nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm hoàn thành đầu tư đưa vào sản xuất.

Kỳ vọng với những giải pháp của tỉnh, của ngành Công thương và đặc biệt sự chủ động của các doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp sẽ lấy lại đà tăng trưởng, xuất khẩu, hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 20.400 tỷ đồng vào cuối năm 2023.      

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục