Nông nghiệp: Một năm thắng lợi

- Năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết nắng hạn kéo dài, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, song tỉnh đã có những chỉ đạo kịp thời, hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp ước năm 2023 đạt 10.801 tỷ đồng, tăng 4,65% so với năm 2022, thêm một mùa xuân thắng lợi.

Xác định sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, trụ đỡ của nền kinh tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung chỉ đạo điều hành hiệu quả ngay từ đầu năm, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể với kịch bản phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phối hợp kịp thời, hiệu quả với các địa phương chỉ đạo tổ chức sản xuất linh hoạt theo diễn biến thực tế nên các lĩnh vực sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng so với cùng kỳ.

Bà con nông dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) thu hoạch mùa vàng.

Trong trồng trọt đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống chất lượng vào sản xuất mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn VietGAP, nông nghiệp bền vững, hữu cơ. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có trên 3.800 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… Sản xuất lương thực ổn định trên 34 vạn tấn, lương thực bình quân đầu người đạt trên 420 kg/người/năm, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực. Ngành cũng đã triển khai thực hiện Dự án “Cấp và quản lý mã số vùng trồng các sản phẩm hàng hóa nông sản tỉnh Tuyên Quang bằng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025”. Chăn nuôi đã chuyển dịch dần sang hướng tập trung theo hướng gia trại, trang trại an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, theo lợi thế của từng vùng, địa phương. Toàn tỉnh hiện có 846 trang trại chăn nuôi nhỏ và vừa, 75 HTX có hoạt động chăn nuôi, 56 sản phẩm chăn nuôi, thủy sản được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; 4 nhãn hiệu tập thể được duy trì (trâu Chiêm Hóa, vịt Minh Hương, gà Tân Tạo, trâu Tuyên Quang)... Sản lượng thịt hơi tăng trên 6,3%/năm.

Nuôi trồng thủy sản phát triển cả về diện tích, sản lượng và giá trị, tổng số lồng nuôi cá 2.460 lồng (tăng 205 lồng so với năm 2022); trong đó, số lồng nuôi cá đặc sản và cá có giá trị kinh tế cao chiếm 51% tổng số lồng nuôi. Ước sản lượng năm 2023 đạt 11.875 tấn, tăng 9% so với năm 2022.

Diện tích rừng trồng năm 2023 đạt 11.648,97 ha, đạt 115,3% kế hoạch (trồng rừng tập trung 11.141,83 ha, trồng cây phân tán quy diện tích 507,14 ha); khai thác rừng trồng được 10.000 ha, khối lượng gỗ 1.120.000 m3, năng suất rừng trồng đạt 17,8 m3/22 m3, đạt 80,9% kế hoạch giai đoạn. Sản lượng khai thác gỗ ước đạt 1,120 triệu m3. Diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 48.786,37 ha.

Năm 2023, tốc độ GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá so sánh) tăng 4,77%. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 25,5% cơ cấu GRDP của tỉnh. GRDP khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ 5 khu vực trung du và miền núi phía Bắc (sau các tỉnh Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái).

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Năm 2024, bám sát chỉ đạo của tỉnh, ngành tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; triển khai xây dựng “Đề án xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ”; thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”... Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi; hỗ trợ người sản xuất, chế biến áp dụng các quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm VietGAP, hữu cơ… đưa nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.

Minh Thư

Tin cùng chuyên mục