Như cây rừng vươn cao

- Theo thường lệ, buổi tối, cơm nước xong xuôi là lúc ông Dau bận rộn việc sổ sách. Ông là người có thói quen ghi chép tỉ mỉ từng việc, những mong muốn, những kế hoạch việc làng, việc bản. Làm cán bộ thôn từ thời trai trẻ, qua gần 40 năm, Bí thư­ chi bộ, trưởng thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) Lý Văn Dau vẫn luôn miệt mài, say mê như thế!

Xóa “khoảng tối” hủ tục

Cách trung tâm xã 6 km, thôn Nghẹt nằm trọn giữa những dãy núi lô nhô. Bao đời nay, bà con nơi đây sống quần cư bên nhau với những “nếp ăn, nếp ở” riêng biệt. Trước đây, bên cạnh những phong tục đẹp mang đậm bản sắc thì vẫn tồn tại những phong tục tập quán lạc hậu khiến ông Lý Văn Dau chưa bao giờ thôi đau đáu!

Chuyện ma chay kéo dài 2 ngày, 2 đêm. Mộ người chết thường được đặt ở các bìa rừng, dưới thung lũng hoặc chôn ngay tại vườn nhà. Còn lễ cưới của người Dao mang đậm những hủ tục với tục thách cưới, với lễ vật như: vàng, bạc, lợn, gà, rượu… quy ra hàng chục triệu đồng.

Rồi cả chuyện tảo hôn, bọn trẻ chưa đến tuổi kết hôn nhưng vẫn làm đám cưới và không làm giấy đăng ký kết hôn, đợi đủ tuổi mới đăng ký. Chưa kể đến việc có nhà tổ chức đám cưới kéo dài hàng tuần, ăn uống rượu chè ngày này qua ngày khác, vừa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, lại vô cùng tốn kém. “Khoảng tối” hủ tục đó tồn tại như kéo lùi cuộc sống bao gia đình. 

Thế nhưng để thay đổi nhận thức đã khó, thay đổi cả một tập tục lâu đời càng khó hơn rất nhiều. Đó là cả một hành trình mà Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lý Văn Dau cùng các cán bộ thôn, xã đã phải dành biết bao tâm huyết để thay đổi bản làng.

Ông Lý Văn Dau.

Thay đổi người khác thì trước hết thay đổi chính mình, ông bắt đầu từ việc vận động gia đình, họ tộc mình làm gương trước cho bà con. Ông linh hoạt trong cách tuyên truyền. Không chỉ tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, ông thường xuyên chuyện trò những lúc nghỉ ngơi trên đồi nương, lúc đến nhà bà con chơi, bên chén nước bao câu chuyện rôm rả, vui tươi, mọi người dần đón nhận điều ông chia sẻ.

Ông khéo léo đưa ra dẫn chứng như hệ lụy tảo hôn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, con cháu sinh ra ốm yếu còi cọc, chưa kể việc làm này còn vi phạm pháp luật nữa... Rồi chuyện tốn kém, mất an ninh trật tự khi tổ chức đám cưới, đám ma rình rang nhiều ngày; cảnh nợ nần túng quẫn của nhiều cặp vợ chồng vì tục thách cưới; ô nhiễm môi trường khi chôn cất người chết gần nhà… Ông tranh thủ sự thân tình giải thích cho trưởng họ, người uy tín trong thôn hiểu.

“Mưa dầm thấm lâu” như sự bền bỉ của những người cán bộ, trong đó có Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lý Văn Dau đã từng bước thay đổi nhận thức bà con. 

Ông Lý Văn Minh, một hộ dân trong thôn chia sẻ: “bà con trong bản tin rằng, tổ tiên bây giờ cũng không thích cúng nhiều, nói lâu nữa. Con cháu chỉ cần thành tâm là được. Ví như trước đây, đám cưới mất tới 3 ngày, 3 đêm, thì giờ chỉ còn 2 ngày 1 đêm; lễ cấp sắc trước phải mất tới 3 ngày, 2 đêm, giờ chỉ còn 1 ngày 1 đêm; chuyện thách cưới cũng chỉ còn là tượng trưng. Đặc biệt việc kết hôn thì phải tuân theo Luật Hôn nhân và Gia đình, đó là đúng độ tuổi, phải có đăng ký kết hôn ở UBND xã hẳn hoi”.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lý Văn Dau thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) luôn gần gũi, khéo léo vận động người dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

“Thắp lửa” tình yêu bản làng

Hơn 20 tuổi ông Lý Văn Dau là Đội trưởng Đội sản xuất nông nghiệp của thôn; 35 tuổi ông làm Trưởng thôn rồi Bí thư chi bộ. Năm nay ông Dau đã 62 tuổi, bà con vẫn luôn tín nhiệm bầu ông là Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Nghẹt. Với ông đó là niềm vui và trách nhiệm để trọn lòng gắn bó, cống hiến với bản làng.

Thôn Nghẹt có 115 hộ dân, 100% là bà con người Dao Quần trắng. Nhiều năm qua thôn Nghẹt đã có những bước chuyển mình. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì đó là sự nỗ lực của chính bà con nơi đây. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lý Văn Dau chia sẻ rằng: “Mỗi người đều có một nhiệt huyết cống hiến, tình yêu bản làng, quan trọng mình biết khơi gợi để mọi người thể hiện ra thôi”.

Bà Bàn Thị Pén chia sẻ: “Trong mỗi cuộc họp thôn, trưởng thôn luôn khéo léo chia sẻ về cái lợi khi làm đường bê tông, làm nhà văn hóa. Từng câu, từng chữ đều mộc mạc, chân thành, tôi thấy ưng cái bụng lắm. Tôi hiểu ra rằng khi bản làng mình sạch đẹp khang trang thì cuộc sống mới đổi thay, phát triển được, ai cũng cần có trách nhiệm. Chính vì thế năm 2021, tôi đã hiến hơn 100 m2 để làm nhà văn hóa. Gia đình tôi ai nấy vui vẻ khi đã góp phần nhỏ cho bản làng mình”.

Hiện nay thôn có hơn 4 km đường bê tông nông thôn, nhà văn hóa khang trang với 120 chỗ ngồi, có sân chơi thể thao rộng rãi. Hiện thôn Nghẹt là thôn đang có tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch cao nhất xã với trên 95%. 

Gia đình anh Đặng Văn Nhàn là hộ tiên phong hiến 300 m2 đất để lắp các đường ống dẫn nước sạch. Anh chia sẻ, công việc bảo vệ đường ống dẫn từ bể chứa ra các gia đình được anh luôn có ý thức thực hiện. Anh thường xuyên cùng mọi người đi lấp các đường ống bị hở do xói mòn, đảm bảo đường ống luôn được bảo vệ tốt nhất.

Người dân thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) sử dụng nước sạch.

Ngoài dùng nước sạch, thôn Nghẹt cũng đi đầu trong việc sử dụng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Toàn thôn có trên 95% số gia đình có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Năm 2016, chương trình làm nhà vệ sinh đạt chuẩn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được triển khai. Đây đã trở thành một đòn bẩy quan trọng trong thực hiện dự án. Ngày đó, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lý Văn Dau đã đi đầu, hỗ trợ 5 triệu đồng cho 10 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong thôn làm nhà tiêu.

Nhiều năm trở về trước, thôn Nghẹt được coi là “thủ phủ” của nông sản ngô, sắn... Đất bạc màu, ngô mất giá, những khoảnh đồi bắt đầu bị bỏ hoang. Nhờ sự vận động nhiệt tình của cán bộ xã mà bà con dần thay đổi. Ông Dau tiên phong trồng 6 ha đồi keo, mỡ. Nhiều hộ dân khác đã tin tưởng đồng hành cùng, xây dựng mô hình kinh tế vườn rừng hiệu quả, như ông Lý Văn Lập có 15 ha, Lý Văn Thông có 8 ha, Bàn Văn Tự có 10 ha… thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Ông Lý Văn Thông, một người dân cho biết sau khi được ông Dau phổ biến về dự án nước sạch sẽ đi qua nhà mình, ông đã tình nguyện hiến hơn 30 m2 đất vườn thổ cư cho dự án. Cũng nhờ sự vận động, tuyên truyền của ông Dau, ông Thông đã tham gia nhận giao rừng với hơn 8 ha (3 ha rừng sản xuất, 5 ha rừng phòng hộ). Hiện nay, gia đình ông Thông không chỉ thoát nghèo mà còn đầu tư chuồng trại để nuôi lợn. Ngoài tiền thu hoạch rừng, đàn lợn gần 10 con của gia đình ông cũng bắt đầu có lãi.

“Nói được làm được”, giờ đây Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lý Văn Dau luôn được bà con ví như cây cột vững chãi, ai cần cũng có thể dựa vào được. Với những thành tích của mình, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lý Văn Dau được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì “Đã có thành tích xuất sắc trong Phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2022”; Ban Dân vận Tỉnh ủy tặng Giấy khen “Đã có thành tích trong thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2016 - 2021”…

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục