Nghề làm men ở Thượng Nông

- Người Tày ở xã Thượng Nông (Na Hang) vẫn giữ gìn và bảo tồn nguyên vẹn bí quyết làm men lá nấu rượu truyền thống từ xa xưa. Men lá được làm từ hơn 20 loại lá cây rừng và các cây dược liệu quý hiếm. Nghề làm men lá đã tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

 

Ngô được ủ qua men lá trước khi cho vào chum chuẩn bị chưng cất.

Chủ tịch UBND xã Thượng Nông Hoàng Văn Cướng kể, chẳng biết tự bao giờ, khi nói đến Na Hang, ai ai cũng đều nhớ về rượu ngô men lá. Để cất được một mẻ rượu ngô thơm lừng, êm say là cả một quá trình công phu chứa đựng bao nỗi vất vả, nhọc nhằn của những người phụ nữ vùng cao và men lá là thứ gia vị không thể thiếu. Tuy nhiên sản phẩm men lá của địa phương hiện vẫn còn rất đơn sơ, chưa có bao bì để định vị giá trị sản phẩm du thị trường tiêu thụ khá rộng lớn cả trong và ngoài tỉnh.

Đang lúi húi hướng dẫn người dân cách bảo quản những quả men, anh Hoàng Văn Núi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thượng Nông hồ hởi nói, sản phẩm men lá Thượng Nông mới đạt yêu cầu khởi nghiệp, nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Anh Núi bảo, công thức men lá quê hương chủ yếu đang nằm trong kiến thức ghi nhớ của những người già, nếu được đầu tư sẽ có những lớp học truyền dạy, từ đó mới có cơ sở để duy trì và phát triển thương hiệu men lá nơi đây.

Cầm quả men trông tưởng chừng đơn giản nhưng là sự hòa quyện của hơn 20 loại lá rừng, như lá giềng, lá ớt, sả, lá mít, cán cuông, nhá héo, vát vẹo, trầu, rau răm, nhân trần… Anh Núi bảo, đặc điểm chung của các loại lá là đều có mùi thơm và tính nóng, các loại lá làm men đều là các vị thuốc chữa bệnh hoặc bổ dưỡng, cường tráng gân cốt, rất tốt cho sức khỏe con người. Có cây dùng lá, có cây dùng rễ, vỏ, có loại dùng cả cây và lá.

Quả men lá Thượng Nông được hoàn thiện từ hơn 20 loại lá, vỏ cây rừng.

Đến nay, toàn xã Thượng Nông chỉ còn 18 gia đình duy trì nghề làm men lá truyền thống, tập trung chủ yếu ở thôn Đống Đa. Đây thực sự là con số quá nhỏ với thương hiệu men lá nức tiếng nơi đây. Là “lão làng” làm men lá, bà Hoàng Thị Thổ, thôn Đống Đa năm nay đã ngoài 60 tuổi kể, từ khi còn là đứa trẻ 7, 8 tuổi bà đã được theo mẹ, theo bà lên rừng lấy lá, mỗi công đi lấy kéo dài từ 2, 3 ngày.

Để làm một mẻ men lá đạt tiêu chuẩn thì không phải ai cũng có thể làm được. Sau khi lấy về, các loại nguyên liệu được rửa sạch, ráo nước để thái lát rồi nghiền mang đi ngâm nước lọc lấy tinh chất dược liệu, trộn đều với bột gạo. Men nắm xong để trên ổ rơm, bên trên phủ một chiếc chăn mỏng. Đợi khi nào bao quanh quả men một lớp bông trăng trắng, thơm thơm là đủ độ sau đó sẽ được phơi hong trên bếp lửa hoặc phơi nắng để khô.

Nghề làm men lá truyền thống này được cho là khá vất vả bởi vì nguyên vật liệu không dễ tìm, làm nghề này đòi hỏi ở người làm sự tỷ mỷ mới ra được sản phẩm ngon, chất lượng. Tuy vất vả nhưng thu nhập ổn định, với giá bán 60.000 đ/kg, mỗi tháng nếu làm đều người dân cũng thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng.

Tìm đến nhà chị Hoàng Thị Dâm, người có sản lượng men tiêu thụ nhiều nhất thôn Đống Đa, chị Dâm chia sẻ, sau khi có nguyên liệu men lá, những hạt ngô được tuyển chọn bung trong nồi quân dụng cả nửa ngày trời cho chín kỹ, để ra nong cho nguội và rải men đảm bảo có màu sắc trắng phủ đều hạt ngô. Ngô được ủ vào chum khoảng 20 ngày là có thể đem đi chưng cất rượu, rượu ngô men lá Thượng Nông có mùi cay nồng, nhưng đậm đà khó tả.

Sản phẩm men lá Thượng Nông vừa đạt yêu cầu khởi nghiệp trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Hiện sản phẩm men lá Thượng Nông không chỉ được người dân ở trong và ngoài huyện ưa chuộng mà còn được người dân ở các tỉnh khác như: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn… đến tìm mua. Trung bình mỗi tháng, tranh thủ lúc nông nhàn, các hộ làm men có thể làm được 3 hoặc 4 mẻ, mỗi mẻ cho ra từ 1.000 - 1.500 quả men thành phẩm sẽ có thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Ngày nay, dù đã có nhiều loại đồ uống khác nhau, song nhắc đến rượu ngô men lá vẫn có sức hấp dẫn cánh mày râu. Anh Hoàng Văn Cướng nhấn mạnh, chính quyền xã coi việc làm men lá không chỉ gìn giữ những giá trị truyền thống mà còn góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đầu năm nay, sản phẩm rượu ngô men lá Na Hang đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, đây thực sự là cơ hội cho sản phẩm men lá Thượng Nông. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục khuyến khích và động viên bà con mở rộng, phát triển hơn nữa nghề làm men lá và tiến tới lựa chọn sản phẩm men lá làm sản phẩm OCOP, sớm xây dựng bao bì, mở ra cơ hội để sản phẩm vươn xa.

Lê Duy

Tin cùng chuyên mục