Chuyện bảo tàng

- Đằng sau những hiện vật trưng bày ở Bảo tàng tỉnh là những vất vả, chuyện nghề, chuyện đời của những người lặng lẽ nơi "hậu trường". Đó là những người làm nhiệm vụ bảo quản hiện vật. 

Công việc thầm lặng

Vừa cặm cụi làm sạch chiếc bình cổ, chị Ma Thị Nhung, Trưởng phòng Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, Bảo tàng tỉnh chia sẻ, phòng chị có 5 thành viên, người kỳ cựu nhất gắn bó gần 30 năm, người ít cũng gần 10 năm trong nghề. Công việc âm thầm, lặng lẽ nhưng ai cũng rất vui vì mỗi lần chạm vào các hiện vật, các chị lại càng hiểu thêm những giá trị của lịch sử, văn hóa quê hương. Các hiện vật được nhập về kho từ nhiều nguồn như: sưu tầm, hiến tặng, khai quật, khảo cổ... Mỗi hiện vật đều mang một câu chuyện và gắn với một sự kiện, giai đoạn lịch sử. Dựa trên chất liệu các loại hiện vật, tài liệu, chị cùng cán bộ của phòng phân thành các nhóm và sắp xếp các hiện vật khoa học.

Mỗi hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh được cán bộ tại đây thường xuyên lau chùi, sắp xếp khoa học.

Với cán bộ bảo quản, dù hiện vật được công nhận hay chưa thì đều được "chăm sóc" như nhau. Công tác bảo quản hiện vật luôn được mọi người chăm chút, tỉ mẩn lau chùi, sắp đặt từng ngày theo những nguyên tắc chung về điều kiện bảo quản. Chẳng hạn, với các hiện vật bằng vải, giấy, nhiệt độ chuẩn để bảo quản từ 18 - 22 độ C; các hiện vật bằng gỗ, kim loại phải lưu giữ, bảo quản theo nhiệt độ từ 22 - 24 độ C, độ ẩm không quá 55%. Đối với hiện vật là tiền cổ, vũ khí thô sơ, súng thần công... có chất liệu kim loại phải duy trì nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng để chống ô xy hóa ăn mòn kim loại. Những hiện vật có chất liệu xương, sừng như các công cụ lao động sản xuất, xương, răng động vật, ngoài việc vệ sinh sạch sẽ thì phải bảo quản bằng phương pháp trị liệu đặc biệt dưới sự hướng dẫn từ các chuyên gia...

27 năm trong nghề, cũng là người có thâm niên làm ở kho hiện vật lâu nhất, chị Nguyễn Thị Thu Hiền bảo rằng, công việc của chị là làm phiếu, kiểm kê và bảo quản hiện vật. Hàng ngày chị mở cửa thông gió, hút bụi trong các kho, lau chùi, làm sạch hiện vật. Công việc mới nghe thì chỉ có vậy, nhưng với  30.915 hiện vật các loại hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh thì quả không hề đơn giản. Hơn nữa, không phải hiện vật nào sau khi được tìm thấy đều đưa vào kho bảo quản ngay. Với những hiện vật bằng đồ đồng cổ hay những đồ sắt thời kỳ phong kiến khai quật được, cán bộ bảo quản phải dùng các biện pháp cơ học làm sạch đất bẩn bám, sau đó dùng các chất hóa học chuyên dụng để tẩy gỉ sắt, xử lý vết ôxy hóa trên hiện vật hay gia cố cấu trúc hiện vật. Không chỉ lau chùi, bảo quản hiện vật, những người giữ kho còn phải liên tục tìm kiếm, cập nhật thông tin về hiện vật để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ hiện vật. Bởi nếu không có những tài liệu ấy thì hiện vật sẽ không có giá trị.

Cán bộ phòng Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, Bảo tàng tỉnh khai quật khảo cổ tại xã Thượng Ấm (Sơn Dương).

Nghề của đam mê

Để mục sở thị công việc không kém phần vất vả này, tôi được chị Ma Thi Nhung dẫn xuống trực tiếp kho cơ sở lưu giữ các hiện vật bằng kim loại. Tại đây, rất nhiều hiện vật gốc về những trận chiến được cất giữ. Các hiện vật được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng trên từng giá, kệ theo từng loại khác nhau. Chị Nhung chia sẻ, làm nghề bảo quản hiện vật phải thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại, bụi, hóa chất bảo quản khiến bệnh viêm xoang của chị thường xuyên tái đi tái lại. Thế nhưng mỗi lần nhìn những hiện vật do chính tay mình sưu tầm, bảo quản, giữ gìn chị thấy hạnh phúc vô cùng.

Cán bộ phòng Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, Bảo tàng tỉnh khai quật khảo cổ tại xã Thượng Ấm (Sơn Dương).

Khi được hỏi vì sao lại chọn nghề này, những cán bộ làm việc tại phòng Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, Bảo tàng tỉnh đều trả lời vì họ đam mê. Quả đúng như vậy, có chứng kiến công việc hàng ngày của họ mới hiểu nếu không có đam mê thì chắc sẽ không theo nghề này được. Suốt ngày chỉ quanh quẩn với những hiện vật vô tri vô giác, công việc của ai người ấy làm, kho của ai người ấy giữ. Thế nhưng, họ vẫn lặng lẽ, cần mẫn hoàn thành trách nhiệm của mình.

Chị Trịnh Minh Xuân, trưởng kho hiện vật nói, trước đây thiết bị của ngành còn thiếu, mọi thứ đều phải làm bằng tay. Giờ phòng bảo quản có máy thông gió, máy hút bụi, điều hòa, tủ chống ẩm... giúp công việc các chị đỡ vất vả hơn. Thực tế có ít người muốn chọn nghề này vì vừa độc hại, lại buồn tẻ. Công việc tuy không nặng nhọc nhưng đòi hỏi phải chính xác, tỉ mỉ, cần mẫn. Có lẽ vì vậy mà công việc này phù hợp với nữ giới hơn. Nhiều khi chị còn theo các đoàn sưu tầm khảo cổ đi khai quật khắp nơi, có chuyến đi xa nhà nửa tháng trời nhưng mỗi lần phát hiện được thêm hiện vật cổ ai nấy đều cảm thấy hạnh phúc.

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, bảo quản 30.915 tài liệu, tư liệu, hiện vật, trong đó có 9.155 tài liệu, 21.760 hiện vật. Trên 80% tài liệu, hiện vật được kiểm kê khoa học. Với lòng yêu nghề, các thế hệ cán bộ bảo tàng đã không quản ngại khó khăn tới từng địa bàn tìm hiểu, sưu tầm, lưu giữ các hiện vật với mong muốn đem đến người xem bức tranh hoàn chỉnh nhất về lịch sử dân tộc qua các thời kỳ. Và họ cũng chính là những thuyết minh viên, có thể say sưa kể miễn phí cả ngày cho mọi người về các hiện vật mà không biết chán.

Phóng sự: Thúy Nga

Tin cùng chuyên mục