Xuân mới thôn Mường

- Những ngôi nhà xây khang trang bao quanh những cây cầu, con đường bê tông uốn lượn qua những sườn đồi, tạo ra diện mạo nông thôn mới ở thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên). Người Tày, người Dao ở đây năng động phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ngày một sung túc. Thôn Mường đang vươn mình mạnh mẽ.

Những người năng động

Thôn Mường có 158 hộ, trong đó 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Thôn được sáp nhập bởi hai thôn Nà Có và thôn Mường theo Nghị quyết 02-NQ/HĐND, ngày 19-3-2019 của HĐND tỉnh. Sau 4 năm sáp nhập, thôn đã có những bước phát triển mới. Ông Ma Ninh Quyết, Bí thư Chi bộ thôn Mường chia sẻ: Mường từng là "thủ phủ” cam sành của xã Phù Lưu với diện tích cao điểm lên tới trên 3.800 ha. Nhiều gia đình thành triệu phú từ cam.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm cây cam sành sâu bệnh, chết dần cộng với giá bấp bênh, diện tích cam sành đã giảm mạnh. Người dân đã trồng thay thế cam V2, cam Cao Thành và chuyển hướng đầu tư sang trồng cây chanh tứ thì. Xuân này, người dân Mường vui hơn khi chanh được mùa, được giá.

Chị Nguyễn Thị Huệ từng là tỷ phú cam ở thôn Mường. Cây cam đã gắn bó với gia đình chị hơn 10 năm nay và cũng là cây trồng chủ lực giúp gia đình chị vươn lên làm giàu. Có thời điểm, đồi cam 1.700 gốc cho doanh thu 1,6 tỷ đồng, trừ chi phí bỏ ra được 700 - 800 triệu đồng/năm.

Ngôi nhà của gia đình ông Trần Minh Khai, thôn Mường đang hoàn thiện từ tiền bán cam, chanh.

Nhờ trồng cam, gia đình có của ăn, của để, xây nhà, mua ô tô và dư tiền để cho các con ăn học. Đến năm 2021, cây cam chết, gia đình chuyển sang trồng chanh tứ thì. Thu nhập từ cây chanh chưa nhiều nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống. Chị Huệ bảo, phải chủ động chuyển đổi cây trồng, tìm cây thích ứng để phát triển kinh tế. Cây này không được thì phải xoay cây khác. Hiện gia đình có 7 sào chanh và 2 ha cam V2.

"Cánh đồng chanh" là câu cửa miệng mà người dân ở Phù Lưu giới thiệu về thôn Mường. Ở Mường khe suối, bờ nương hay ruộng cạn đều được trồng chanh tứ thì. Ông Hoàng Văn Biệt, một người dân trong thôn cho biết, chanh năm nay được giá, khoảng 25 nghìn/kg. Gia đình có 5 sào cũng thu được khoảng 150 triệu đồng. Đây là nguồn thu chủ lực đối với gia đình.

Thổ nhưỡng phù hợp cộng với dễ trồng, chăm sóc, cây chanh tứ thì đang là cây trồng chủ lực ở thôn Mường với diện tích gần 100 ha. "Năm 2023, chanh được giá, tính nhanh 1 ha chanh 3 năm tuổi trở lên cho thu hoạch phải đạt khoảng 300 triệu đồng. 100 ha ít nhất cũng phải gần 20 tỷ đồng". Bí thư Chi bộ Ma Ninh Quyết cho biết.

Chuyện về quê "khởi nghiệp" sau khi học Đại học Công nghiệp Hà Nội của anh Nguyễn Quốc Doanh, sinh năm 1994 làm nhiều người thán phục. Dám nghĩ, dám làm, mô hình trồng và chế biến mít sấy của anh Doanh đang tạo ra hướng phát triển mới ở thôn Mường. Anh Doanh cho biết, hiện anh có 1.000 gốc mít tứ quý giống Thái Lan, cho quả quanh năm, múi to, ngọt. Ngay từ khi bắt đầu, anh đã xác định trồng mít gắn với chế biến sản phẩm mang nhãn hiệu thôn Mường.

Vì thế năm 2019, anh thành lập Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Minh Phát, đầu tư nhà xưởng, hệ thống máy móc sấy hoa quả. Hiện, Hợp tác xã có sản phẩm mít sấy và hoa quả sấy tổng hợp. Năm 2023, anh đạt thu hoạch 40 tấn mít quả và 5 tấn mít sấy. Doanh thu đạt 250 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 170 triệu đồng.

Đời sống mới

Từ UBND xã Phù Lưu dẫn vào thôn Mường gần 5 km được bê tông phẳng lỳ. Bí thư Chi bộ Ma Ninh Quyết cho biết, các tuyến đường trong thôn đều đã bê tông khép kín. Năm 2022, thôn được xây dựng cây cầu trên đường giao thông nên đi lại, giao thương hàng hóa rất thuận. Hết năm 2023, thôn còn 14 hộ nghèo đa chiều, không  còn nhà  dột nát. Số hộ có cuộc sống khá giàu chiếm trên 60%. Không chỉ người dân "bản địa" ở Mường có cuộc sống tốt hơn mà các hộ dân về tái định cư cũng đã có cuộc sống khấm khá hơn sau 20 năm về an cư.

Ông Hoàng Văn Biệt chia sẻ: Ngày mới về đất Mường cuộc sống còn khó khăn nhưng từ sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của người dân, đến nay, cuộc sống của đồng bào tái định cư đã đủ đầy hơn. Ngay từ đường làng, ngõ xóm cũng làm bê tông hóa giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, trẻ em có điều kiện được học tập tốt hơn. Các hộ dân trong thôn luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây đắp cuộc sống no ấm…

Ông Hoàng Văn Biệt (người đội mũ) hộ tái định cư ở thôn Mường phát triển cây chanh tứ thì.

Thôn Mường có 37 hộ tái định cư chủ yếu là người dân tộc Tày. Sau gần 20 năm gắn bó với đất Mường, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ cây cam, cây chanh, nghề kinh doanh dịch vụ. Tiêu biểu là hộ anh Tày Văn Tương, Nông Văn Vó, Triệu Văn Đại, Nguyễn Văn Tưởng, Nông Văn Thăng, Tày Văn Hải... 

Vội vã đóng từng thùng chanh chuẩn bị cho thương lái đến thu mua, anh Nông Văn Thăng bảo, về đất Mường, anh học được cách trồng cam, trồng chanh nên kinh tế đã khá hơn rất nhiều. Lúc đầu chưa có vốn, anh vay Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện mua 2 ha đất đồi trồng cam, nuôi thêm trâu, bò, lợn, gà để nhanh quay vòng vốn.

Mỗi năm, anh lại mua thêm đất để mở rộng vườn cam và trồng thêm cây chanh tứ thì. Sau nhiều năm tích tụ đất sản xuất, đến nay, anh có 10 ha đất đồi trồng cam, gần 1 ha chanh tứ thì, 2 con trâu, 3 con bò. Mỗi năm, anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng từ bán cam, chanh, nuôi trâu, bò.   

Theo đồng chí Ma Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu, nhờ các chính sách tái định cư phù hợp, với quan điểm phải tạo điều kiện tốt nhất để người dân an cư, lạc nghiệp tại nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, đã tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, sớm ổn định cuộc sống.

Nhờ cách làm hiệu quả, người dân tái định cư thôn Mường rất tin tưởng vào các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều hộ phát triển kinh tế trở thành hộ khá, giàu tiêu biểu của xã. Trong nhiều năm qua, thôn Mường là điểm sáng trong phát triển kinh tế, vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Rời đất Mường vào lúc "khói lam chiều" nhưng từng dòng người vẫn đang hối hả chở cam, chở chanh như vẽ lên bức tranh xóm núi trù phú, phát triển… 

Nguyễn Tâm

Tin cùng chuyên mục