Khuổi Ma bừng sáng

- Khác với khung cảnh trước đây, khi mặt trời buông xuống thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) chìm trong bóng đêm mịt mù, nay từ trong nhà ra ngõ đều bừng sáng ánh điện.

Cô và trò điểm trường Mầm non thôn Khuổi Ma được học tập trong phòng học đầy đủ thiết bị dạy và học.   

32 năm gắn với từ "Không"

Nằm cách trung tâm xã Hùng Lợi khoảng 10 km đường đèo dốc, thôn Khuổi Ma nằm giữa lưng chừng đồi núi. Nơi đây có 67 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống rải rác ở các sườn đồi. Do nằm ở vị trí xa xôi, đường giao thông đi lại khó khăn, hơn 32 năm nguồn điện lưới quốc gia không đến được với người Mông nơi này.

Trong ngôi nhà gỗ, nhấp ngụm nước chè nóng, ông Ngô Văn Thanh năm nay gần 70 tuổi kể: Năm 1990, đồng bào dân tộc Mông di cư từ tỉnh Cao Bằng về thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi sinh sống. Không có điện nên bà con gặp muôn vàn vất vả, khó khăn, cả đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần. Hầu như ở đây cái gì cũng gắn với từ "không": Không điện sáng, không đài, không tivi, không điện thoại thông tin liên lạc… nhà nào cũng dùng đèn dầu thắp sáng. Cả thôn lúc nào cũng im lìm, lặng lẽ...

Tháng 1-2023, sau thời gian dài mong mỏi, niềm vui của 67 hộ với 387 nhân khẩu của thôn Khuổi Ma như vỡ òa, bởi ước mong có điện nay đã trở thành hiện thực khi dự án cấp điện lưới cho 3 thôn Khuổi Ma, Bum Kẹn, Tấu Lìn, xã Hùng Lợi với tổng vốn đầu tư trên 27,5 tỷ đồng. Nhà hiến đất đồi, nhà hiến đất vườn, ruộng, nhanh chóng giải phóng mặt bằng để công trình được thi công. Sau gần 6 tháng thi công, công trình được bàn giao và đưa vào sử dụng.

Trạm biến áp thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi (Yên Sơn).

"Nhìn ánh đèn sáng trưng tỏa ra xua tan bóng tối, tôi không nghĩ cuộc đời mình có thể được chứng kiến cảnh bật công tắc điện, cả ngôi nhà sáng bừng, được xem tivi, nghe loa đài hát mỗi ngày. Thật khó diễn tả niềm hạnh phúc của những người dân nơi đây. Từ khi có điện, cả thôn như sôi động hẳn lên" - ông Thanh hồ hởi nói.

Anh Vương Văn Páo, một người dân trong thôn chia sẻ, không có điện, các con phải học bài dưới ánh sáng leo lét của đèn dầu, thương lắm. Ánh đèn phập phù nên các con học chữ được chữ mất. Cũng vì không có điện, việc tiếp cận các thông tin, kiến thức khó khăn. Điện về, nhà nhà như sáng bừng, tối đến cả nhà lại quây quần bên mâm cơm xem chương trình truyền hình bằng tiếng dân tộc mình, con trẻ được học bài dưới ánh điện sáng. Anh dự định sẽ mua thêm máy tính, điện thoại thông minh để kịp thời cập nhật kiến thức nhiều thông tin, kiến thức sản xuất tiến bộ, các mô hình tốt, cách làm hay để phát triển kinh tế gia đình.

Còn gia đình bà Lý Thị Mỵ đã đăng ký sử dụng điện 3 pha ngay khi có điện để làm dịch vụ xay xát. Bà Mỵ nhoẻn miệng cười bảo, có điện rồi, bà chỉ cần dập cầu dao, máy chạy khỏe, trơn tru phục vụ gia đình và bà con trong thôn.

Cán bộ thôn Khuổi Ma tuyên truyền chính sách cho đồng bào tại thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi (Yên Sơn).

Điểm trường Mầm non Khuổi Ma có 4 cô giáo và 43 trẻ. Cơ sở vật chất đã được đầu tư khang trang, phòng học xây dựng kiên cố, được trang bị đầy đủ quạt và hệ thống bóng điện nhưng cô và trò ở đây mãi chưa có cơ hội sử dụng vì chưa có điện. Cô giáo Dương Thị Sính cho biết, từ khi thôn có điện, các cô không phải dùng đèn dầu để soạn bài mà còn có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Các con có quạt mát trong những ngày hè oi ả, lớp học có thêm hệ thống màn hình tivi để nâng cao chất lượng dạy và học cho các con.

"Đồng bào Mông nơi đây rất vui mừng và biết ơn Đảng, Nhà nước, ngành Điện và các cấp chính quyền đã quan tâm, hỗ trợ cho thôn có điện. Điện là ánh sáng, là sức sống, là động lực để bà con vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống". - Trưởng thôn Khuổi Ma Sầm Văn Páo tin tưởng như thế.

Tương lai tươi sáng

Chỉ tay về phía cánh rừng xanh ngát, Trưởng thôn Sầm Văn Páo bảo, Khuổi Ma là một trong những thôn trồng rừng nhiều nhất ở Hùng Lợi. Bao quanh thôn là màu xanh của rừng. Nhưng trước đây, người dân chỉ nghĩ trồng rừng là để giữ đất, giữ nước. Do ít được tiếp cận thông tin, người dân chỉ biết trồng lúa nương, lúa 1 vụ, trồng ngô, sắn để có cái lương thực; gỗ rừng trồng cũng khó bán vì giao thông đi lại khó khăn.

Đầu năm 2023, không chỉ có niềm vui có điện mà công trình cầu bắc qua suối dẫn vào thôn Khuổi Ma được xây mới. Giao thông thuận lợi hơn, lúc này người dân mới thấy giá trị thực sự của trồng rừng. Ở Khuổi Ma nhà nào cũng có rừng, nhà ít cũng 4 - 5 ha rừng, nhà nhiều lên đến hơn 20 ha như hộ ông Lý Văn Sinh, Lầu Văn Hành, Sầm Văn Định… 

Gia đình bà Lý Thị Mỵ, thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) đầu tư máy xay xát chạy bằng điện phục vụ người dân trong thôn.

Bên ngôi nhà 2 tầng khang trang nhất thôn sắp hoàn thiện, anh Lầu Văn Hành hào hứng khoe, ngôi nhà này là nhờ trồng rừng mang lại. Trước đây, gia đình anh được vận động trồng rừng, chỉ nghĩ trồng rừng để giữ đất, chẳng nghĩ đến chuyện có nguồn thu từ rừng đâu. Vừa rồi, gia đình anh bán 7 ha rừng, thu về gần 700 triệu đồng. Từ nguồn thu khai thác rừng, gia đình anh đã thoát nghèo và xây dựng được nhà cửa khang trang. "Nếu như không trồng rừng, gia đình anh không biết khi nào mới thoát nghèo" - Anh Hành tươi cười nói.

Trưởng thôn Sầm Văn Páo khẳng định: Chỉ thời gian ngắn nữa thôi, nhờ cần mẫn, chịu khó trong lao động sản xuất, trồng lúa nương, trồng rừng, đi lao động tại các công ty trong, ngoài tỉnh và sự đồng bộ hạ tầng cơ sở thì cuộc sống của đồng bào Mông sẽ ngày một tốt hơn. Trước năm 2023, 100% số hộ của thôn là hộ nghèo. Cuối năm 2023, thôn đã có 10 hộ thoát nghèo; toàn thôn có gần 400 ha rừng; 130 con trâu, bò; 100% số hộ mua được xe máy, 30% hộ mua được tivi, tủ lạnh, bếp gas phục vụ sinh hoạt hàng ngày. 

Năm 2023, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân thôn Khuổi Ma đã đồng lòng đóng góp hơn 120 triệu để xây dựng nhà văn hóa trị giá hơn 400 triệu đồng. Đã có điện lưới quốc gia, giờ mong ước lớn nhất của người Mông nơi đây là có con đường giao thông bê tông hóa, tạo thuận lợi trong việc đi lại, giao thương hàng hóa.

Điện về, Khuổi Ma đang đón những luồng sinh khí mới để chuyển mình.

Dương Châu

Tin cùng chuyên mục