Tự hào áo dài Việt Nam

Nếu như người Nhật tự hào với Kimono, người Hàn Quốc nổi tiếng với Hanbok thì áo dài là niềm tự hào của người Việt. Trải qua bao đổi thay của xã hội và thời đại, chiếc áo dài vẫn luôn là biểu tượng tuyệt đẹp của tinh hoa văn hóa dân tộc. Cùng với phụ nữ toàn quốc, phụ nữ Tuyên Quang đã và đang gìn giữ, nâng niu, phát triển và tôn vinh những giá trị văn hóa của áo dài Việt Nam.

Trên địa bàn thành phố Tuyên Quang hiện có khá nhiều cửa hàng may đo, bán sẵn và cho thuê áo dài. Các cửa hàng may áo dài truyền thống có thương hiệu lâu năm được nhiều người biết đến có thể kể tới như: áo dài Tâm Lan, Huệ Ba, Hợp Vinh, Hoàng Ngân (TP Tuyên Quang)…

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Lan chủ cửa hàng áo dài Tâm Lan đã gắn bó với nghề may áo dài hơn 30 năm và tạo được uy tín với khách hàng. Đến nay chị vẫn đắm say với nghề truyền thống của gia đình. Mỗi năm, cửa hàng của chị may được hơn 1.500 bộ áo dài với nhiều chất liệu, kiểu dáng và màu sắc. Thường thì nhu cầu may áo dài tập trung đông vào các dịp như: 8-3, 20-10 hoặc gần Tết.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Lan đã gắn bó với nghề may đo áo dài hơn 30 năm.

Dịp 20-10, khách hàng đến may và mua áo dài khá đông. Chị Lan vừa cắt may áo dài, lại vừa chỉnh áo cho khách thử.

Có lẽ bởi thế mà khi vào xem trang facebook cá nhân hoặc trang tiktok của chị Lan, tôi rất ấn tượng với cách livestream (phát trực tiếp) để quảng cáo về áo dài của chị. Bằng những đoạn clip ngắn, với dáng vẻ nhí nhảnh, trẻ trung, tự nhiên, chị giới thiệu với khách hàng về các mẫu áo dài mới mà chị vừa thiết kế hay những loại vải áo dài vừa “cập bến” tại cửa hàng. Có khi lại là hình ảnh chị diện áo dài ở “xứ người” hoặc một khách hàng ngoại quốc đến mua áo dài để mặc cưới tại cửa hàng hoặc các em nhỏ thuê áo dài để chụp ảnh Tết... Cứ thế, người phụ nữ ấy cứ lan tỏa vẻ đẹp áo dài và sự trân trọng, nâng niu đến các khách hàng yêu áo dài truyền thống.

Là người phụ nữ quê gốc ở Nam Định, nơi được coi là Tổ nghề của áo dài, có lẽ bởi thế niềm đam mê áo dài cứ luôn thôi thúc chị Nguyễn Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN phường Ỷ La gắn bó với áo dài. Năm 2005, sau khi học chuyên nghiệp về, chị mở 1 cửa hàng buôn bán quần áo, rồi lân la bén duyên sang bán áo dài. Bán rồi, chị vẫn chưa thỏa đam mê và đã bỏ 6 tháng về Hà Nội học cắt may áo dài. Ban đầu, lượng khách rất ít nhưng dần dần khách ngày càng đông.

Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chị từng có 1 xưởng may áo dài, tạo việc làm cho 10 lao động. Hiện nay, tại cửa hàng chỉ còn 3 lao động. Tuy nhiên, khi có các đơn hàng lớn, chị vẫn phối hợp với xưởng may ở Nam Định để đảm bảo nhu cầu áo dài đồng phục cho chị em. Trung bình mỗi mùa thu, chị nhận đến cả chục đơn may áo dài đồng phục cho giáo viên ở các trường trên địa bàn tỉnh và các tỉnh bạn như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Yên Bái, Hà Giang... Chỉ tính riêng đầu năm học mới vừa qua, chị may khoảng 300 - 400 bộ đồng phục.

Nhằm tôn vinh, gìn giữ và quảng bá vẻ đẹp của chiếc áo dài, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh áo dài. Trong dịp 8-3-2023, Hội LHPN tỉnh phát động “Tuần lễ Áo dài” trong phụ nữ toàn tỉnh. Đông đảo hội viên, phụ nữ, nữ công chức, viên chức tại địa phương, cơ quan, đơn vị đã hưởng ứng mặc áo dài, chụp ảnh mặc áo dài tại nơi làm việc và tuyên truyền các hoạt động của “Tuần lễ áo dài” trên Facebook, Zalo, Fanpage của đơn vị và Facebook cá nhân.

Hội LHPN thành phố Tuyên Quang là cơ sở Hội đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong việc tổ chức các chương trình, hoạt động để tôn vinh áo dài. Đáng kể nhất là: Lễ hội Áo dài Thành Tuyên; Chương trình “Đêm hội Phụ nữ Thành Tuyên tự tin, tỏa sáng”; chương trình “Áo dài đường phố”; hoạt động dân vũ của 1.000 chị em tại quảng trường Nguyễn Tất Thành trong dịp Quốc khánh 2-9...

Nhằm chia sẻ với những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, chưa có điều kiện để may áo dài, những năm gần đây, các chị em trên địa bàn tỉnh còn thực hiện hoạt động ủng hộ áo dài vô cùng ý nghĩa như: phong trào tặng áo dài cho phụ nữ vùng lũ miền Trung của các nữ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành, cán bộ, giáo viên các trường học của thành phố; Chương trình “Tặng áo dài, trao gửi yêu thương, giữ gìn nét đẹp truyền thống” của Liên đoàn Lao động tỉnh, tặng 1.150 bộ áo dài do các nữ đoàn viên thuộc Công đoàn Viên chức tỉnh, Công đoàn ngành Giáo dục, Công đoàn ngành Y tế tỉnh gửi tặng cán bộ, công nhân viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Mới đây nhất, tại Lễ hội áo dài Thành Tuyên, Hội LHPN thành phố Tuyên Quang đã trao tặng 15 chiếc áo dài cho 15 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Những chiếc áo dài này, được chính các nhà may Tâm Lan, Thanh Nga và một số nhà may áo dài khác tài trợ.

Tự hào với vẻ đẹp và giá trị văn hóa của áo dài Việt Nam, những người phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Tuyên Quang nói riêng đã và đang gìn giữ, quảng bá và tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài truyền thống trong nhiều sự kiện như: các chương trình, hội nghị, cuộc thi, các cuộc gặp mặt, mít tinh, chụp ảnh kỷ yếu, chụp ảnh gia đình, đám cưới... Qua đó càng tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, đằm thắm của người phụ nữ xứ Tuyên, để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với người dân trong nước và bạn bè quốc tế. 

 Thu Hương

---------------------
(Có sử dụng một số hình ảnh do nhân vật cung cấp)