Những ngôi nhà sàn tiền tỷ làm homestay

Xã Năng Khả (Na Hang) hiện có trên 50 ngôi nhà sàn cổ, tập trung nhiều nhất tại thôn Nà Khá và thôn Nà Vai. Từ năm 2016, một vài hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vài trăm triệu đồng để cải tạo, nâng cấp các căn nhà sàn trở nên hiện đại nhưng vẫn giữ những nét truyền thống trong kiến trúc.

Ngôi nhà sàn của ông La Văn San (dân tộc Tày), thôn Nà Khá được xếp vào “top” những căn nhà sàn đẹp của xã. Năm 2016, gia đình ông San được UBND huyện Na Hang chọn để phát triển du lịch cộng đồng (du lịch homestay). Ông đầu tư 130 triệu đồng chỉnh trang ngôi nhà, mua thêm vật dụng như chăn màn, các đồ dùng sinh hoạt cá nhân, ngăn chia các phòng thành khu khép kín nhưng không phá vỡ nét kiến trúc 1 gian 2 trái của ngôi nhà.

Hiện nay, gia đình ông có thể đảm bảo cho trên 30 khách nghỉ lại, giá trung bình từ 80 đến 100 nghìn đồng/ngày/người tùy theo nhu cầu. Giờ đây, ngôi nhà sàn không chỉ là nơi ở của gia đình mà còn có thể tạo ra thu nhập nhờ làm du lịch, đặc biệt sự hiện đại trong bày trí, trong sinh hoạt tạo được môi trường vô cùng sạch sẽ và ấn tượng.

Ngôi nhà sàn của người Tày có đặc trưng là rộng rãi, chia thành nhiều gian, mỗi gian sẽ có một chức năng riêng. Nhà sàn ở xã Năng Khả đều được lợp bằng lá cọ, sử dụng các loại gỗ có độ bền cao, phía dưới nhà sàn người dân đã cải tạo thành các phòng sinh hoạt chung, có hệ thống loa đài hiện đại, có chỗ thưởng trà và giới thiệu các sản vật đặc sản quê hương. Cầu thang lên nhà thường là 9 bậc

Với cơ ngơi 3 căn nhà sàn khang trang, bà Ngô Thị Ngoan chủ homestay Đèo Bụt đang là địa điểm mà nhiều du khách trong và ngoài nước thường xuyên lưu trú. Bà Ngoan niềm nở, chỗ ở của gia đình được thiên nhiên ưu đãi trên bến dưới thuyền, nên bà cũng không mất quá nhiều công để cải tạo. Năm 2019, bà đầu tư hơn 1 tỷ đồng cải tạo 3 căn nhà sàn, với đầy đủ tiện nghi, có phòng riêng, phòng đông người để đáp ứng nhu cầu du khách. Đặc biệt bà cũng là người tiên phong có ý kiến xây dựng các khu nhà sàn theo hình thức liên hợp, để nâng tầm homestay của người Tày nơi đây.

Khi tham gia các loại hình du lịch này, du khách sẽ cùng sống, sinh hoạt trong các gia đình để tìm hiểu những phong tục tập quán của người dân nơi đây, cùng tham gia vào các hoạt động của người dân. Tối đến, trong những nếp nhà sàn truyền thống, du khách có thể thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân bản địa vô cùng hấp dẫn như: Thịt trâu hun khói, cá nướng, măng đắng, lợn rừng quay... trong tiếng hát Then, đàn Tính, ngất ngây trong men rượu ngô thơm ngọt…

Chị Hoàng Thị Vinh, thôn Nà Khá, chủ homestay Anh Thư chia sẻ, năm 2019, chị đầu tư 400 triệu đồng cải tạo ngôi nhà sàn của gia đình thành một ngôi nhà khép kín, có chức năng đón khách nghỉ dưỡng và tổ chức hội ngay dưới gầm sàn. Chị hồ hởi bảo, khách đến đây sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, được trải nghiệm những dịch vụ tắm lá thuốc, được tự tay bắt cá, nấu ăn và thưởng thức những món ăn truyền thống. Căn nhà sàn của chị Vinh thuộc top các căn nhà sàn có trị giá hơn 1 tỷ đồng trên địa bàn xã.

Theo Nghị quyết 09/2021 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh với định mức 80 triệu đồng mỗi hộ. Qua đó tạo động lực giúp nhiều hộ mạnh dạn để cải tạo những ngôi nhà sàn.

Trong căn nhà sàn mới bằng các loại gỗ quý trị giá 1,5 tỷ đồng, anh Ma Văn Huy, thôn Nà Khá chia sẻ, căn nhà gỗ 1 gian 2 trái bằng gỗ đinh và nghiến của gia đình có từ năm 1994, đến năm 2018, anh Huy đầu tư 300 triệu đồng cải tạo và đầu năm nay anh cải tạo thêm phần mái và phần gỗ bưng. Anh bảo, dự kiến sẽ đón khoảng 40 khách lưu trú mỗi lần, những ngày này, anh Huy đang cố gắng cải tạo thêm không gian quanh nhà, trồng thêm các loại rau rừng đặc sản, dự kiến sẽ đón khách từ đầu tháng 11 tới đây.

Ở Năng Khả ai làm homestay cũng đều tâm niệm, mong muốn mang tới cho khách du lịch một cảm giác gần gũi, tạo cho họ có điều kiện được trải nghiệm, hoà mình với thiên nhiên. Với mức giá từ 80 – 100 nghìn đồng mỗi lượt lưu trú và đồ ăn do chủ nhà chuẩn bị, tương lai không xa, những căn nhà sàn được cải tạo với quy mô hoành tráng sẽ thành điểm nhấn mới cho du lịch trải nghiệm của huyện Na Hang.