Phát huy nhân tố con người trong xây dựng văn hóa số

- Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã khẳng định, con người là vốn quý nhất, là nhân tố quyết định mọi thành công của sự nghiệp cách mạng Việt Nam: “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực cách mạng.

Người khẳng định, trong sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thì con người phải là trung tâm của sự phát triển, đồng thời nằm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Quán triệt tinh thần đó của Người, Đảng và Nhà nước ta đã có các chủ trương, đường lối, chính sách để nâng cao nhận thức, phát triển trí tuệ và bản lĩnh, văn hóa, đạo đức và coi trọng sự phát triển trên cơ sở nền tảng là truyền thống lịch sử và văn hóa của toàn dân tộc Việt Nam với các định hướng kế thừa những giá trị tốt đẹp của con người truyền thống Việt Nam; hình thành những phẩm chất mới, có trí tuệ, bản lĩnh và có tác phong, đạo đức và lòng nhân ái, vị tha, độ lượng. Con người Việt Nam được định hướng đến sự toàn diện, có cả đức, trí, thể, mỹ và vì lợi ích lâu dài trên cơ sở hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương cùng đoàn công tác của tỉnh thăm triển lãm các mô hình, giải pháp công nghệ tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an).

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”, bên cạnh đó Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 Chính phủ ban hành phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, để thực hiện hiệu quả Chiến lược, cần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đặc biệt trong bối cảnh của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, thích ứng với những tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng…

Năm 2023, các công nghệ mới như kết nối vạn vật, trí thông minh nhân tạo, vũ trụ ảo, dữ liệu lớn, rô bốt, thiết bị thông minh… được ứng dụng trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và tác động mạnh đến đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa của tất cả các quốc gia. Ngoài những lợi ích mang lại thì công nghệ số cũng đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức và tiềm ẩn những rủi ro và bất ổn như tội phạm công nghệ, tính an toàn và riêng tư cá nhân bị vi phạm…

Ở Việt Nam, dưới tác động của công nghệ số, nhiều giá trị văn hóa truyền thông bị mai một, một số thói hư, tật xấu, văn hóa ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam làm băng hoại đời sống văn hóa, nhất là giới trẻ. Thực tế đã cho thấy, người trẻ Việt Nam (và cả các nhóm xã hội khác) từ lúc mở mắt đến lúc đi ngủ đều có thói quen truy cập các trang mạng như youtube, facebook, tiktok… để xem, bình luận và tiếp nhận thông tin mà chưa thật sự quan tâm đến tính xác thực của nguồn tin.

Ranh giới giữa không gian thực và không gian ảo đã bị xóa nhòa dưới sức mạnh của công nghệ. Bên cạnh đó, tác động mạnh mẽ của chuyển đổi số quốc gia với định hướng xây dựng quốc gia số với các trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đã khiến yếu tố văn hóa và con người đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, đó là xây dựng không gian văn hóa số. Con người trước bối cảnh mới phải có năng lực tư duy sáng tạo, đổi mới và có kỹ năng hiện đại.  

Trước những khó khăn, thách thức đó, phát huy nhân tố con người, xây dựng văn hóa số có một vai trò quan trọng và là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới. Điều này cần gắn liền với sự phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ và hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển văn hóa số cần gắn liền với phát triển văn hóa gắn với con người để hướng tới một nền văn hóa chân, thiện, mỹ và thấm nhuần sâu sắc tinh thần dân tộc, khoa học, nhân văn, dân chủ và tiến bộ.

Văn hóa số phải hướng đến sự phát triển văn hóa theo định hướng và quán triệt tốt 5 mục tiêu, 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp mà Nghị quyết TW 9 khóa XI đề ra, trong đó tập trung: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa nhằm tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng văn hóa chính trị, kinh tế, xã hội và làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên cơ sở chất lượng, hiệu quả.

Để thích ứng với bối cảnh mới của cách mạng Việt Nam thì xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong thời đại mới là một nội dung mang tính cốt lõi để hình thành văn hóa số. Hệ giá trị văn hóa và giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam phải vừa phù hợp với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vừa phù hợp với giá trị văn hóa của thời đại trên cơ sở hiện đại, hội nhập quốc tế và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

PGS. TS. Trần Quang Diệu
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục