Pác Củng xây đời sống mới

- Có dịp trở lại Pác Củng, nơi sinh sống của 45 hộ gia đình đồng bào dân tộc Sán Chỉ và Dao Đỏ, chúng tôi nhận thấy nhiều đổi thay ở nơi đây. Khác với khung cảnh trước đây, khi mặt trời buông xuống là cả bản chìm trong bóng đêm mịt mù, nay, từ hệ thống điện đèn chiếu sáng nông thôn, các tuyến đường bừng sáng ánh điện và con đường vào bản cũng gần hơn.

Bản trên núi cao

Pác Củng cách trung tâm xã Thượng Nông chừng 15 km, với vị trí nằm lọt thỏm trong lòng chảo, bao quanh là núi non trùng điệp hiểm trở, đường đi lại khó khăn, vậy nên nhiều năm trước đây các hộ dân nơi đây duy trì đời sống theo hướng tự cung, tự cấp.

Nhiều tuyến đường trong thôn Pác Củng đã được bê tông hóa.

Trước đây, muốn vào được thôn phải vượt qua con đèo Thôm Sinh mất 4 - 5 giờ đồng hồ đi bộ. Từ năm 2003 - 2006, bằng nguồn vốn Chương trình 135, với tổng kinh phí trên 1,9 tỷ đồng, con đường vào thôn đã được nâng cấp với chiều dài trên 10 km, rộng 4 m. Năm 2009, bằng nguồn vốn Dự án RIDP, thôn Pác Củng tiếp tục được hỗ trợ làm mới hơn 1 km đường giao thông nông thôn, với kinh phí gần 300 triệu đồng. Nhờ vậy, giờ đây chỉ mất chưa đầy 1 giờ đồng hồ đi xe máy vượt đèo là có thể đi từ trung tâm xã vào thôn một cách dễ dàng. Bí thư Đảng ủy xã Thượng Nông Lương Xuân Hướng phấn khởi cho biết: Năm 2011, điện lưới quốc gia về với bản, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân nơi đây được nâng lên rõ rệt. Nhiều hộ dân đã có những phương tiện sản xuất được cơ giới hóa, máy móc đã thay thế sức người, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Vùng đất được coi là nơi "sơn cùng thủy tận" này là nơi sinh sống của 45 hộ dân, với gần 300 nhân khẩu, trong đó có 33 hộ dân là người dân tộc Sán Chỉ, còn lại là dân tộc Dao Đỏ. Đón chúng tôi tại Nhà văn hóa thôn, đồng chí Bí thư Chi bộ thôn Pác Củng, Bàn Văn Tranh hồ hởi nói: Trước kia, giao thông đi lại rất khó khăn, duy nhất chỉ có con đường dân sinh nhỏ hẹp dẫn vào thôn. Vì vậy hoạt động giao lưu văn hóa của người dân rất hạn chế, sản phẩm từ nông nghiệp và vật nuôi của bà con làm ra cũng rất khó tiêu thụ, chủ yếu là tự sản, tự tiêu. Thế rồi cùng với các nguồn vốn Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo của Chính phủ, đất và người Pác Củng đã có cơ hội để đi lên. Ngoài cây ngô, cây lúa thì chăn nuôi, trồng cây công nghiệp cũng đang là hướng đi giảm nghèo ở Pác Củng. Bằng việc khuyến khích, động viên tiếp cận với các nguồn vốn từ ngân hàng nên cuộc sống của người dân đã được cải thiện. Bộ mặt của thôn từng ngày thay da đổi thịt.

Lãnh đạo xã Thượng Nông (Na Hang) nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con thôn Pác Củng.

Vượt mọi gian khó

Đến nay, các tuyến đường liên thôn, liên xóm đã được đầu tư xây dựng, thôn đã có nhà văn hóa, ước mơ bao đời của 45 hộ dân thôn Pác Củng đã thành hiện thực, không còn cảnh cuốc bộ, lầy lội, trơn trượt như trước nữa. Mạng lưới điện cũng đã về tận nhà giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây trở nên vui tươi. Nhiều hộ gia đình đã tận dụng diện tích đất đai để phát triển chăn nuôi. Tính đến nay toàn thôn có gần 150 con trâu, trên 250 con dê, gần 400 con lợn và trên 1.000 con gia cầm các loại.

Ông Bàn Văn Vành, người dân trong thôn chia sẻ, từ khi có đường giao thông đi lại thuận tiện,  lại được tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ, gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng rừng. Hiện nay gia đình ông phát triển chăn nuôi với 9 con trâu, 30 con dê, trên 20 con lợn, 2 ha chè Shan tuyết. Nhờ đó, kinh tế gia đình ổn định, có của ăn, của để và làm được ngôi nhà khang trang. Mỗi năm thu nhập từ phát triển sản xuất, chăn nuôi gia đình ông cũng thu về gần trên 200 triệu đồng. 

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, người dân trong thôn tận dụng lợi thế khí hậu của địa phương, quanh năm mưa nhiều rất thuận lợi cho việc trồng giống chè Shan tuyết. Cây chè ở đây vốn phát triển tự nhiên như những cây rừng. Dù không cần chăm bón vẫn ra búp non quanh năm. Vì vậy mà nhà nào trong thôn đều có một vườn chè nhỏ nơi góc vườn để tự sao chè uống và làm quà cho khách.

Người dân thôn Pác Củng chăm sóc cây chè Shan tuyết.

Anh Bàn Văn Tranh, Bí thư Chi bộ thôn Pác Củng cho biết thêm: Chè San tuyết ở đây thơm tự nhiên, vị đậm, nước xanh không kém bất cứ loại chè nổi tiếng nào. Thấy được lợi nhuận từ cây chè đem lại, những năm qua nhiều hộ dân trong thôn đều hăng hái để mở rộng diện tích cây chè. Đến nay, tổng diện tích chè của toàn thôn là trên 18 ha, trong đó có 8 ha đang cho thu hoạch, 10 ha là trồng mới. Hiện nay sản phẩm chè của thôn cũng đã từng bước bán ra thị trường. Bà con bước đầu có thu nhập từ trồng chè.

Không chỉ phát triển mạnh về kinh tế, bà con nơi đây còn luôn giữ mối đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống; nhắc nhở nhau chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những hộ nào quá khó khăn, thôn huy động bà con giúp đỡ ngày công để tu sửa nhà cửa; hộ nào neo người đến ngày mùa thì giúp cấy lúa, trồng ngô.

Rời Pác Củng, chúng tôi chạy xe chầm chậm trên con đường của bản, chứng kiến những ngôi nhà được làm kiên cố mọc lên như càng khẳng định tinh thần vượt khó theo Đảng xây dựng đời sống mới hạnh phúc, ấm no của người dân Pắc Củng.

Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục