Nhiều nước ủng hộ Palestine trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc

Lá thư của các nước ủng hộ gửi Chủ tịch Hội đồng Bảo an bao gồm tên của 140 quốc gia đã công nhận Nhà nước Palestine, trong đó có 22 thành viên của AL, 57 thành viên thuộc OIC và 120 nước trong NAM.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ ngày 21/9/2023.
 (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các quốc gia ủng hộ yêu cầu của Palestine về việc trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc ngày 2/4 (giờ địa phương) đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét đơn của Palestine gửi năm 2011 đề nghị trở thành thành viên chính thức của tổ chức này.

Lá thư của các nước ủng hộ gửi Chủ tịch Hội đồng Bảo an bao gồm tên của 140 quốc gia đã công nhận Nhà nước Palestine, trong đó có 22 thành viên của Liên đoàn Arab (AL), 57 thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và 120 quốc gia trong Phong trào Không liên kết (NAM).

Trước đó cùng ngày, đặc phái viên của Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour cho biết Chính quyền Palestine mong muốn Hội đồng Bảo an bỏ phiếu trong tháng này để trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Mặc dù vậy, đề xuất này có thể bị Mỹ - đồng minh của Israel, ngăn chặn.

Ông Mansour đã công khai kế hoạch nêu trên của Palestine khi cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hamas ở Gaza sắp bước sang tháng thứ 7 và Israel đang tiếp tục mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây.

Theo ông, Palestine đặt mục tiêu Hội đồng Bảo an sẽ đưa ra quyết định tại cuộc họp cấp bộ trưởng về Trung Đông vào ngày 18/4, nhưng đến nay vẫn chưa có cuộc bỏ phiếu nào được đưa vào chương trình làm việc.

Palestine đã nộp đơn đăng ký trở thành thành viên đầy đủ từ năm 2011 song vẫn đang chờ xử lý vì Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên chưa bao giờ đưa ra quyết định chính thức.

Tại thời điểm hiện nay, bên cạnh nỗ lực chấm dứt chiến tranh ở Dải Gaza, áp lực toàn cầu đòi hỏi phải nối lại nỗ lực thực hiện giải pháp hai nhà nước cũng ngày càng gia tăng.

Theo quy định, đơn của Palestine xin trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc cần phải được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an và sau đó là ít nhất 2/3 trong tổng số 193 thành viên của Đại hội đồng bỏ phiếu thông qua.

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục