Người đưa cây lá dong về vườn nhà

- Là người đi lấy lá dong rừng lâu năm, anh Phạm Văn Vấn, thôn 2, xã Tân Tiến (Yên Sơn) nhận thấy nguy cơ diện tích cây dong trên rừng ngày càng bị thu hẹp, việc lấy lá dong bán cho khách hàng không còn được chủ động, bền vững như trước. Năm 2006, anh bàn với gia đình quyết tâm đưa cây lá dong rừng về trồng trong vườn nhà, tạo ra triển vọng mới.

Anh Phạm Văn Vấn, thôn 2, xã Tân Tiến là người đầu tiên mang cây lá dong rừng về nhà trồng ở địa phương.

Anh Phạm Văn Vấn cho biết, vùng đỉnh 10 Ba Xứ nơi giáp ranh của 3 xã Kiến Thiết, Trung Trực, Tân Tiến trước kia là vựa lá dong lớn của huyện Yên Sơn. Nhưng sau khi diện tích rừng tự nhiên dần bị thu hẹp, nhường chỗ cho rừng sản xuất, phát triển cây ăn quả và canh tác cây lương thực nên diện tích, sản lượng cây lá dong giảm trông thấy.

Theo anh Vấn, cây dong thân thảo, cao trung bình từ 1-1,5m, thuộc họ hoàng tinh. Cây ưa mọc dưới tán rừng già có độ ẩm cao, đẻ nhánh khỏe. Mỗi năm một cây có thể đẻ ra hàng chục nhánh, mỗi nhánh cho thu hoạch từ 6-7  lá. Cây dong có thể cho thu hoạch quanh năm, lá mọc tầm hai tháng là cắt được. Nhưng người ta thu hoạch lá dong rộ nhất vào dịp Tết Nguyên đán. Lá dong ngoài gói bánh chưng, bánh tét, bánh tẻ còn có thể dùng gói giò, gói xôi, gói thức ăn. Cây dong có hai loại, dong lông hay còn gọi là lá dong tẻ, còn dong nếp có hai mặt đều nhẵn nên người ta thường dùng để gói các loại bánh.

Ở xã Tân Tiến, trước kia giáp Tết, mỗi hộ có thể lấy hàng chục vạn lá nhưng hiện nay việc tìm lá dong cũng hơi khó, nhất là những vạt lá dong đẹp, đạt tiêu chuẩn gói bánh chưng. Thường thì đoàn người đi từng nhóm, len lỏi vào rừng sâu, việc gùi vác lá dong đi xa cũng vất vả. Nên mỗi ngày mỗi người chăm chỉ cũng lấy được vài trăm tàu, thu nhập tầm 400 - 600 nghìn đồng/công. Tuy nhiên đây cũng chỉ là hoạt động thời vụ, chỉ tranh thủ được những ngày gần tết.

Bà Hà Thị Hợp, 83 tuổi rất ủng hộ con trai Phạm Văn Vấn mang lá dong về vườn nhà trồng.

Năm 2006, anh Phạm Văn Vấn bàn với gia đình quyết tâm đưa cây lá dong rừng về trồng trong vườn nhà. Thấy cây phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên anh quyết định nhân rộng ra 20.000 khóm trên diện tích 4 sào và bây giờ là hơn nửa ha. Anh trồng cây dong xen kẽ dưới tán rừng, tán vườn cây ăn quả theo phương châm vừa chống được cỏ dại, vừa tiết kiệm đất, tạo độ ẩm cho cây trồng phát triển, đồng thời có thể nuôi gia cầm dưới tán cây. Nhờ có vườn lá dong tại nhà nên anh bán lá dong quanh năm cho những người gói bánh chưng, bánh tẻ chuyên nghiệp với giá cả vừa phải hơn. Hiện nay giáp Tết anh đang bán 1 nghìn đồng cho 1 tàu lá đẹp. Mỗi năm anh thu nhập vài chục triệu đồng. Theo anh, 1 ha lá dong trồng, chăm sóc đúng tiêu chuẩn thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, lá dong tiêu thụ tương đối dễ.

Anh Vấn cho rằng cây dong rất dễ trồng. Mỗi năm cây đẻ nhánh theo cấp số nhân. Cây cũng ít mắc sâu bệnh, chỉ chú ý phòng sâu cuốn lá là được, có thể phun thuốc trừ sâu sinh học khi lá còn non. Mật độ anh trồng 1 m2/khóm, sau một năm cây cho thu hoạch, lá dong tầm 2 tháng cắt là đẹp nhất. Hàng năm sau khi thu hoạch đại trà lá dong vào dịp tết, cây phải được chặt sát gốc. Như vậy, sang năm cây mới nảy mầm và cho sản lượng lá tốt. Gia đình anh cũng đang nghiên cứu mở rộng diện tích cây lá dong, có thể trồng xuống chân ruộng cấy lúa bấp bênh vì thiếu nước hoặc soi bãi gần nhà.

Bánh chưng có thể gói bằng nhiều loại lá như lá chuối, lá dừa, lá chít, nhưng gói bằng lá dong vẫn là chuẩn nhất, mùi thơm của lá dong, màu xanh của lá dong quyện vào gạo nếp tạo ra hương vị đặc trưng riêng. Ngày nay nhu cầu về lá dong, nhất là lá dong cho gói bánh chưng ngày tết càng lớn. Bởi vậy nghề trồng cây lá dong sẽ có nguồn ra bền vững, có thể tiếp tục mở rộng diện tích.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục