Gieo mầm tương lai

- “Hiến đất làm gì chứ hiến đất để xây trường thì không tiếc”. Đó là chia sẻ của những người dân xứ Tuyên khi có chủ trương xây trường mới cho học sinh. Không ít hộ dân đã sẵn sàng hiến cả trăm m2 đất giữa thời buổi “tấc đất tấc vàng” để cho con em các dân tộc vùng cao có được trường lớp học khang trang, tạo động lực nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn.

Điểm trường thôn Cả được xây dựng từ nguồn xã hội hóa.

“Tất cả vì tương lai con em chúng ta”

“Cháu vẽ ông mặt trời
Miệng ông cười thật tươi
Như miệng cười cô giáo…”

Những giọng hát ê a vui nhộn cùng tiếng vỗ tay râm ran phát ra từ những lớp học khang trang đã xóa tan đi không gian tĩnh lặng, âm u của núi rừng của thôn Cả, xã Công Đa (Yên Sơn) hôm nay. Đó là “âm thanh hạnh phúc” từ những tiết dạy học ở điểm trường Mầm non thôn Cả, điểm trường xa nhất xã.

Những lớp học khang trang do sự chung tay của các cấp, các ngành và các đơn vị tài trợ như: Đài tiếng nói Việt Nam, Công ty cổ phần hàng không Jestar Pacific airlines, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Vietinbank chi nhánh Hà Nội... Đặc biệt, phải kể đến người góp công đầu chính là đồng chí Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cả Ma Kim Hải. Ông đã hiến hơn 500 m2 đất của gia đình mình để mở rộng mặt bằng xây dựng những lớp học khang trang.

Đồng chí Ma Kim Hải kể lại, điểm trường cũ trước kia gần bãi tha ma, cơ sở vật chất xuống cấp nên phụ huynh rất ngại cho con đi học. Chính vì thế khi Nhà nước có chủ trương xây dựng điểm trường lại may mắn được các đơn vị tài trợ xây trường thì không có lý gì người dân mình lại đứng ngoài cuộc.  Mình là đảng viên thì lại càng phải đi đầu trong mọi việc, nghĩ là làm ngay, ông bàn với gia đình hiến đất để xây trường cho các con. Trước mắt, gia đình chịu thiệt nhưng vì lợi ích lâu dài, vì tương lai con em chúng ta thì chẳng ai tiếc cả. Con mình lớn rồi không học thì sau này các cháu, các chắt mình đi học…

Việc hiến đất đã giúp cho dự án đầu tư xây dựng điểm trường thôn Cả khẩn trương hoàn thành theo đúng tiến độ. Từ ngày khánh thành điểm trường mới đến nay, người dân xã Công Đa vui lắm, ai cũng mừng vì đã có cơ sở vật chất khang trang cho học sinh vùng cao, phụ huynh không phải lo nơm nớp chuyện các trẻ bị “người âm” trêu nữa.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cả Ma Kim Hải cùng các trẻ tại điểm trường thôn Cả.

Bà Lương Thị Quế cho biết, trước bà con trong thôn không dám cho con em mình đi học vì sợ nhưng nay thì yên tâm rồi. Cảm ơn Đảng và Nhà nước, cảm ơn Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ma Kim Hải đã hết lòng vì dân, dốc sức vì sự nghiệp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

 Điểm trường mới đã tạo động lực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở xã  Công Đa, tỷ lệ huy động trẻ đến trường ngày càng tăng đạt gần 50%, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến lớp đạt 100%; tất cả trẻ được chăm sóc, giáo dục theo đúng nội dung, chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được theo dõi biểu đồ tăng trưởng theo quy định; tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày đạt 100%...

Đồng hành cùng giáo dục vùng cao

Đầu năm 2023, người dân huyện Na Hang vô cùng phấn khởi khi công trình Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Na Hang được khởi công xây dựng tại tổ 14 Hang Khào với tổng kinh phí đầu tư hơn 100 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam tài trợ 50 tỷ đồng. Phải nói đây là công trình trường học lớn nhất, hiện đại nhất trên địa bàn huyện vùng cao được đầu tư xây dựng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và trách nhiệm vì cộng đồng của doanh nghiệp đối với giáo dục dân tộc, giáo dục vùng cao.

Thực tế khi triển khai xây dựng ngôi trường khang trang này thì việc giải phóng mặt bằng giữ vai trò hết sức quan trọng. Chính quyền huyện Na Hang đã khẩn trương tiến hành công tác giải phóng mặt bằng và tuyên truyền, vận động người dân hiến đất cũng như làm các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng. Giữa lúc nhiều người còn e ngại, lo lắng thì gia đình cô giáo Lương Thị Tám, giáo viên Trường Mầm non Hoa Mai, thị trấn Na Hang đã quyết định hiến 246 m2 để xây dựng trường “phá tan” đi những nghi hoặc, lo lắng, góp phần tạo sự thông thoáng, thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng.

Cô Tám bảo, đến nay cô đã công tác trong ngành Giáo dục được hơn 33 năm  nên cô thấu hiểu sự vất vả, khó khăn thiếu thốn của trường, lớp học vùng cao. Khi Nhà nước đầu tư xây dựng một ngôi trường khang trang, hiện đại dành cho con em các dân tộc trên địa bàn huyện cô rất mừng. Vì thế cô muốn ngôi trường mới sớm được hoàn thành để con em các dân tộc trên địa bàn huyện được học tập trong môi trường khang trang, đầy đủ hơn…

Điểm trường thôn Cả, xã Công Đa (Yên Sơn) được xây dựng khang trang từ nguồn xã hội hóa và do người dân hiến đất.

Tấm lòng của cô giáo Lương Thị Tám đã được cả cộng đồng và chính quyền huyện Na Hang ghi nhận. Để biểu dương, Chủ tịch UBND huyện Na Hang đã ký quyết định tặng giấy khen cho gia đình cô giáo Lương Thị Tám, đồng thời biểu dương để lan tỏa việc tốt giữa đời thường.

Thầy giáo Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Na Hang phấn khởi nói, dự án xây dựng trường mới có tổng diện tích trên 5,3 ha, quy mô nhà 3 tầng gồm nhà lớp học, nhà hiệu bộ, nhà ở nội trú cho học sinh, nhà đa năng và các công trình phụ trợ khác. Thầy và trò nhà trường luôn biết ơn sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, của các cấp, các ngành và của các cá nhân, doanh nghiệp đã quan tâm hỗ trợ xây dựng ngôi trường mới khang trang. Ngôi trường khi hoàn thành sẽ tạo động lực rất lớn để nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và tiến tới đạt chuẩn quốc gia.

Từ trước đến nay, tại tỉnh Tuyên Quang đã ghi nhận nhiều tấm gương sẵn sàng hiến đất xây trường, lớp học cũng như luôn đồng hành, chung sức để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục ở vùng khó phát triển, đóng góp tích cực vào công tác phổ cập giáo dục các bậc học. Tiêu biểu như gia đình ông Bàn Tài Ngan, Bàn Đức Quân, Triệu Văn Hang ở thị trấn Na Hang; gia đình ông Trần Tử Bình, xã Tứ Quận (Yên Sơn) tự nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất; gia đình anh Bàn Ngọc Bằng ở xã Yên Hoa (Na Hang) là hộ nghèo nhưng đã hiến 200 m2 đất… để xây dựng các điểm trường, lớp học.

Ở trong mỗi giai đoạn khác nhau, công tác giáo dục và đào tạo luôn nhận được sự đồng hành ủng hộ từ người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Điều đó đã tạo động lực để giáo dục đạt được những kết quả mới, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu dạy và học trong tình hình mới. Từ đó góp phần từng bước giảm sự chênh lệch giữa chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, tạo động lực và “chắp cánh” cho giáo dục vùng cao phát triển hơn.

Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục