Chuyện vận động ở Nà Kham

- Tục ngữ có câu "việc hôm nay chớ để ngày mai". Vận động người dân hiến đất làm cầu, làm đường không dễ, người dân đồng ý cần phải triển khai ngay để có hiệu quả và sự thuyết phục. Bà Hoàng Thị Huế, Bí thư Chi bộ thôn Nà Kham, xã Năng Khả (Na Hang) chia sẻ đầy tâm huyết như vậy.

5 giờ sáng đã nghe chửi

Bà Hoàng Thị Huế, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Kham được mệnh danh là "nữ tướng" bởi tính cương trực, dám làm, dám chịu. Năm 2015, bà được bầu làm Bí thư Chi bộ, cũng là năm xã Năng Khả về đích nông thôn mới. "Có đường bê tông, có cầu khang trang như này bản thân tôi nghe chửi té tát rất nhiều" bà kể như thế.

Cánh đồng Nà Kham rộng hơn 8 ha, là nơi canh tác của 60 hộ dân, muốn vào phải đi qua 2 khe suối, 1 khe to giữa cánh đồng, 1 khe nhỏ sát Quốc lộ 279. Mùa nước cạn đi lại đã khó, những ngày mưa lũ thì khó gấp vạn lần, người dân phải đi xa vòng lại hơn 1km. Bà Huế nhớ, giữa năm 2018 bà tổ chức họp dân và lấy ý kiến để làm cầu bắc qua suối nhỏ sát Quốc lộ 279. Bà mua 6 ống cống đường kính 1m, dùng 10 cây gỗ dài 5m, xếp đan xen rồi dải bạt, ép đá và đổ đất nèn chặt làm mặt cầu. Chiếc cầu hoàn thành sau 1 tuần thi công với chi phí gần 3 triệu đồng cả công thuê máy xúc gạt. Trông rất đơn giản nhưng công nông, máy gặt liên hợp đi qua nhẹ nhàng.

Bà Hoàng Thị Huế, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Kham, xã Năng Khả (Na Hang).

Cuối tháng 8 năm đó, trời mưa to, lượng nước tràn về kéo theo rác làm cống không thoát nước kịp, khiến nước tràn lên, mang theo cả bùn và rác ra ruộng của người dân xung quanh. Bà chua xót, hôm sau, đúng 5h sáng có hộ dân Hoàng Thị Th. đến tận nhà chửi ầm ĩ vì phát minh bồng bột, bà buồn lắm, chỉ biết đứng im chịu trận. Để yên dân, chiều hôm đó, bà cùng cán bộ phụ trách nông nghiệp xã vào nhà bà Th. đề nghị mua lại toàn bộ diện tích lúa của gia đình hoặc đổi ngang từ ruộng của bà sang.

Thật may, năm đó năng suất lúa của gia đình bà Th. giảm 20% so với dự kiến, cũng vì cảm động cách hành xử của Bí thư Chi bộ nên gia đình cũng không bắt đền, nhưng bà Huế vẫn bỏ 400.000 đ tiền túi để hỗ trợ tiền phân bón, về sau gia đình bà Th đã chủ động hiến 280m2 đất nông nghiệp để làm đường bê tông thay vì 200 m2 như dự tính ban đầu.

Những câu chuyện vận động khéo

Muốn sản xuất thuận lợi thì phải có đường, và con đường nội đồng dài 410 m từ Trạm Y tế xã Năng Khả đến Quốc lộ 279 đã ra đời.
Đến mùa gặt nhìn người dân gánh từng bó lúa đi lại mới thấy vất vả, nhất là các hộ neo người, máy móc cũng chỉ hỗ trợ phần nào dù đã có cây cầu tạm người dân làm đi qua khe suối nhỏ. Cuối năm 2018, sau khi lấy ý kiến người dân, con đường nội đồng muốn hoàn thành phải đi qua đất sản xuất của 23 hộ. Nhiều hộ thì vui mừng ủng hộ, nhưng có nhiều hộ không hài lòng bởi suy nghĩ làm đường nhưng chưa có cầu thì cũng vô ích.

Ông Hoàng Văn Đông có thửa ruộng nằm giữa con đường, nếu làm sẽ chia làm 2 thửa, do vậy ông bà không hề đồng tình làm đường. Cũng mất nhiều công vận động không có kết quả, bà Huế vẫn quyết định làm đường bắt đầu từ chính thửa ruộng của gia đình, bà hiến 256m2 đất để nêu gương đi đầu, khi con đường đến thửa ruộng của gia đình ông Đông thì dừng lại, lúc này bà cùng cán bộ xã đến vận động, nhờ cả người nhà giúp đỡ và gia đình ông đã chấp thuận hiến hơn 300m2 đất để làm đường.

Cây cầu bắc qua khe suối nhỏ sát Quốc lộ 279 vẫn đang được sử dụng.

Năm 2020, khi nhà nước cấp xi măng làm đường bê tông, bà Huế đứng lên vận động nhân dân chung tay đóng góp công, góp của làm đường, mỗi hộ dân đóng góp 520.000 đồng, hộ nào khó khăn, neo đơn được miễn đóng góp, cách làm thấu tình, đạt lý được người dân Nà Kham ủng hộ. Khi con đường thiếu nhân công người dân đều chủ động đóng góp công san lấp mặt bằng, làm khuôn đổ bê tông, vận chuyển cát từ suối Nà Kham lên để làm đường. Con đường thi công hơn 10 ngày đã hoàn thành, nhưng cây cầu ở con suối lớn giữa cánh đồng vẫn chưa thông nên đời sống vẫn còn khó.

Năm 2021, khi triển khai Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025, bà Huế lên xin chính quyền xã, phát biểu ý kiến tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp xin làm cầu. Đến cuối năm đó, Sở Giao thông vận tải đã chấp thuận và cho đầu tư xây dựng. Tinh thần người dân lúc đó lên cao, không cần vận động trong thôn có thêm 8 hộ dân hiến thêm đất cho đơn vị thi công để làm cầu Nà Kham, nổi bật như gia đình ông Đặng Văn Việt, ông Nguyễn Hoài Nam đều hiến trên 300m2 mỗi hộ. Ông Việt tâm sự, lúc đầu cũng tiếc bởi gia đình đã hiến hơn 300 m2 hồi làm đường bê tông, giờ làm thêm cầu có phần móng cầu phải vào đất sản xuất, nhưng nghĩ đến mục đích chung nên vẫn quyết tâm hiến để cầu hoàn thành đúng tiến độ.

Cây cầu Nà Kham do Sở Giao thông vận tải đầu tư hoàn thành năm 2023.

Cũng trong năm 2021, sẵn khí thế, bà Huế còn vận động nhân dân làm được thêm 190 m đường bê tông vào khu Nà Bó Phẻn, 220 m đường vào khu sản xuất Bó Chuông. Nhớ mãi lúc vận động ông Nguyễn Quảng Eng, gia đình nhiều ruộng nhất thôn nhưng lại ít con cháu, đến mùa gặt đi nhờ người thu hoạch là điều vô cùng khó khăn. Nắm được cái khó của gia đình, bà Huế chủ động xin gia đình ông hiến đất làm tuyến đường đi Nà Bó Phẻn. Bà bảo, mình mưa dầm thấm lâu, cứ trò chuyện, kể về cái khó khi thu hoạch lúa vận chuyển phân bón mà không có đường giao thông, rồi ông Eng chấp thuận, hiến gần 500 m2 đất lúa để làm đường.

Năm 2022, bà Huế được kiêm thêm chức danh Trưởng thôn, bà bảo đưa thôn từng bước thoát nghèo, xóa dần những ưu đãi của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Chương trình 30A) là cái bà muốn thực hiện nhất. Trong căn nhà mới, anh Nguyễn Hải Nam phấn khởi, gia đình từ xã Thúy Loa di dân về đây từ năm 2006, loay hoay gần 20 năm giờ mới có căn nhà mới do chính quyền giúp đỡ một phần kinh phí. Anh bảo, không có bà Huế vượt qua những điều tiếng của dân bản địa thì có lẽ không có gia đình anh ngày hôm nay. Năm 2022, anh tự xin thoát nghèo, anh tâm niệm, chính quyền đã cho cái cần thì người dân cũng phải tự biết đi câu con cá chứ không thể ỷ lại mãi như hiện nay.

Thôn Nà Kham hiện có 144 hộ dân, đến nay còn 34 hộ nghèo. Bà Huế khẳng định, năm 2023, thôn sẽ kiên quyết giảm còn 14 hộ nghèo, buộc người dân phải tự đứng trên đôi chân, dù thực hiện không hề dễ dàng. Đồng chí Bàn Văn Khé, Chủ tịch UBND xã Năng Khả tự hào, thôn Nà Kham hiện nay thật sự có nhiều cái mới, bởi có Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn mẫn cán, rồi cộng thêm có sự đồng lòng của nhân dân, tương lai Năng Khả sẽ sớm thành xã nông thôn mới nâng cao của huyện.

Lê Duy

Tin cùng chuyên mục