Chủ động tiêm vắc xin vụ thu đông cho đàn gia súc, gia cầm

- Nhằm hạn chế dịch bệnh, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, thời điểm này, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương triển khai quyết liệt công tác tiêm phòng vắc xin vụ thu đông 2023 cho đàn gia súc, gia cầm.

Xác định tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, mỗi năm 2 đợt tiêm, bà Lương Thị Thơm, thôn Pá Tao, xã Hòa An (Chiêm Hóa) đều chủ động đăng ký số lượng vật nuôi với cán bộ thú y địa phương. Bà Thơm cho biết, gia đình hiện nuôi 300 con gà thương phẩm, 1 con trâu. Những năm trước đây, do chưa nhận thức được việc tiêm phòng nên khi thôn, xã thông báo lịch tiêm gia đình chủ quan và nghĩ không cần thiết nên đàn gia cầm bị mắc bệnh. Năm nay, bà chủ động mua các loại vắc xin không được cấp phát, tiêm đầy đủ cho đàn vật nuôi của gia đình. Đặc biệt, thời điểm giao mùa việc tiêm phòng được tăng cường bởi đây là lúc các bệnh dễ bùng phát.

Nhân viên thú y xã Tú Thịnh (Sơn Dương) tiêm phòng vắc xin cho đàn trâu của người dân.

Không chỉ ở huyện Chiêm Hóa, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã tập trung triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, với mục tiêu phấn đấu tiêm đạt so với kế hoạch đề ra. Điểm đáng ghi nhận đó là sự chủ động, tích cực của người chăn nuôi trong phòng ngừa dịch bệnh. Ông Phạm Quý Cảo, Chủ tịch UBND xã Tú Thịnh (Sơn Dương) cho biết, không chờ có thuốc cấp, phát từ tỉnh, nhiều hộ gia đình chăn nuôi đã chủ động mua vắc xin và tiêm phòng ngay khi thời tiết chuyển mùa. Hiện xã đang tích cực chỉ đạo các thôn tiếp tục rà soát số lượng đàn vật nuôi, triển khai biện pháp tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, đồng thời phát huy hiệu quả vai trò của cán bộ thú y thôn bản. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc tiêm phòng, giúp hộ chăn nuôi tiếp tục phát triển đàn vật nuôi theo hướng bền vững.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ phát sinh bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở 5 xã huyện Lâm Bình và Chiêm Hóa, làm 299 con lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy. Từ những số liệu trên có thể thấy, các loại dịch bệnh đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, dịch tả lợn Châu Phi chỉ còn xảy ra rải rác ở một số địa phương, thiệt hại giảm nhiều lần so với năm trước. Để đạt được kết quả như vậy, theo ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cho biết, người chăn nuôi đã quan tâm hơn đến việc đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi. Các cấp chính quyền, ngành chức năng vào cuộc quyết liệt hơn, tuyên truyền đến người chăn nuôi thực hiện tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Bà Lương Thị Thơm, thôn Pá Tao, xã Hòa An (Chiêm Hóa) tiêm phòng cho đàn gà của gia đình.

Tuy nhiên, qua kết quả giám sát dịch bệnh, mầm bệnh vẫn còn tồn tại lưu hành trong quần thể đàn vật nuôi và môi trường nên khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển và gây bệnh cho vật nuôi. Do đó, Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương nỗ lực, quyết tâm triển khai tích cực công tác tiêm phòng vụ thu đông cho đàn vật nuôi.

Theo kế hoạch, đợt tiêm phòng vụ thu đông năm 2023 được triển khai đồng loạt tại các địa phương từ 15/9 đến 15/10. Trong thời gian tiêm đại trà, Chi cục đã chủ động cung ứng và cấp phát vắc xin bệnh Lở mồm long móng hỗ trợ của tỉnh cho các địa phương; đối với các xã có nguy cơ cao về bệnh Cúm gia cầm, hỗ trợ vắc xin tiêm phòng bệnh Cúm gia cầm; đối với các thôn đặc biệt khó khăn, hỗ trợ vắc xin tiêm phòng bệnh Viêm da nổi cục. bệnh Tụ huyết trùng trâu, bò, lợn, bệnh Dịch tả lợn, bệnh Niu cát sơn, bệnh Dịch tả vịt. Lượng vắc xin đã được tiếp nhận, bảo quản tại kho và sẽ cấp phát đầy đủ cho các tuyến cơ sở theo đúng tiến độ tiêm phòng, đảm bảo đủ số lượng và chủng loại vắc xin. Phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm đạt trên 80% diện phải tiêm.

Ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cho biết, để đảm bảo công tác tiêm chủng đạt kết quả, trước các đợt tiêm phòng, Chi cục chủ động tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố tiến hành chuẩn bị nhân lực, dụng cụ, vật tư để triển khai công tác tiêm phòng; đề phòng trường hợp thiếu sót để kịp thời bổ sung. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng tiêm phòng cũng như là việc bảo quản vắc xin trước và trong quá trình tiêm phòng cho nhân viên thú y ở cơ sở. Các địa phương thông báo trước thời gian, địa điểm tiêm phòng cho người chăn nuôi. Trong quá trình triển khai tiêm phòng, Chi cục phân công cán bộ chuyên môn về các địa phương để phối hợp, hướng dẫn, giám sát việc tổ chức, triển khai tiêm phòng vắc xin đảm bảo đúng yêu cầu và tỷ lệ theo quy định.

Tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đúng định kỳ, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật mới đạt hiệu quả phòng dịch bệnh tốt, đây là biện pháp tốt nhất để bảo vệ đàn vật nuôi phát triển bền vững. Vì vậy, người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm công tác phòng dịch chủ động bằng việc tiêm phòng vắc xin, lựa chọn đúng chủng loại vắc xin do ngành chuyên môn khuyến cáo.

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục