Chủ động phòng chống sạt lở mùa mưa lũ

- Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 1/7/2023 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, năm 2023 là năm chuyển pha ENSO, thời tiết, khí hậu thường có những biến động mạnh. Mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong các tháng chuyển mùa và trong thời kỳ mùa mưa bão năm 2023. Ở khu vực miền núi phía Bắc thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất.

Nguyên nhân gây sạt lở, chủ yếu là do các hiện tượng thời tiết bất thường, trong đó có mưa lớn kéo dài xảy ra ngày càng nhiều, cùng với các hoạt động nhân sinh như phá rừng, khai khoáng, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa... Đồng thời, việc thúc đẩy các quá trình tai biến địa chất, đặc biệt là hiện tượng trượt, lở đất đá, lũ ống, lũ quét phát triển mạnh mẽ với quy mô ngày càng lớn, mức độ thiệt hại ngày càng tăng, đe dọa đến an sinh cộng đồng.

Tại tỉnh ta hiện còn hàng ngàn điểm có nguy cơ cao gây ra trượt lở đất, lũ ống, lũ quét, gây rủi ro lớn về người và tài sản nhất là khi mưa lũ sắp vào mùa cao điểm.

Do vậy, việc xác định và triển khai ứng dụng các giải pháp cảnh báo, dự báo, xây dựng công trình giảm nhẹ rủi ro là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Để thực hiện điều đó, cần có những đột phá về khoa học và công nghệ, đồng thời với các giải pháp giảm thiểu trước thiên tai, đầu tư hạ tầng cơ sở, nâng cao năng lực cảnh báo sớm, năng lực tự ứng phó, đặc biệt trong cộng đồng dân cư cũng như đầu tư vào hệ thống thông tin tới người dân.

Để nâng cao công tác phòng chống, giảm thiểu tối đa thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra trong thời gian tới, việc ứng phó với lũ quét, sạt lở đất thường theo phương châm “phòng hơn chống”. Các cấp chính quyền cần rà soát và xử lý tốt các điểm sạt lở, áp dụng phương pháp gia cố tạm thời tránh xảy ra những thiệt hại không đáng có với người dân. Coi trọng công tác dự tính, dự báo, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, trung tâm điều hành phòng chống thiên tai các cấp; tuyên truyền, trang bị kiến thức, cung cấp thông tin về phòng chống thiên tai cho người dân.

Đối với các địa phương phải khẩn trương di dân khỏi các khu vực có nguy cơ cao, rà soát quy hoạch dân cư, hạ tầng cơ sở bảo đảm giảm thiểu tác động do thiên tai gây ra. Nâng cao nhận thức cộng đồng, làm tốt công tác trồng và bảo vệ rừng nhằm chống xói lở. Thành lập các đội xung kích, lực lượng tìm kiếm cứu nạn kịp thời ứng phó giảm thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.                                      

 Phương Đông

Tin cùng chuyên mục