Vẫn còn nhiều vi phạm

- Mục tiêu năm 2023 kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí về cả số vụ, số người chết, số người bị thương, tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT). 6 tháng đầu năm 2023, tình hình tai nạn giao thông của tỉnh có chiều hướng giảm, tuy nhiên vẫn còn nhiều vi phạm trật tự ATGT.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự  ATGT 6 tháng và phương hướng nhiệm vụ quý III-2023 sáng 11-7, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng chỉ rõ nguyên nhân chính gây ra TNGT gồm: Ý thức chấp hành pháp luật của một số người tham gia giao thông, tài xế và chủ doanh nghiệp vận tải còn hạn chế; tình trạng thanh, thiếu niên điều khiển mô tô khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe diễn biến phức tạp; tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt diễn ra phổ biến. Đồng chí yêu cầu các ngành, địa phương cần có các giải pháp quyết liệt, bền bỉ để kéo giảm tai nạn giao thông bền vững.

Trên địa bàn tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023 không phát sinh tai nạn giao thông nghiêm trọng; vi phạm nồng độ cồn, vi phạm quá tải trọng đã giảm trên 60% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lỗi, nhiều người vi phạm trật tự ATGT.

Cán bộ Đội CSGT, trật tự, Công an huyện Hàm Yên thực hiện kiểm tra nồng độ cồn.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, 6 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 36 vụ, làm chết 12 người, bị thương 27 người. So với 6 tháng 2022 số vụ không tăng không giảm; giảm 5 người bị thương. Lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện lập biên bản 8.089 trường hợp vi phạm; tạm giữ giấy tờ 4.173, tạm giữ phương tiện 2.679 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 7.143 trường hợp vi phạm với số tiền thu từ xử phạt là 13,7 tỷ đồng. Đường thủy đã phát hiện và lập biên bản, xử lý 28 trường hợp, xử phạt hành chính 21,8 triệu đồng.

Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải đã xử lý 22 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, xử phạt trên 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 2 trường hợp trong 2 tháng; xử phạt 17 trường hợp cơi nới thành thùng, vi phạm tải trọng với số tiền 31 triệu đồng; xử lý 4 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường thủy, tạm giữ 4 bộ giấy tờ.

Đại tá Phạm Đinh Bá Tiên, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Phòng Cảnh sát giao thông đã thành lập tổ công tác phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, cảnh sát cơ động (Công an tỉnh), đội cảnh sát giao thông, trật tự Công an các huyện, thành phố kiểm tra nồng độ cồn, ma túy, tốc độ đối với lái xe; nhất là vào khung giờ cao điểm, từ 11 đến 15 giờ; 18 đến 22 giờ trên tất cả các tuyến trọng điểm là tuyến đường đô thị, quốc lộ. Đối tượng kiểm tra là tất cả người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, gồm các loại xe ô tô, mô tô, xe máy, nhất là những tài xế điều khiển phương tiện vận chuyển hành khách, xe ô tô vận tải hàng hóa, xe đầu kéo rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc, container; xe ô tô chuyên dụng chở xăng dầu, hóa chất, hàng nguy hiểm dễ cháy nổ...

Cùng với việc xử lý vi phạm phương tiện, người lái thì việc đảm bảo kết cấu đường bộ, hành lang đường bộ cũng đang được cơ quan chức năng tỉnh tăng cường. Đồng chí Nguyễn Ngọc Huân, Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải nhấn mạnh, Sở xác định đây là việc làm cấp bách, do đó, Thanh tra sở và các đơn vị trực thuộc đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, giải tỏa tình trạng lấn chiếm hành lang đường bộ trên các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh.

Cùng với tăng cường các biện pháp xử phạt, các ngành, các cấp trong tỉnh đã tăng cường thêm các biện pháp tuyên truyền về tác hại sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông và thông điệp “Đã uống rượu  bia - không lái xe” tại các tổ dân phố, khu dân cư, tuyến phố đông phương tiện qua lại góp phần nâng cao nhận thức của người dân về chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục