"Thắp lửa" trung thu xưa tại bảo tàng, di tích

Tết Trung thu hay còn gọi là Tết hoa đăng, Tết trông trăng, Tết đoàn viên… của người Việt, diễn ra vào ngày rằm tháng Tám âm lịch, dịp trăng tròn và sáng nhất trong năm. Qua thời gian, hoạt động đón Tết Trung thu ở nước ta đã có nhiều thay đổi để phù hợp với thực tế đời sống, song những giá trị cốt lõi, phong tục truyền thống về cơ bản vẫn được bảo lưu, gìn giữ.

Góp phần vào kết quả này có nỗ lực của nhiều bảo tàng, di tích, thông qua các chương trình, sự kiện hấp dẫn và ý nghĩa tiếp tục “thắp lửa” trung thu xưa, lan tỏa tình yêu, trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống trong các thế hệ.

Các em thiếu nhi tham gia đón Tết Trung thu trong chương trình “Ký ức mùa trăng 2023” tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Trở về với Trung thu xưa

Những cơn mưa bất chợt nhiều ngày qua không ngăn nổi dòng người háo hức tìm về Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, nơi đang diễn ra các hoạt động vui đón Tết Trung thu đầy màu sắc cổ truyền, do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cùng nhiều nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa phối hợp thực hiện. Trong không gian rộng lớn của sảnh trưng bày, góc phố cổ Hà Nội xưa hiện ra đầy sống động với các gian hàng bày bán đồ chơi tinh xảo, lộng lẫy, được phục dựng theo mẫu cổ. Mâm cỗ trông trăng, ban thờ ngày Tết, các trò chơi dân gian… cũng được tái hiện đầy đủ, chi tiết, gợi nhớ không khí đón Tết Trung thu rộn ràng, đầm ấm trong dân gian.

Tham gia các hoạt động vui đón Tết Trung thu ở Hoàng thành cùng mẹ và em gái, bạn Trần Hà Quyên, học sinh Trường Trung học cơ sở Lomonoxop (Nam Từ Liêm) bày tỏ niềm vui thích trước những trải nghiệm đa dạng và hấp dẫn, từ không gian tìm hiểu văn hóa đón Tết Trung thu của dân tộc; học làm đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn cù, mặt nạ giấy bồi, diều giấy, bánh dẻo, bày mâm ngũ quả… đến rước đèn, múa lân, phá cỗ.

Trần Hà Quyên cho biết: "Từ hướng dẫn của các nhà nghiên cứu văn hóa và nghệ nhân, em hiểu hơn về văn hóa truyền thống, ý nghĩa của các phong tục với đời sống tinh thần của dân tộc, qua đó cảm nhận sâu sắc hơn sức hấp dẫn của ngày Tết này với những hoạt động đa sắc màu”.

Giống với Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám dành riêng một không gian xứng đáng để đón Tết Trung thu, lấy việc khơi dậy ký ức những mùa trăng xưa làm trung tâm hướng đến.

Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Nguyễn Văn Tú cho biết, thông qua các hoạt động trình diễn, sắp đặt và trải nghiệm quy mô và đậm văn hóa dân gian, như: Không gian phục dựng tích xưa, trải nghiệm chuỗi trò chơi “Cá chép vượt vũ môn”, hội sách “Nhân trí thức, tích tinh hoa”…, Ban Tổ chức mong muốn đem đến những trải nghiệm thú vị cho công chúng và du khách, qua đó lan tỏa tình yêu, ý thức gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa của trung thu xưa, để nét đẹp văn hóa truyền thống tiếp tục được lưu truyền và hòa quyện với các hoạt động văn hóa hiện đại, vừa giúp bảo tồn, vừa khẳng định sức sống bền bỉ trong đời sống hôm nay.

Để văn hóa dân tộc trường tồn

Là dịp lễ Tết quan trọng trong năm của người Việt, Tết Trung thu diễn ra giữa tiết trời thu mát mẻ, người dân mở hội ca hát, vui chơi cũng như thể hiện sự thành kính với với tổ tiên và quan tâm tới trẻ em. Qua thời gian, nguồn gốc, giá trị văn hóa tinh thần của ngày Tết Trung thu có lúc, có nơi người dân còn thiếu sự quan tâm, tìm hiểu cặn kẽ, dẫn đến nguy cơ phai nhạt.

Nhiều bảo tàng, di tích quan tâm, chú trọng tổ chức nhiều chương trình đón Tết Trung thu ý nghĩa, vừa tạo sân chơi lành mạnh, hấp dẫn, vừa đẩy mạnh tôn vinh, quảng bá văn hóa truyền thống, khích lệ các thế hệ, đặc biệt là lớp trẻ chung tay gìn giữ, trao truyền di sản.

Tương tự, Bảo tàng Hà Nội có góc trung thu truyền thống tại khu trưng bày “Nếp xưa”, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với các hoạt động khám phá ý nghĩa ngày Tết Trung thu, phát triển kỹ năng sáng tạo thông qua chương trình “Em yêu trung thu, em yêu khoa học”; Ngôi nhà di sản - 87 Mã Mây, đình Đồng Lạc, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật phố cổ - 22 Hàng Buồm… trong không gian phố cổ Hà Nội, tái hiện nhiều hoạt động đón Tết Trung thu của người Hà Nội xưa cũng như tổ chức nhiều không gian trải nghiệm múa lân, rối cạn, hướng dẫn làm đồ chơi dân gian…

Có nhiều năm tham gia vào các hoạt động vui đón Tết Trung thu phố cổ, nghệ nhân Đặng Văn Hậu bày tỏ niềm vui khi được chung tay tạo nên những kỷ niệm đẹp, trải nghiệm thú vị về trung thu truyền thống, từ đó thắp lên ngọn lửa yêu văn hóa truyền thống cho cộng đồng.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cho rằng, các hoạt động quảng bá nét đẹp văn hóa cổ truyền trong dịp Tết Trung thu thời gian qua đang thu hút sự quan tâm, yêu thích của đông đảo công chúng. Đây là hướng đi đúng, cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, nhằm tôn vinh truyền thống dân tộc, xây dựng, lan tỏa ý thức gìn giữ, phát huy giá trị di sản của cha ông cho thế hệ tương lai.

Đây cũng là hoạt động góp phần nâng cao đời sống văn hóa của người dân Thủ đô cần được nhân rộng và phát huy trong thời gian tới.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục