Tăng cường tiết kiệm

- Thời gian qua, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhưng thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, lãng phí, ảnh hưởng đến kỷ cương, kỷ luật hành chính và hiệu quả sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị về tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, bảo đảm giai đoạn 2021 - 2026, phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng dưới 60%.

Theo đó, cần tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên; đẩy mạnh cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên, bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội, y tế, môi trường, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... theo quy định của pháp luật.

Năm 2024 cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện trong năm hiện hành để xây dựng dự toán sát khả năng thực hiện. Đẩy mạnh việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn của từng ngành, từng đơn vị; tăng cường mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định.

Tin tưởng vào sự chỉ đạo của Chính phủ, nhân dân cũng mong muốn cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; đồng thời tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao vai trò giám sát của tổ chức Đảng từ cơ sở. Có như vậy mới ngăn ngừa những sai phạm ngay từ đầu, tránh cái sảy nảy cái ung.

Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục