Tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng

Ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tiếp tục chương trình sáng nay, 15/2, trong không khí phấn khởi mừng Đảng, chào Xuân mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu thăm, chúc Tết Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. (Ảnh: DUY LINH)

Phát biểu tại cuộc gặp đầu năm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành ngân hàng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm tối đa; tăng cường đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn, quan trọng là không hạ chuẩn tín dụng nhưng vẫn đưa được vốn vào sản xuất, kinh doanh.

Trò chuyện tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp và tình cảm thân ái đến toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Nhắc lại những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 khá toàn diện, tích cực của đất nước ta trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh rằng trong thành tựu chung ấy có sự đóng góp không nhỏ của ngành ngân hàng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cùng những khó khăn trong nước đã khiến nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp xuống thấp, nhiều ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất gây áp lực không nhỏ tới sự điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bám sát chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chúc Tết Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. (Ảnh: DUY LINH)

Kết quả vừa qua cho thấy đã giữ vững ổn định, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm cao và những kết quả tích cực của ngành ngân hàng nói chung và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói riêng đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Nêu năm 2024 là năm rất quan trọng, là năm "tăng tốc" để "về đích" thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của cả nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, tạo đà tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 là thách thức rất lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Trong đó, vai trò của ngành ngân hàng đối với nền kinh tế và an ninh tiền tệ quốc gia là hết sức quan trọng, đóng vai trò là huyết mạch của nền kinh tế; là kênh dẫn vốn chủ yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành ngân hàng tăng cường năng lực phân tích dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát thế giới, khu vực, nhất là diễn biến giá năng lượng để hoạch định, điều hành chính sách tiền tệ phù hợp; cân đối hài hòa giữa việc giảm lãi suất và ổn định tỷ giá.

Đồng thời, ngành ngân hàng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm tối đa; tăng cường đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn, quan trọng là không hạ chuẩn tín dụng nhưng vẫn đưa được vốn vào sản xuất, kinh doanh.

Riêng với Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội mong và đề nghị tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao theo chủ trương, chính sách của Đảng về các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. (Ảnh: DUY LINH)

Theo báo cáo, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam có tiền thân là Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, được thành lập từ năm 1993 nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển mô hình tín dụng Hợp tác kiểu mới, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp nông thôn.

Ngân hàng trực tiếp phục vụ tam nông, đối tượng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình và nông dân; do tính đặc thù nên không có nhiều người biết đến, nhưng Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam vẫn có những bước phát triển rất tích cực.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã phát huy vai trò là ngân hàng đầu mối phục vụ gần 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân với tổng tài sản là 181.734 tỷ đồng, vốn điều lệ 6.995 tỷ đồng; hoạt động trên địa bàn 57/63 tỉnh, thành phố với hơn 1,7 triệu thành viên.

Theo báo cáo, năng lực tài chính của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hiện nay còn hạn chế, số vốn điều lệ hiện nay là hơn 3.000 tỷ đồng tương đương mức vốn pháp định tối thiểu theo quy định.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đơn vị chủ quản là Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu kiến nghị của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ báo cáo Chính phủ xem xét, trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực tài chính, phát triển về quy mô, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và đáp ứng cho nhu cầu phát triển trong giai đoạn tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đặc biệt lưu ý, mỗi cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng cần không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, văn hóa ứng xử, trách nhiệm và bản lĩnh nghề nghiệp, thấm nhuần lời dặn của Bác Hồ kính yêu, tích cực học tập lý luận và nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục