Sức trẻ Yên Nguyên

- Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) Cầm Văn Dũng hào hứng kể, nếu nói về phong trào thanh niên làm kinh tế chắc ít nơi nào “bì kịp” với Yên Nguyên. Lớp trẻ thay vì thoát ly đi làm ăn xa thì nhiều người đã tự lực, đứng lên khởi nghiệp làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Khởi nghiệp

Được mệnh danh là “vua gấc” trong những người trẻ làm kinh tế của xã Yên Nguyên, thanh niên 9x Hứa Mạnh Linh, thôn Nhân Thọ 1 đã từng có thời gian loay hoay tìm nhiều hướng đi để phát triển kinh tế và cũng có thời kỳ bị rơi vào bế tắc. Anh Linh kể, năm 2011 sau khi tốt nghiệp THPT, anh được bố mẹ giúp đỡ cho thầu hồ cá với diện tích 7.000 m2 nhưng liên tục gặp thất bại. Thay vì mỗi năm thu 1 vụ thì anh luôn mất gấp đôi thời gian, lẹt đẹt mãi mà không có sự bứt phá.

Trăn trở nhiều lắm, cũng đi tìm tòi, xoay đủ nghề nhưng mãi đến năm 2021, được sự gợi ý của một người bạn đang làm việc trong TP. Hồ Chí Minh về nhu cầu thu mua gấc số lượng lớn để chế biến tinh dầu và làm thực phẩm, anh mới quyết định chuyển sang trồng gấc. Anh Linh nhớ lại, lúc đó trong tay có 200 triệu đồng tiền tích góp của 10 năm khởi nghiệp, anh quyết định dồn toàn bộ vốn để làm một mẻ lớn. Anh đầu tư cải tạo diện tích đất ruộng của gia đình và thuê thêm ruộng của người dân thành thửa lớn rộng khoảng 1,5 ha, lên xã Kim Bình (Chiêm Hóa) học hỏi kinh nghiệm và mua 3.000 cây gấc giống về trồng.

Mô hình trồng gấc của anh Hứa Mạnh Linh, thôn Nhân Thọ 1, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Nhớ ngày mới làm, diện tích gấc bị dế mèn phá hoại, hao hụt hơn 1.000 cây giống, anh bảo, mình tìm tòi cố gắng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chọn các chế phẩm sinh học, mỗi tối tự tay đi bắt và đi bịt hố dế bằng xi măng. Cách làm có phần “vất vả” nhưng cũng khá hiệu quả và quan trọng sạch môi trường.

Tháng 8-2021 anh thu lứa gấc đầu tiên được 15 tấn, giá bán bao tiêu sản phẩm được 5.000 đ/kg, thu được hơn 70 triệu đồng. Một lần tham khảo trên mạng Internet, anh học được cách sơ chế sản phẩm gấc cho vào túi ép chân không để bảo quản, vừa dễ vận chuyển và cũng được giá cao hơn 5 lần. Anh bảo, cũng trong quá trình sơ chế, tận dụng phụ phẩm anh còn phát triển được mô hình nuôi lợn rừng. Cao điểm có lúc gia đình có trên 50 con lợn.

Đến năm 2022 kinh tế thu nhập ổn định mỗi năm trên 300 triệu đồng. Chỉ tay vào cánh rừng rộng hơn 1 ha ở phía sau vườn nhà, Hứa Mạnh Linh phấn chấn, năm tới sẽ nuôi thêm 1.000 con gà thả vườn dưới tán rừng, vừa tận dụng được diện tích lại vừa sạch sẽ môi trường và đa dạng cách hướng làm kinh tế.

Mô hình trồng cây bưởi của anh Nguyễn Văn Giang, thôn Yên Quang mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng.

...mang lại nhiều hiệu quả

Chị Hà Thị Tròn, Bí thư Đoàn xã Yên Nguyên phấn khởi kể, hiện trên địa bàn xã có 20 mô hình kinh tế của thanh niên có doanh thu từ 50 triệu đồng trở lên và đa số các mô hình đều tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Nhìn cơ ngơi hoành tráng của 9x Hoàng Anh Tuấn, thôn Nhân Thọ 2 với mô hình nuôi ốc nhồi ít ai biết ông chủ đã từng có quãng thời gian khởi nghiệp nhiều gian nan hơn bạn bè cùng trang lứa. Gia cảnh khó khăn, anh mất 8 năm đi làm thuê các công việc nặng nhọc để trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình. Năm 2019, anh quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi ốc nhồi. Có được 30 triệu đồng tích góp, anh dành 10 triệu đồng mua con giống và phần còn lại để cải tạo 300 m2 đất ruộng của gia đình thành ao nuôi. Tuy nhiên, vụ đầu tiên do chưa có kinh nghiệm nên anh đã thất bại.

Anh Tuấn kể, lúc đó thật sự bất lực, toàn bộ vốn đều không còn, nhưng là người trẻ anh quyết tâm đứng lên, tự tìm tòi, tự học hỏi kỹ thuật của các hộ nuôi ốc tại xã Kim Bình, Tri Phú (Chiêm Hóa). Anh tự cải tạo chuồng nuôi, kiểm soát nguồn nước đảm bảo vệ sinh, nhờ sự sáng tạo, cuối năm 2019 thu được 1 tấn ốc đầu tiên, lãi được 70 triệu đồng.

Dám nghĩ dám làm, đến nay anh Tuấn đã triển khai mô hình trên diện tích 7.000 m2 đất ruộng, doanh thu mỗi năm trên 500 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng. Anh chia sẻ, thanh niên làm kinh tế thường ít kinh nghiệm, nên cần nhất là sự ham học hỏi, đặc biệt là chăm chỉ thì chắc chắn sẽ thành công.

Mô hình nuôi trâu của chị Nguyễn Thị Thiết, thôn Khuôn Trú với trên 20 con trâu sinh sản và vỗ béo.

Tất bật, khệ nệ với những bó cỏ cho đàn trâu trên 20 con, con nào con nấy béo núc, chị Nguyễn Thị Thiết, thôn Khuôn Trú nổi tiếng trong xã với mô hình nuôi trâu vỗ béo. Bắt đầu nuôi từ năm 2015, từ những con trâu sinh sản tại gia đình, do nắm vững kỹ thuật, đàn trâu tăng nhanh về số lượng, đến năm 2018, chị chủ động tham gia mô hình nuôi trâu sinh sản, trâu thịt vỗ béo với Hợp tác xã công nghệ cao Tiến Thành, tiến hành nuôi nhốt, duy trì tổng đàn 20 con, quy mô 5 con trâu cái sinh sản và 15 con trâu thịt vỗ béo. Chị cũng là người trẻ đi đầu trong thực hiện xử lý chất thải chăn nuôi bằng Biogas, liên kết nuôi giun trùn quế…

Mô hình kinh tế của người trẻ xã Yên Nguyên ngày càng có nhiều hơn, tiêu biểu phải kể đến tấm gương của anh Nguyễn Văn Giang, thôn Yên Quang cải tạo đất của gia đình trồng cây ăn quả, nuôi lợn thịt, mỗi năm mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng; chị Nguyễn Thị Phương, thôn Nhân Thọ 2 nuôi trâu sinh sản, vỗ béo và trồng mía; mô hình nuôi gia cầm và trồng rau sạch theo quy mô lớn của anh Hoàng Văn Thì, thôn Bảo Ninh; mô hình nuôi cá trạch thương phẩm và cung cấp giống của anh Tô Văn Giang, thôn Khuôn Khoai...

Vốn đi đầu huyện Chiêm Hóa với phong trào trồng cây vụ 3, rồi phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Yên Nguyên hôm nay còn đi đầu với phong trào người trẻ “ly nông quyết không ly hương”. Chủ tịch UBND xã Cầm Văn Dũng bảo, sự nhanh nhạy, dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ đã giúp nhiều đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế bước đầu có những thành quả đáng khâm phục. Thời gian tới, với sự hỗ trợ của địa phương, của những người đã thành công, hy vọng sức trẻ sẽ tiếp tục mang đến một luồng sinh khí mới cho mảnh đất Yên Nguyên Anh hùng.

Lê Duy

Tin cùng chuyên mục