Sức mạnh ở Đoàn Kết 2

- Tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức của cán bộ, đảng viên và bà con dân tộc Cao Lan thôn Đoàn Kết 2, xã Thành Long (Hàm Yên) đã tạo nên sức mạnh, làm “thay da, đổi thịt” vùng quê nông thôn.

Đồng thuận vì lợi ích chung

Mới đến đầu thôn Đoàn Kết 2, chúng tôi đã cảm nhận được sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện bộ mặt nông thôn nơi đây với con đường bê tông uốn lượn trải dài khắp xóm. Dưới chân đồi keo xanh mướt là những ngôi nhà xây, nhà sàn cột bê tông vững chãi mọc lên. Nhà văn hóa thôn khang trang được xây mới còn thơm mùi sơn.

Đồng chí Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đoàn Kết 2 Trần Văn Tràng giới thiệu, thôn có 103 hộ với gần 430 nhân khẩu đều là dân tộc Cao Lan. Đón năm mới này, Nhân dân tự hào về thành quả lớn đó là có nhà văn hóa mới gắn với sân thể thao, thỏa niềm mong ước bấy lâu, tạo thuận lợi giúp thôn tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, rèn luyện thể thao nâng cao đời sống vật chất tinh thần.

Nhắc lại câu chuyện xây nhà văn hóa thôn, đảng viên Tô Thị Sự, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn tự hào, khi thôn bàn giải pháp tạo quỹ đất xây nhà văn hóa gặp rất nhiều khó khăn. Địa hình của thôn chủ yếu là đồi núi, chưa có quỹ đất nên yêu cầu cần tìm khu đất đủ rộng, bằng phẳng lại càng khó hơn. Các cán bộ thôn đã mất nhiều buổi khảo sát, lựa chọn địa điểm, rồi vận động thành công gia đình ông Hoàng Đình Tiến nhượng lại khu đồi chè cho thôn để làm nhà văn hóa.

Đồng bào dân tộc Cao Lan thôn Đoàn Kết 2, xã Thành Long (Hàm Yên) đã đóng góp tiền mua đất tạo quỹ đất để Nhà nước đầu tư nhà văn hóa thôn khang trang gắn với sân thể thao.

Thôn tổ chức họp lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, cán bộ xã, thôn đã kiên trì tuyên truyền, giải thích rõ để các hộ nắm rõ chủ trương, tạo sự đồng thuận chung khi thực hiện. Tính ra, mỗi hộ phải đóng góp tới hơn 2 triệu đồng (chưa kể ngày công). Cả thôn thống nhất chia ra nhiều đợt thu để giảm áp lực cho các hộ. Cán bộ, đảng viên là những người tiên phong, vận động anh em dòng họ đóng góp trước, rồi mới thu đến các hộ khác.

Mọi khoản thu, chi được công khai minh bạch, giám sát chặt chẽ nên Nhân dân càng tin tưởng, ủng hộ. Sau 3 đợt đóng góp cả thôn thu được tổng 214 triệu đồng. Số tiền đó dùng để mua đất, thuê máy san ủi mặt bằng sớm bàn giao cho Nhà nước đầu tư xây nhà văn hóa thôn. Tiếp đó, Nhân dân còn tham gia hàng trăm ngày công để đổ sân bê tông, xây tường rào tạo khuôn viên sạch đẹp.

Điều đáng ghi nhận ở thôn Đoàn Kết 2 là tinh thần hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Nhân dân được lan tỏa mạnh mẽ. Tuyến đường chính chạy qua thôn dài 800 m đã được bê tông hóa rộng 3,5 m nhưng vẫn còn khá chật hẹp so với yêu cầu phát triển mới. Khi xã có chủ trương mở rộng hàng lang, mỗi bên rộng thêm 2 m thì hàng chục hộ dân đã tự nguyện hiến đất với tổng diện tích gần 2.000 m2. Các hộ cũng chủ động chặt bỏ cây cối, tháo dỡ tường rào,… để mở rộng hành lang đường thông thoáng. Tiêu biểu như gia đình các ông: Nình Văn Thuận, Bì Đức Mạnh, Nịnh Xuân Độ…

Là người tiên phong hiến 100 m2 đất, ông Bì Đức Mạnh chia sẻ: “Mỗi khi xe ô tô tải vào chở gỗ, nông sản thì con đường ở thôn trở nên chật hẹp, tiềm ẩn tai nạn giao thông. Cũng như các hộ khác, khi được cán bộ vận động, mở rộng hành lang đường, gia đình tôi rất vui mừng, sẵn sàng hiến đất vì đó là vì lợi ích lâu dài. Nếu mình cứ tính toán thiệt hơn thì bao giờ thôn mình mới có con đường rộng, khang trang, đi lại thuận lợi, an toàn”.

Ở thôn Đoàn Kết 2 ngày càng nhiều những ngôi nhà xây, nhà sàn bê tông vững chãi được xây dựng mới.

Xây dựng đời sống ấm no

Nói về sự “thay da, đổi thịt” ở Đoàn Kết 2, Trưởng thôn Trần Văn Tràng khẳng định, xuất phát từ tinh thần đoàn kết, nỗ lực, năng động của Nhân dân, thôn đã phát huy lợi thế đất rộng để trồng cây keo. Đa số các hộ trong thôn đều có rừng với tổng diện tích hơn 200 ha keo. Sau mỗi chu kỳ 6 năm trở lên, rừng keo được khai thác đã mang lại nguồn thu nhập từ vài chục triệu đồng, hộ có nhiều rừng thu đến hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu như gia đình các ông: Trần Văn Phùng, Trần Văn Lương, Trần Văn Chanh…

Từ năm 2021 trở lại đây, nông dân ở thôn đã “thắng lớn” từ chuyển đổi ruộng kém hiệu quả sang liên kết với hợp tác xã trồng dưa chuột. Theo đó, nông dân cam kết sản xuất đúng quy trình tạo sản phẩm sạch, an toàn; còn phía hợp tác xã sẽ cung ứng vật tư, giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu đầu ra ổn định.

Anh Trần Văn Tràng nhẩm tính, với giá thu mua ổn định từ 7 - 10 nghìn đồng/ kg dưa quả thì mỗi sào trồng dưa giúp nông dân lãi chắc từ 15 triệu đồng trở lên. Với tổng hơn 2 ha trồng dưa mỗi vụ (kéo dài khoảng 3 tháng) giúp người dân trong thôn thu về ngót nghét gần tỷ đồng. Từ thành công của việc liên kết sản xuất hàng hóa, cuối năm 2023, một số hộ trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi 1 mẫu ruộng lúa khó canh tác sang liên kết trồng ớt xuất khẩu đầy tiềm năng.

Bà con dân tộc Cao Lan thôn Đoàn Kết 2 trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc dưa chuột.

Những năm qua, đông đảo thanh niên ở thôn Đoàn Kết 2 đã chủ động đi học nghề, tìm kiếm cơ hội làm việc ở các khu cụm, khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh. Cả thôn hiện có hơn 60 lao động trẻ đang làm việc ở các khu công nghiệp, giúp mang lại nguồn thu đáng kể. Từ đó, giúp công tác xóa nhà tạm, giảm nghèo của thôn đạt kết quả khả quan. Năm 2023, thôn có 19 hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo xuống còn 11 hộ, số hộ khá, giàu ngày càng tăng. Kinh tế khấm khá giúp các hộ đâu tư xây mới, cải tạo nhà ở khang trang; mua máy móc đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, sắm thêm tiện nghi sinh hoạt giúp nâng cao đời sống…

Đồng chí Nguyễn Thị Tám, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thành Long vui mừng cho biết, các cán bộ, đảng viên thôn Đoàn Kết 2 đã tích cực tuyên truyền, vận động khơi dậy tinh thần đoàn kết, huy động nguồn lực to lớn từ đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất xây dựng nhà văn hóa, mở rộng đường sá đi lại thuận lợi. Bà con cũng rất năng động phát huy thế mạnh phát triển kinh tế rừng, liên kết sản xuất hàng hóa, giảm nghèo hiệu quả, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan, chung tay cùng toàn xã hoàn thiện các tiêu xây dựng nông thôn mới.

Phóng sự: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục