Quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan: Tiến sát ngưỡng cửa hòa bình

Sau nhiều thập kỷ xung đột lãnh thổ, quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan đang tiến sát tới ngưỡng cửa hòa bình khi hai bên đạt được thỏa thuận và bắt đầu phân định biên giới.

Đây được coi là bước tiến quan trọng trong lộ trình bình thường hóa quan hệ song phương, giúp tránh được những tranh cãi có khả năng xảy ra liên quan tới vấn đề lãnh thổ trong tương lai.

Các sĩ quan Armenia tại một trạm kiểm soát ở vùng Nagorno-Karabakh.

Công tác phân định biên giới giữa Armenia và Azerbaijan bắt đầu từ ngày 23-4, căn cứ vào bản đồ thời Liên Xô trước đây. Các nhóm chuyên gia có kế hoạch xác định tọa độ dựa trên nghiên cứu trắc địa để đưa ra mốc giới rõ ràng, đặc biệt trong khu vực các ngôi làng có tranh chấp.

Armenia đã đồng ý giao lại cho Azerbaijan 4 ngôi làng nằm ở khu vực biên giới chung giữa hai nước, vốn từng là một phần của Azerbaijan khi hai quốc gia này còn là hai nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Azerbaijan Aykhan Hajizada thông tin, những ngôi làng này do Armenia kiểm soát từ đầu những năm 1990, và việc chuyển giao này là “sự kiện lịch sử” được mong chờ từ lâu. Còn Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết, thỏa thuận hòa bình với Armenia đang đến gần hơn bao giờ hết; đồng thời khẳng định, hai nước đã có sự hiểu biết chung về thỏa thuận hòa bình. Cả hai bên đều có ý chí chính trị và chỉ cần thêm thời gian để hiện thực hóa điều đó.

Trong khi đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan khẳng định, việc phân định biên giới sẽ giúp hai nước tránh được một cuộc xung đột mới. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga - được triển khai trong khu vực từ năm 1992 - đã rút khỏi khu vực từ ngày 23-4. Khi hoàn thành công tác cắm mốc biên giới chung, quân đội hai nước sẽ thực hiện công việc phòng thủ trên lãnh thổ của mỗi bên. Chính phủ Armenia và Azerbaijan đang nỗ lực chuyển chương trình nghị sự hòa bình trên lý thuyết thành hiện thực.

Đánh giá về tiến triển quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel cho rằng, phân định biên giới dựa trên sự công nhận rõ ràng về tính toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia là một yếu tố quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai nước suốt hai năm qua. Điều này sẽ đóng vai trò thiết yếu hướng tới bình thường hóa và mở cánh cửa hòa bình cho toàn bộ khu vực.

Hai nước láng giềng trên đã vướng vào cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ tranh chấp quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh, khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia và muốn sáp nhập vào Armenia. Các cuộc đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Nagorno-Karabakh đã được tổ chức từ năm 1992 với sự trung gian của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cùng vai trò tham gia của Nga, Pháp, Mỹ, Belarus, Đức, Italia, Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, song cũng không thể hạ nhiệt được cuộc xung đột. Năm 2020, một cuộc đối đầu quân sự lớn giữa hai bên đã diễn ra tại khu vực này trong 6 tuần, làm hàng nghìn người thiệt mạng. Trong cuộc chiến này, Azerbaijan giành được nhiều lợi thế trước Armenia.

Đến tháng 11-2020, một lần nữa Nga lại đứng ra làm trung gian hòa giải và thỏa thuận hòa bình giữa Azerbaijan và Armenia đã được ký. Theo thỏa thuận, Azerbaijan giành lại toàn bộ lãnh thổ xung quanh khu vực Nagorno-Karabakh do Armenia kiểm soát từ năm 1994. Armenia phải rút quân khỏi Nagorno-Karabakh. Phe ly khai người Armenia chỉ được quản lý một phần nhỏ ở Nagorno-Karabakh. Để giám sát các bên thực thi thỏa thuận, Nga điều đến đây khoảng 2.000 quân gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, các cuộc đụng độ giữa lực lượng ly khai người Armenia và lực lượng biên phòng của Azerbaijan liên tục nổ ra.

Căng thẳng giữa hai nước lên mức đỉnh điểm vào tháng 9-2023 khi Azerbaijan bất ngờ đưa quân đến khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh và chỉ với một ngày giao tranh, Baku tuyên bố giành lại quyền kiểm soát khu vực này sau khi các nhóm sắc tộc Armenia hạ vũ khí và giải tán lực lượng. Đến nay, hầu hết người sắc tộc Armenia trong khu vực (trên 100.000 người) đã di cư sang Armenia.

Thời gian gần đây, Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy Thủ tướng Nikol Pashinyan và Tổng thống Ilham Aliyev ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra giải pháp toàn diện cho hai quốc gia vùng Caucasus. Công tác phân định biên giới được tiến hành là kết quả của cuộc đàm phán bắt đầu từ ngày 28-2 giữa Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan và người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov tại Berlin (Đức). Dư luận thế giới hy vọng, động thái tích cực này sẽ giúp hai quốc gia nhanh chóng mở ra cánh cửa hòa bình, tạo nên một chương mới trong quan hệ song phương.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục