Phát triển cây ăn quả bền vững: Đâu là giải pháp?

- Cây ăn quả được đánh giá là cây có giá trị kinh tế cao nhất trong các loại cây trồng, tuy nhiên đây cũng là cây trồng thiếu bền vững nhất. Thực tế cho thấy, chỉ sau 1 thời gian ngắn những trái bưởi, cam, chuối, na... được ví như vàng xanh thì chỉ 1-2 năm sau lại rơi vào tình trạng giải cứu.

Bỏ hoang, phá hủy cây trồng

Vườn bưởi Diễn hơn 300 gốc  của gia đình anh Nguyễn Đức Vạn, thôn 5, xã Trung Trực (Yên Sơn) đang ở giai đoạn vàng (tức là cây trồng đang ở độ tuổi từ 5 - 8 năm, cây khỏe nhất, cho quả sai nhất, chất lượng nhất) nhưng lại bị bỏ mặc bởi giá bán quả bưởi quá thấp. Anh Vạn chia sẻ, năm vụ bưởi vừa qua, bưởi Diễn có giá 2 - 3 nghìn đồng/quả loại A, 1-1,5 nghìn đồng/quả loại B, bán cả cây bưởi không đủ trả tiền thu hái, chưa kể vật tư, phân bón chăm sóc. Năm nay bắt đầu vào vụ nhưng cũng chưa thấy một cuộc gọi hay thăm dò gì từ thương lái nên gia đình đành bỏ không chăm sóc. Theo lời anh Vạn,  4 năm về trước, giá bưởi lên cao 15 - 18 nghìn đồng/quả bưởi Diễn thì thời điểm này các nhà vườn như anh tập trung bón phân lần cuối để tép bưởi vào nước, chắc quả nhưng giờ bưởi rẻ, phân mua về rồi cũng không dám bón bởi chưa nhìn tín hiệu khả quan nào từ thị trường.

Cùng thôn 5, xã Trung Trực, vườn bưởi gần 2 ha của gia đình anh Lý Văn Luân cũng chịu số phận.

Những cây bưởi của người dân thôn 5, xã Trung Trực (Yên Sơn) xơ xác vì không được chăm sóc

Vùng đất Xuân Vân - vốn nổi tiếng với nhãn hiệu bưởi Soi Hà, sản phẩm đã được Hội Người tiêu dùng Việt Nam bình chọn vào "Top 10 nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng" năm 2017 - đang bị đe dọa mất danh tiếng, chất lượng vì giá bưởi rẻ khiến người dân không mặn mà đầu tư chăm sóc.

Đồng chí Triệu Ngọc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân (Yên Sơn)  lo lắng, do giá bưởi xuống thấp, 1 số hộ dân trồng bưởi tại thôn Soi Đát, Đô Thượng 5 đã mua phân hữu cơ về rải vào vườn bưởi không vì mục đích nuôi cây mà để nuôi giun và kích diệt giun bán. Việc kích điện diệt giun sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh vật trong đất, bộ rễ cây bưởi gây chột cây, chắc chắn thời gian cây sẽ chết.

Không những cây bưởi, nhiều vườn cam, nhãn, vải trên địa bàn các huyện Hàm Yên, Sơn Dương, Chiêm Hóa cũng đang rơi vào tình trạng bị bỏ hoang, chặt hạ vì lý do thu vào không bằng đầu tư.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây ăn quả của tỉnh đang có dấu hiệu giảm sút, năm 2022 khoảng 20.000 ha, đến tháng 8-2023, con số này đã tụt xuống còn 19.400 ha, nhiều nhất là các loại cây trồng có múi như: cam, bưởi...

Vì đâu nên nỗi?

Cây ăn quả là cây có giá trị cao nhất trong các cây trồng, so sánh với các loại cây trồng như mía, cây lâm nghiệp, chè, giá trị cây ăn quả cao hơn gấp 1,5 - 2 lần, có thời điểm gấp 3 lần. Chính vì giá trị kinh tế cao nên nhiều người dân đổ xô đi trồng, bất chấp những khuyến cáo từ ngành chức năng, quy hoạch của tỉnh.

Diện tích tăng dẫn đến sản lượng cũng tăng vượt trội so với nhu cầu thị trường, trong khi phần lớn sản phẩm cây ăn quả là phục vụ ăn tươi, nội tiêu, công nghiệp chế biến chưa phát triển nên tình trạng xuống giá, giải cứu vào thời điểm chính vụ sẽ không thể tránh khỏi. Chưa kể nhiều tỉnh lân cận cũng có môi trường, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu tương đương tỉnh ta nên cũng phát triển mở rộng đầu tư trồng. Đơn cử như cây cam, cây bưởi, ngoài vùng cam sành Hàm Yên, bưởi Yên Sơn nhiều địa phương khác như Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ cũng quy hoạch vùng trồng cam sành, trồng bưởi dẫn đến việc thu hoạch cùng thời điểm, gây ứ đọng thị trường cùng một thời gian. Cuối cùng vòng xoay trồng, chặt, chặt, trồng vẫn kéo dài dai dẳng mà không có giải pháp khắc phục.

Giải pháp 

Giảm thiểu tối đa tình trạng phá vỡ quy hoạch ở các loại cây trồng, đặc biệt là nhóm cây ăn quả có múi, từ nhiều năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân phát triển cây ăn quả theo đúng quy hoạch, kế hoạch. Sở phối hợp với các huyện, thành phố rà soát, kiên quyết không phát triển diện tích cây ăn quả ở những vùng không thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai, địa hình, không có cam kết tiêu thụ sản phẩm để tránh rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Đối với những vùng đã nằm trong quy hoạch, ngành tập trung mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như ghép mắt cải tạo cây ăn quả già cỗi, thụ phấn bổ sung, bón bổ sung các chất hữu cơ, chất trung, vi lượng… 

Sở cũng phối hợp với Hội hữu cơ tỉnh triển khai các dự án hữu cơ trên diện tích cây ăn quả, đặc biệt là các loại cây có múi. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, đến giữa năm 2023, tổng diện tích các cây trồng được sản xuất theo tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh trên 3.200 ha, trong đó cây cam  1.471 ha, cây bưởi 412,8 ha tập trung ở 2 huyện là Hàm Yên và Yên Sơn. 

Tỉnh cũng khuyến khích các nhà vườn liên kết thành lập các tổ hợp tác, tạo thuận lợi trong việc tìm kiếm đối tác, thị trường, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Trên thực tế nhiều hợp tác xã sản xuất cây ăn quả đã tìm bạn hàng bao tiêu sản phẩm bền vững như: Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Chiêu Yên (Yên Sơn), Hợp tác xã Nông nghiệp Phong Lưu, xã Phù Lưu (Hàm Yên)...

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục