Những đóng góp của Tuyên Quang trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

- Đóng góp của bộ đội địa phương: Trong năm 1953 - 1954, tỉnh đã kiện toàn, bổ sung quân số, vũ khí, trang bị, xây dựng được một tiểu đoàn gồm 4 đại đội và 1 trung đội trợ chiến.

Năm 1954, tỉnh Tuyên Quang có 1.734 đội viên du kích, trung bình mỗi xã có 1 tiểu đội với biên chế 10 người. Năm 1954, tỉnh tuyển quân được 581 người, trong đó bổ sung cho lực lượng chính quy 349 người. Ngoài bảo vệ cầu đường, bộ đội địa phương Tuyên Quang còn điều 5 đại đội làm nhiệm vụ giải tù binh, truy quét biệt kích trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, qua đó góp phần vào chiến công chung của dân tộc...

Các nhân chứng lịch sử kể chuyện Điện Biên cho thế hệ trẻ tại Chương trình Chính luận nghệ thuật “Ký ức Điện Biên”
do Báo Tuyên Quang tổ chức.  Ảnh: Cảnh Trực

Tỉnh đội thành lập đại đội phòng không, mỗi huyện thành lập 01 ban bảo vệ, các xã có đội bảo vệ từ 10 - 15 người, thường xuyên tuần tiễu bảo vệ đường, phà, phát hiện bom nổ chậm, bảo vệ nơi cất giấu ô tô.

Đóng góp của lực lượng dân công: Năm 1954 huy động 1.854.360 ngày công. Trong suốt cuộc kháng chiến, chỉ tính riêng việc phục vụ cho các chiến dịch và kiến thiết cầu, đường, phà, Tuyên Quang đã huy động tới 6.519.000 ngày công. Với số dân 13 vạn người, năm 1954 tỉnh đã huy động tới 56.196 lượt người đi dân công (chiếm 43% dân số). Lực lượng dân công tỉnh đã vận chuyển 6.486.955 kg gạo, 52.770 kg thịt trâu, 914 kg thịt bò, 41.657 kg lợn, 10.890 kg lạc, 11.282 kg đỗ xanh... của tỉnh tới chiến trường để phục vụ chiến dịch.

Đóng góp của lực lượng Công an: Công an Tuyên Quang có nhiệm vụ phối hợp cùng với các lực lượng khác trực tiếp bảo vệ vòng ngoài An toàn khu, hướng dẫn và phát động phong trào phòng gian bảo mật trong Nhân dân, kiểm soát công khai các ngả đường ra vào An toàn khu và việc đi lại giữa các xã trong vùng.

Để đảm bảo an toàn, bí mật trong suốt những năm kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan Trung ương thường xuyên di chuyển địa điểm làm việc trong An toàn khu Tuyên Quang. Do đó, công tác phối hợp với các lực lượng để bảo vệ an toàn Căn cứ địa kháng chiến là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt thời kỳ 1947 - 1954 của lực lượng Công an Tuyên Quang.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. 

Phong trào thi đua lao động, sản xuất và chiến đấu: Các phong trào thi đua “tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”, mua “công trái quốc gia”, “công phiếu kháng chiến”, “tất cả vì tiền tuyến”... đã thực sự trở thành những cuộc sinh hoạt chính trị rộng khắp tại địa phương, đem lại kết quả thực tế cao. Trong năm 1948, Nhân dân đã đóng góp cho quỹ kháng chiến 1.481.489 đồng, mua 120.600 đồng công phiếu kháng chiến. Năm 1949, trong đợt vận động bán gạo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào đã bán cho Nhà nước 139.295 kg thóc, 32.229 kg gạo và cả năm đã mua 550.400 đồng công phiếu kháng chiến...

Chỉ tính riêng chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, Tuyên Quang đã cung cấp cho tiền phương 6.486.955 kg gạo, 52.770 kg thịt trâu, 914 kg thịt bò, 41.657 kg lợn, 10.890 kg lạc, 11.282 kg đỗ xanh. Ngoài ra tỉnh còn cung cấp cho bộ đội hàng trăm tấn rau xanh và 1.881.322 kg gạo cho các chiến dịch làm cầu đường...

Xây dựng mạng lưới giao thông: Bảo đảm giao thông phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ (từ tháng 12/1953 đến đầu tháng 3/1954), tỉnh đã hoàn thành việc tu sửa và mở các đường số 41, số 13, đường từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ, đây là những trục đường chính của tuyến vận tải cơ giới, với tổng chiều dài khoảng 300 km.

Dưới bom đạn, công nhân giao thông vẫn bảo đảm thông đường trong thời gian ngắn nhất. Thời gian qua phà từ 30 phút rút xuống còn 8 phút. Công nhân các bến phà nhiều khi phải làm việc liên tục 14 giờ. Mức vận chuyển từ 20 xe/ngày tăng lên 64 xe/ngày. Từ cuối tháng 11/1953 đến 7/5/1954 đã có 4.734 lượt ô tô từ Thái Nguyên qua phà Bình Ca và phà Hiên.

Năm 1953, tỉnh Tuyên Quang huy động 9.762 người tham gia 3 đợt dân công làm đường với 1.021.738 ngày công. Năm 1954, Tuyên Quang đã huy động 1.854.360 ngày công. Thị xã Tuyên Quang có một đoàn xe đạp thồ, cả người và xe làm nghĩa vụ dân công phục vụ chiến dịch.

Công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh: Để đảm bảo tốt công tác đón và chăm sóc thương, bệnh binh từ chiến trường chuyển về, Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo chính quyền xây dựng 6 trại điều dưỡng cho 500 thương, bệnh binh; đồng thời động viên Nhân dân chuẩn bị cơ sở vật chất để đón thương, bệnh binh về làng chăm sóc. Năm 1953, tỉnh đã đưa được 44 thương, bệnh binh về làng, vượt mức cấp trên giao. Đây là hoạt động có ý nghĩa thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và tinh thần tương thân tương ái, nghĩa đồng bào, làm cho các chiến sĩ ngoài mặt trận yên tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Duy Đức (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục