Những “đôi chân tròn”

- Những ngày này thật có ý nghĩa đối với bà Phan Thị Để, 64 tuổi, thôn Cả, xã Tân Trào (Sơn Dương). Bà Để và 488 người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vừa được Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi Việt Nam (ASVHO) phối hợp với Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi tỉnh trao tặng xe lăn. Những chiếc xe cùng bao nghĩa tình đã giúp bà Để và nhiều mảnh đời bất hạnh vơi bớt khó khăn, có thêm niềm tin, vươn lên trong cuộc sống.

Tiếp thêm nghị lực

Tại buổi trao tặng xe lăn cho người khuyết tật huyện Sơn Dương, mắt bà Để rưng rưng. Bà nghẹn ngào kể về số phận éo le của đời mình. Vào đầu tháng 5 -2010, khi đang ngồi nói chuyện với các con, bà bị huyết áp cao rồi bị tai biến, liệt cả chân phải và tay phải, không thể đi lại được. Hơn 12 năm qua mọi sinh hoạt của bà đều phải nhờ người thân hỗ trợ. Vì các con bà đều có gia đình, lại ở xa, nhà lại chỉ có hai vợ chồng nương tựa vào nhau. Công việc của chồng bà không ổn định, ai thuê việc gì thì làm việc đó, diện tích đất canh tác ít. Thương vợ đi lại vất vả nên chồng bà chỉ loanh quanh ở nhà, ai thuê việc gì làm việc đó để có điều kiện chăm sóc vợ.

Đồng chí Trần Thị Dung, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam trao tặng xe lăn cho bà Phan Thị Để, thôn Cả, xã Tân Trào (Sơn Dương).

Bà Để bảo: “Tôi mừng lắm, hôm nay tôi được Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi Việt Nam (ASVHO) phối hợp với Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi tỉnh trao tặng xe lăn. Có xe lăn, tôi có thể di chuyển thuận lợi hơn để làm việc, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và người thân”. Bà Để coi chiếc xe như người bạn đồng hành trong cuộc sống, giúp bà được hòa nhập với cộng đồng.

Nhìn chiếc xe lăn mới với gương mặt phấn khởi, chị Đỗ Kim Anh, 52 tuổi, tổ 9, phường An Tường (TP Tuyên Quang) chia sẻ, chị bị liệt từ khi mới sinh ra, chị chưa từng được đứng và bước đi trên đôi chân của mình. Tuổi thơ của chị trôi qua với những giọt nước mắt buồn tủi. Chứng kiến sự vất vả của cha mẹ và người thân mà chị không giúp đỡ được nhiều vì đôi chân tật nguyền. Từ nhỏ, nếu muốn vận động chị đều phải nhờ vào sự hỗ trợ của cha mẹ và người thân trong gia đình. Năm 15 tuổi chị được tặng một chiếc xe lăn, nhưng do dùng quá lâu ngày xe bị xuống cấp nên khi di chuyển gặp không ít khó khăn. Nay được tặng chiếc xe mới, chị vui lắm, vì từ nay chị chủ động hơn với sinh hoạt hàng ngày.

Bị tai biến, mắc bệnh đa khớp, chân tay thường xuyên đau nhức, vì thế nhiều năm nay việc đi lại của bà Nguyễn Thị Nhị, thôn 3 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) gặp rất nhiều khó khăn. Vừa qua, bà được Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi tỉnh tặng xe lăn. Khuôn mặt bà Nhị rạng rỡ hẳn khi nói về việc được tặng xe lăn. Bà nói: “Chiếc xe lăn này có thể thay thế đôi chân để tôi tự đi lại mà không cần đến con cháu phải giúp đỡ. Tôi cũng làm được một số việc nhà, đỡ đần con cháu. Các con, cháu tôi cũng mừng và yên tâm hơn khi đi làm xa, không có mặt ở  nhà”.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Cảm thông, chia sẻ thấu hiểu được mong muốn, khát khao được làm chủ cuộc đời của những người khuyết tật, thời gian qua, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi tỉnh phối hợp với các ban, ngành đoàn thể các cấp trong tỉnh đã vận động hỗ trợ để tặng nhiều xe lăn, giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh có điều kiện hòa nhập cuộc sống.

Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi tỉnh tặng xe lăn cho người khuyết tật xã Yên Phú (Hàm Yên).

Bà Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 30.000 người khuyết tật và trẻ mồ côi. Trong đó, có 22.045 người khuyết tật. Số người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng là 11.486 người. Đa số người khuyết tật sống trong điều kiện khó khăn về kinh tế, đi lại, vận động khó khăn. Chính vì vậy, Hội luôn tích cực tuyên truyền, vận động kêu gọi doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh giúp đỡ người khuyết tật bằng nhiều hoạt động ý nghĩa. Nổi bật nhất là hoạt động xã hội hóa để trao tặng xe lăn cho người khuyết tật. Và con số 932 xe lăn, xe lắc trao tặng cho người khuyết tật tại các huyện, thành phố với tổng trị giá trên 4,1 tỷ đồng là minh chứng cụ thể cho hoạt động nghĩa tình này trong năm 2019.

Sơn Dương là huyện có số người khuyết tật nhiều với 2.990 người. Việc trao tặng xe lăn của các tổ chức, cá nhân đã giúp người khuyết tật vơi bớt khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đồng chí Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, từ năm 2004 đến nay, các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh đã trao tặng 163 xe lăn cho người khuyết tật trên địa bàn huyện. Với những người khuyết tật chiếc xe lăn chính là món quà quý giá, thiết thực, đầy ý nghĩa để họ vươn lên trong cuộc sống. Đây là một hoạt động ý nghĩa xã hội, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, tấm lòng, sẻ chia khó khăn của cả cộng đồng đối với người khuyết tật, nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi tỉnh tặng xe lăn cho người khuyết tật xã Minh Thanh (Sơn Dương).

Phát biểu tại chương trình trao tặng xe lăn cho người khuyết tật tỉnh, đồng chí Trần Thị Dung, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam cho biết: “Chương trình trao tặng xe lăn cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được Hội phối hợp với các tổ chức nhân đạo, từ thiện trao tặng nhiều năm qua là hoạt động trọng tâm và thường xuyên của Hội nhằm chia sẻ khó khăn với người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật. Khi trao tặng xe lăn, chúng tôi mong muốn được cùng sẻ chia khó khăn với người khuyết tật để họ vơi bớt gánh nặng cho gia đình, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng cũng như góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội”.

Những chiếc xe lăn nghĩa tình của các tổ chức, cá nhân trao tặng cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh sẽ thay cho những đôi chân tật nguyền, tạo cho người khuyết tật có thêm động lực tiến về phía trước mạnh mẽ, tự tin hơn.

Phóng sự: Minh Thủy

Tin cùng chuyên mục