Nàng Then của bản

- Giữa cái nắng mùa hè, tiếng hát tiếng đàn của những thành viên Câu lạc bộ hát Then đàn Tính Hương Tràm, xã Tân Long (Yên Sơn) vấn vít trong nắng. Nguyễn Thị Cánh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ vừa lau mồ hôi, vừa tận tình hướng dẫn từng người cách luyến láy, ngân nga, lên dây đàn sao cho tiếng trong và êm nhất. Với người trong bản, Cánh là Nàng Then, một lòng giữ và truyền lửa đam mê đến với mọi người.

Từ giấc mơ ngày nhỏ…

Nguyễn Thị Cánh quê gốc ở xã Thúy Loa (Na Hang). Về định cư ở Tân Long sau khi công trình Thủy điện Tuyên Quang được xây dựng khi là cô bé lớp 7, nhưng Cánh đã sớm có ước mơ vẫy vùng với nghệ thuật.

Cánh bảo, nhà quê nghèo, nhưng không hiểu sao em cứ muốn mình được đứng trên sân khấu, được múa được hát. 13 tuổi, trong khi lũ bạn cùng làng vẫn lội suối, tắm sông cho qua cả mùa hè, thì Cánh đã xin phép cha mẹ, tự đạp xe sang Cung thiếu nhi ở thành phố tìm lớp học múa, học hát.

Một lần, trong lúc đang nghỉ giải lao giữa giờ học, các thầy cô mở kênh truyền hình địa phương và hình ảnh Nghệ nhân dân gian Hà Văn Thuấn ở Tân An (Chiêm Hóa) cất lời hát Then ngọt ngào Thăm lán Nà Nưa, cô bé như bị cuốn vào từng thanh âm, như trở về miên man với núi với rừng. Cánh bảo, mặc dù là người Tày, nhưng lâu nay ở quê, Then thường chỉ được biết đến khi thực hiện các nghi lễ tâm linh. Tiếng đàn Tính, lời Then vì thế cũng thiêng liêng và ít người biết. Người già, người lớn tuổi ở Thúy Loa ngày ấy thường hát Cọi, hát Lượn nhiều hơn.

Nguyễn Thị Cánh.

Chính vì thế, lần đầu tiên được nghe tiếng Then, tiếng Tính trong trẻo, Cánh như bị mê hoặc. Em hỏi các thầy cô dạy âm nhạc ở Cung thiếu nhi về nhạc cụ, về ý nghĩa điệu hát, mới biết đây là làn điệu truyền thống của người Tày. Cánh ngạc nhiên lắm. Sao người Tày mình có cây đàn Tính độc đáo thế, lời hát Then truyền cảm và ý nghĩa thế mà mình không biết. Thấy Cánh say mê, các thầy cô trực tiếp kết nối với thầy Thàm Ngọc Kiến dạy Then, đàn Tính, và bắt đầu đi với đam mê từ ấy.

Sự tận tụy của thầy đã truyền lửa cho cô học trò nhỏ. Ngày đấy cha mẹ đều bận rộn, để được theo học thầy Kiến, không rõ động lực từ đâu mà mỗi ngày cuối tuần, Cánh miệt mài đạp xe hơn 12 km từ Tân Long ra thành phố Tuyên Quang để học. Có hôm ra đến lớp, mồ hôi ướt đẫm người, nhưng nghe tiếng đàn tính vang lên, Cánh lại quên hết mệt mỏi, lăn vào lớp học.

Thấy Cánh say mê như thế, thầy Thàm Ngọc Kiến cũng không tiếc sức mình, truyền dạy cho em từ cách lên dây đàn, nhấn giọng, luyến láy sao cho tiếng hát, tiếng đàn hòa quyện và nhịp nhàng. Chiếc đàn Tính đầu tiên Cánh có, cũng là chiếc đàn mà thầy Kiến cho mượn.

Ngày đấy, để cha mẹ không phiền lòng mà “cắt” suất học thêm với thầy,  chỉ  khi làm hết việc nhà, học hết bài ngày mai, em mới dám ôm đàn luyện để không quên bài.

Tốt nghiệp THPT, Nguyễn Thị Cánh thi đỗ Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Việt Bắc, sau này, em học liên thông lên Đại học. Đam mê với tiếng Then, tiếng Tính nhờ thế được tôi luyện một cách bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn.

Nguyễn Thị Cánh trong một MV về Then thực hiện tại xã Thổ Bình (Lâm Bình).

Truyền lửa đam mê

Cánh lập một kênh Youtube, 1 trang mạng xã hội, lấy tên Nàng Then. Nhiều bài hát được chia sẻ lên kênh đã đạt con số hơn 625 nghìn lượt xem, các kênh cũng đã thu hút hơn 6 nghìn lượt đăng ký theo dõi.

Nàng Then, là để chỉ những người nữ làm Then. Cánh bảo, khi mình lựa chọn đặt tên này, tức là mình đã xác định, dù có khó khăn như thế nào, sẽ luôn trước sau thủy chung với nghề, tận tâm, tận lực để tiếng Then thực sự là tiếng hát của Trời ban tặng cho con người, mỗi ngày sức sống lại càng mãnh liệt và hào sảng hơn trước. Chẳng thế, mà gần 20 năm bén duyên với tiếng hát thần tiên ấy, Cánh chưa một lần nào nghĩ đến chuyện từ bỏ, dẫu chuyện giữ lửa nghề, sống được với nghề đôi khi cũng làm em đắn đo.

Nhưng giờ, Cánh không để tâm nữa. Cảm giác như “sứ mệnh” truyền dạy của mình phải được thực hiện, để mỗi năm, thêm nhiều lứa học sinh biết đến cội nguồn của mình là niềm vui, động lực. Ở thôn 8, xã Tân Long, Nguyễn Thị Cánh cũng đứng ra thành lập một Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính, đặt tên là Câu lạc bộ Hát Then đàn Tính Hương Tràm với hơn 20 thành viên, là hội viên phụ nữ tham gia.

Những ngày này, Nguyễn Thị Cánh tất bật khi ở Tân Long, khi Tân Trào (Sơn Dương) rồi Lâm Bình… Hầu hết các lớp học đều được truyền dạy miễn phí, học trò chỉ hỗ trợ phần nào tiền ăn ở, đi lại cho cô giáo.

Những lớp Then, đàn Tính được các địa phương chú tâm khôi phục và phát triển, Cánh cũng có nhiều cơ hội để truyền lửa đam mê của mình đến các thế hệ học trò. Đặc biệt, du lịch phát triển, cơ hội cho hát Then, đàn Tính cũng ngày càng rộng mở hơn. Như ở Lâm Bình, hay Tân Trào (Sơn Dương), tiếng Then, đàn Tính đã được thực hành nhiều hơn mỗi khi có khách du lịch, nên những lớp học hát Then của cô giáo Cánh cũng ngày một nhiều và đông học viên hơn.

Một buổi luyện tập của thành viên trong Câu lạc bộ hát Then đàn Tính Hương Tràm.

Hè này, xã Thổ Bình (Lâm Bình) mời Cánh dạy lớp Then, đàn Tính cho các em nhỏ. Lớp hơn 20 học viên, chủ yếu là các em nhỏ lớp 3, lớp 4, địa bàn cũng không bó hẹp ở Thổ Bình mà có cả học viên ở Bình An, Phúc Yên… Nhiều em nhỏ ban đầu còn bẽn lẽn, sáng cha mẹ đưa đến lớp, chiều đón về, sau thấy cô giáo Cánh nhiệt tình, lại muốn được ở lại học thêm với cô nhiều hơn, nên cô ở đâu, trò ở đấy, cuối tuần mới về với bố mẹ.

Cái hay của lứa học trò nhỏ này là tình yêu với hát Then, đàn Tính trong trẻo như chính lứa tuổi của chúng vậy. Cô dạy đến đâu, trò thuộc đến đấy. Vừa rồi, cô bé Ma Thị Thu Hiền, cô học trò nhỏ tuổi nhất lớp (8 tuổi), đã chọn hát Then để đăng ký tham gia một cuộc thi tài năng ở Hà Nội. Cô bé này cũng được gia đình tạo một tài khoản Youtube, và bắt đầu đưa một số bài hát của em và các bạn lên kênh, quảng bá văn hóa truyền thống cho nhiều người được biết.

Như lớp học đầu năm ở Tân Trào, khi đưa các em đến với lán Nà Nưa, đình Tân Trào, được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp quê mình, Cánh đã có dự định sẽ thực hiện 1 MV về Then một cách chỉn chu nhất để lan tỏa điệu hát truyền thống của dân tộc mình và cảnh đẹp quê hương đến với đông đảo người xem. Và em cũng hi vọng, ở mỗi địa phương nơi em đến dạy hát, em sẽ thực hiện một MV như vậy.

“Cũng là cách trao truyền văn hóa, nhưng chỉn chu và chuyên nghiệp hơn” - Nàng Then Nguyễn Thị Cánh chia sẻ thế!.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục