Nặng lòng với Nhất chi mai

Thanh tao, cao quý nhưng vẫn e ấp một vẻ đẹp thuần Việt bình dị là những mỹ từ mà người ta hay ca ngợi về loài hoa nhất chi mai. Tại Tuyên Quang, đã có một người phụ nữ ở huyện Hàm Yên nhân giống và trồng thành công giống mai độc đáo này. Từ đôi bài tay chai sạn, bà đã tạo nên một gia tài đồ sộ với hàng vạn gốc mai quý, mỗi độ Tết đến, xuân về lại mang sắc hoa tới mọi miền đất nước.

Ngày còn trẻ, bà Nguyễn Thị Vượng, ở tổ dân phố Tân Phú, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên là một cô bộ đội nhỏ nhắn, nhưng rắn rỏi, đã từng kiên cường chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang vào thời điểm chiến tranh khốc liệt nhất. Đến năm 1980 bà mới xuất ngũ trở về địa phương và công tác tại Lâm trường Hàm Yên cho đến khi nghỉ hưu.

Nhất chi mai mang vẻ đẹp thuần khiết.

Bà tự nhận mình là một người yêu cây, mỗi một chồi non qua tay bà đều được chăm sóc, vun vén cho đến khi trưởng thành, đơm hoa, kết quả và cũng từ chính tình yêu với cây lá ấy đã mang tới cho bà mối “duyên lành" với loài hoa nhất chi mai. 17 năm về trước trong một lần đi chợ hoa Tết, nhìn thấy người ta bán hoa nhất chi mai bà ngay lập tức bị thu hút. Cây như cây đào, thân xù xì, phân nhiều nhánh nhỏ, hoa trắng muốt, bé xinh trên cành cây khẳng khiu. Hoa không to như hoa đào, chỉ lớn hơn một chút so với hoa mơ, hoa mận nhưng lại sở hữu rất nhiều lớp cánh, khi còn là nụ, chúng có màu hồng nhẹ pha chút trắng. Thời điểm ấy, những cây hoa này có giá đắt đỏ, gấp nhiều lần so với các loại hoa Tết khác nhưng trước vẻ đẹp của nó bà đã mua về nhà để được ngắm nhìn nhiều hơn.

Bà Nguyễn Thị Vượng đã có 17 năm kinh nghiệm trồng và chăm sóc nhất chi mai.

Về đến nhà, qua quan sát bà lại hiểu hơn nét độc đáo của nhất chi mai, những bông hoa rực rỡ trắng tinh khôi là khi mới nở, khi sắp lìa cành sắc hoa sẽ chuyển đỏ hồng rồi mới rụng xuống chứ không héo rũ trên cành. Một lần nở bông hoa khoe ra hai sắc màu tinh túy nhất của mình.

Nhất chi mai mang màu trắng tinh khôi khi mới nở và chuyển đỏ hồng khi sắp rụng.

“Phải lòng” quốc sắc thiên hương, bà quyết tâm “tầm sư học đạo”. Sau khi biết cây hoa mình mua có xuất xứ từ Sơn Tây (Hà Tây cũ) bà đã thu xếp để đi tìm làng hoa và học nghề trồng nhất chi mai. “Xuống đến Sơn Tây, thấy họ trồng được giống hoa quý này tôi gần như mất ăn, mất ngủ, lúc nào cũng háo hức theo chân chủ vườn học hỏi, thấy tôi tuổi đã cao, lại lặn lội đường xá xa xôi người ta cũng truyền lại hết kinh nghiệm cho. Lúc ấy tôi vui và hạnh phúc lắm” - bà Vượng đã chia sẻ về chuyến đi xa học nghề trồng hoa của mình ngắn gọn vậy, nhưng chúng tôi hiểu, với một người cao tuổi như bà, chuyến đi ấy chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên với tình yêu dành cho loài hoa quý bà đã quên đi hết những nhọc nhằn.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Vượng chăm sóc nhất chi mai khi đã lên chậu cho vụ Tết.

Trở về Hàm Yên, với kiến thức thu hoạch được cùng cây mai mua trước Tết, bà bắt đầu mày mò nhân giống với hy vọng cây sớm đâm chồi nảy lộc, bén rễ, bén đất, bén người xứ Tuyên.

Năm nay, ở tuổi 67, gần với với cái tuổi mà dân gian thường ví là “thất thập cổ lai hy” bà Vượng vẫn vô cùng mạnh khỏe, tay cuốc, tay xẻng chăm cả vườn nhất chi mai rộng lớn. Bà cùng người bạn đời của mình là ông Trần Trung Đông đã kiến tạo nên cả một “vương quốc” riêng của loài mai quý, đến nhà bà vào ngày này đơn hàng đóng mai đi khắp cả nước đang được khẩn trương hoàn thành, có những cây mai 15, 20 triệu đồng được một số ngôi chùa lớn ở thành phố Hồ Chí Minh đặt từ giữa năm, nay chuẩn bị được chuyển đi. Theo mỗi chuyến hàng, hoa nhất chi mai của Tuyên Quang đã chinh phục, làm say đắm bao khách phương xa.

Các đơn đặt hàng hoa nhất chi mai được ghi chép cẩn thận để gửi đi khắp mọi miền đất nước.

Thành công của hôm nay gắn liền với mối duyên của 17 năm trước, hồi ấy bà Vượng nhân giống cứ 10 cây chỉ được 3, 4 cây ra rễ, tuy nhiên cây cũng rất chậm lớn, còi cọc. Không nản lòng, bà tiếp tục vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhất chi mai không ra quả nên việc nhân giống hoàn toàn dựa vào giâm cành. Thú vị ở chỗ, cây quý nhưng giâm cành rất dễ, hầu như không hỏng, thời gian đầu bà thất bại chủ yếu do chưa chọn cành chuẩn, khí hậu bất lợi nên cây khó sống. Sau 2 năm nhân giống liên tục, bà đã có một vườn cây ổn định và làm chủ được cách ươm cây, lúc này ông bà bắt đầu chuyển sang chăm sóc, tạo hình, tạo tán cho mai.

Mùa xuân là thời điểm nhất chi mai trở nên rực rỡ nhất.

Ông Trần Trung Đông, chồng bà Vượng, cũng là một cựu chiến binh từ mặt trận Vị Xuyên ngày ấy đã cùng bà tìm tòi cách chăm nhất chi mai để tạo ra những cây có phẩm chất tốt, có dáng và thế đẹp để phục vụ người dân chơi Tết.

Hoa mai được đóng hộp cẩn thận trước khi vận chuyển đi xa

Ông Đông chia sẻ: “Nhất chi mai chơi hoa là đương nhiên nhưng người sành sỏi họ quan tâm đến cả bộ rễ, bộ rẽ mai màu đen chắc khỏe nổi trên đất, đan xen vào nhau mới là cây đẹp. Để làm được điều này tôi trồng một nửa bầu cây xuống đất, đắp đất xung quanh gốc rồi chăm sóc, phần thân bên trên thì uốn tạo thế. Đến cuối năm khi đánh bầu ra, bóc tách lớp đất xung quanh để lộ ra một phần bộ rễ nổi lên mặt đất vô cùng đẹp mắt, tạo cảm giác cây cổ thụ bonsai”.

Niềm vui của bà Vượng khi tỉ mỉ đóng từng chậu hoa cho khách.

Ông bà bảo, hai vợ chồng bằng tuổi nhau nhưng không có chuyện “nằm duỗi mà ăn" đâu, theo nghề trồng hoa này vất vả lắm, quanh năm cứ phải gắn bó với cây thôi. Từ tháng 11 âm lịch đến tháng Chạp bắt đầu đóng cây để ship đi các tỉnh, cây được đánh bầu, mang về nhà rồi 2 ông bà lại cặm cụi ngồi đóng vào từng giỏ hàng. Chuyển cây đi xa, lại là cây có giá trị cao nên phải vô cùng cẩn thận, gãy 1 cành, rụng 1 nụ cũng làm giảm giá trị của cây. Cũng chính vì vậy, cây không chỉ được đặt trong giỏ nhựa, bao bìa cac ton mà còn có một khung gỗ bao ngoài kiện hàng cho chắc chắn.

Niềm vui của bà Vượng khi tỉ mỉ đóng từng chậu hoa cho khách.

Sau tháng Giêng thì đến mùa ươm cây và bán cây giống, từ vườn của ông bà, hàng vạn cây giống đã được xuất bán, dù mua lẻ hay mua buôn ông bà cũng đều vui lòng bán cho khách để ai không có điều kiện mua cây đắt tiền có thể tự mua cây con về chăm sóc. Riêng những tháng hè nắng nóng, ông bà không bán cây giống nữa bởi lúc này cây mà đóng thùng, bị nóng sẽ chết khi đến tay khách hàng.

Nhất chi mai được coi là “vua” của những loài hoa Tết.

Những tháng giữa năm là lúc chăm cây, tạo thế, để đáp ứng nhu cầu hàng nghìn cây nhất chi mai đủ tiêu chuẩn bán vào Tết Nguyên đán, ông bà gần như ít khi nào ngơi nghỉ. Bà Vượng cười bảo, nghe kể thì thấy ông bà vất vả nhỉ, nhưng “bộ đội thế là thường”, khi nào còn khỏe mạnh là bà vẫn làm, vẫn gắn bó với nhất chi mai. Ban ngày bận thế nhưng tối đến bà vẫn tham gia sinh hoạt câu lạc bộ bóng chuyền hơi, dân vũ, không vắng mặt bao giờ.

Ngoài nhất chi mai, gia đình bà Vượng còn trồng và nhân giống thêm đào thất thốn.

Mấy năm về trước, cùng các con, các cháu đi Sa Pa du lịch bà lại một lần nữa say lòng với đào thất thốn và đã mang giống đào này về trồng. Nhờ kinh nghiệm có được từ trồng mai, bà có khởi đầu thuận lợi với đào thất thốn, cây sinh trưởng tốt và cho hoa to, rực rỡ, lâu tàn. Đến nay bà có cả giống đào thất thốn bích kép và phai kép cho giá trị kinh tế cao, một gốc đào con từ 15 đến 20 cm có giá từ 250 nghìn đồng. Với cây to hơn có giá từ 2 triệu đồng trở lên nhưng luôn cháy hàng.

Từ nhất chi mai bà Nguyễn Thị Vượng đã viết nên câu chuyện thành công ở tuổi xế chiều.

Từ nhất chi mai, từ tình yêu hoa cỏ, bà Nguyễn Thị Vượng đã viết nên câu chuyện thành công ở tuổi xế chiều, một cựu chiến binh với tinh thần không ngại gian khó luôn vững bước đi lên. Mỗi cây mai Tết có giá trị không nhỏ, từ 2 đến 3,5 triệu đồng mà cây nào cũng đều có người đặt trước từ sớm, ông bà chăm khéo, cây vào đến miền Nam, gặp nắng, gặp gió vẫn bung hoa đồng loạt, mỗi cây khoe sắc hơn cả tháng mới tàn.

Mỗi cây nhất chi mai vào dịp Tết có giá từ 2 triệu đến hàng chục triệu đồng.

Ông bà có 3 người con gái, các con, các cháu đều hiếu thảo, luôn quan tâm, chăm sóc ông bà, người con gái thứ ở Sơn Dương hiện cũng đang trồng nhất chi mai với số lượng lớn. Các cháu còn giúp ông bà bán hàng trên Facebook, Zalo và một số sàn thương mại điện tử, nhiều đơn hàng mới cũng từ đây mà có, mỗi lần thấy khách khoe ảnh hoa và khen cây nhà mình ông bà vui lắm.

Nhất chi mai là loài hoa thanh cao được nhiều người chơi hoa yêu thích.

Qua mỗi năm, nhất chi mai lại được thị trường đón nhận nhiều hơn, hoa Tết trong mỗi nhà bên cạnh sắc thắm hoa đào, sắc vàng của mai miền Nam thì nay có thêm sắc trắng điểm hồng của nhất chi mai. Và đặc biệt, rất nhiều cây nhất chi mai đang tỏa sắc hương khắp 3 miền đất nước xuất phát từ mảnh đất Hàm Yên, từ người nữ cựu chiến binh tài hoa, cần cù, chịu khó Nguyễn Thị Vượng.