Mãi xanh cùng cây lá Trường Sơn

- Giữa những ngày tháng 7 thiêng liêng, Đoàn cán bộ Báo Tuyên Quang đã vượt gần 600 cây số mang theo tấm lòng thành kính tới tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong toàn quốc và anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

“Xanh khoảng trời con gái”

Đến với địa danh lịch sử này, Đoàn chúng tôi ai cũng không nén được sự bồi hồi, xúc động. Giọng thuyết minh của anh Đào Anh Tuân lúc trầm bổng, khi sâu lắng như đưa chúng tôi trở về với ký ức tại Ngã ba Đồng Lộc cách đây 54 năm về trước. Là “yết hầu” của mạch giao thông nối liền "hậu phương lớn miền Bắc" với "tiền tuyến lớn miền Nam" nên Mỹ đã tập trung toàn lực để cắt đứt con đường này.

Đoàn đại biểu Báo Tuyên Quang dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Huy Hoàng.

Trong vòng 7 tháng (từ tháng 4 đến tháng 10-1968), Mỹ ném bom trên 2.000 trận với gần 50.000 quả bom các loại. Mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, ngày nhiều nhất là 103 lần bay, trên 800 quả bom. Suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn, đến nỗi không một bóng cây, ngọn cỏ nào đủ sức mọc lên. Để giao thông được thông suốt, hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống, trong đó, phải kể đến sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, C552-Tổng đội 55. Các chị đều sinh ra và lớn lên trên quê hương Hà Tĩnh, người trẻ nhất là chị Võ Thị Hà, lúc hy sinh chị vừa tròn 17 tuổi, người lớn tuổi nhất cũng chỉ mới 24 tuổi.

Chị Hoàng Thị Ánh Mai có giọng thuyết minh sâu lắng, vận trang phục màu xanh áo lính, đội mũ tai bèo, đi dép quai hậu như thể các chị TNXP ngày ấy, dẫn từng đoàn đến hố bom, nơi 10 cô gái TNXP năm xưa bị chôn vùi. Giọng Mai nấc nghẹn: Đó là ngày 24-7-1968, máy bay Mỹ liên tục dội bom xuống ngã ba Đồng Lộc, mặt đường 15A nham nhở các hố bom. Nhận lệnh của đại đội, khoảng 12h trưa, Tiểu đội 10 cô gái do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng còn chưa kịp ăn cơm, các chị chia nhau từng nắm mỳ luộc rồi vác lên vai cuốc xẻng vừa cười nói, vừa í ới gọi nhau ra mặt đường đào đất, bê đá, san lấp hố bom mở đường tránh. Công việc của các chị chủ yếu làm ban đêm, nhưng để đảm bảo cho một đoàn xe chi viện đặc biệt đêm đó đi qua an toàn, các cô gái gan dạ bất chấp tính mạng lao ra ngoài làm nhiệm vụ giữa cái nắng chói chang trưa hè. Dưới đất các chị làm việc, "đội” trên đầu là máy bay trinh sát của giặc Mỹ trút bom. Nhiều lần tiểu đội bị bụi đất, khói bom phủ kín. Bằng tiếng hát át tiếng bom, các chị quyết tâm thông suốt tuyến đường 15A trong đêm. Lượt bom định mệnh thứ 15 lúc 16h cùng ngày, tốp máy bay địch kéo đến trút bom vào nơi các chị làm nhiệm vụ buộc họ phải lánh vào một căn hầm chữ A gần đó. Không may, một quả bom trong số đó rơi ngay trước cửa hầm và sập xuống bao trùm lên các cô. “Tiếng bom ngớt, 5 phút, rồi 10 phút trôi qua không thấy các cô gái lao ra san lấp hố bom như mọi khi, đồng đội đã tỏa đi tìm. Nhưng họ mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình”. - Giọng người thuyết minh trầm hẳn xuống, nhiều người mắt đã đỏ hoe. Xúc động và cảm thương khi nghe tấm gương chị Hồ Thị Cúc, 3 ngày sau đồng đội mới tìm thấy chị trong tư thế ngồi ngả bên chiếc cuốc, đầu đội nón.

Lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo Tuyên Quang viếng mộ 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong ở Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngã 3 Đồng Lộc. Ảnh: Huy Hoàng.

Đặc biệt, mười đầu ngón tay của chị đã bầm tím, trầy xước. Có lẽ khi bị đất vùi sâu dưới đáy hầm, chị đã dùng mười đầu ngón tay cố bới đất tìm đường sống để tiếp tục nhiệm vụ cao cả của người chiến sỹ. Nhưng chị cũng như bao đồng đội đã hy sinh anh dũng cho Tổ quốc, cho màu xanh nơi Ngã ba Đồng Lộc hôm nay. Câu chuyện về 10 nữ TNXP - một khúc ca bi tráng hết sức khâm phục và cảm động.

Khẩu hiệu “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng, nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắc” đã thắp lửa cho lời thề quyết tử của những thanh niên xung phong và biết bao lực lượng làm nhiệm vụ ở Ngã ba Đồng Lộc.

Câu chuyện về sự hy sinh của 10 nữ TNXP cùng anh linh của các chiến sỹ ngã xuống nơi đây đã làm nên biểu tượng về một Đồng Lộc linh thiêng, bất tử.

Khúc tráng ca bất tử

Tháng 7, trời Can Lộc trong xanh vời vợi. Từ sáng sớm, đường về Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc đã nhộn nhịp những đoàn xe. Trong dòng người ấy có những cụ già, thân nhân liệt sỹ, những cựu chiến binh, thương binh và đông đảo học sinh, sinh viên, thanh niên từ mọi miền đất nước.

Đoàn cựu thanh niên xung phong xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) viếng mộ 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong ở Ngã 3 Đồng Lộc. Ảnh: Huy Hoàng.

Chị Lê Thị Thu Hiền, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh vượt gần 1.400 km về thăm Đồng Lộc với nhiều xúc cảm, chia sẻ: “Từng biết về Ngã ba Đồng Lộc qua những bộ phim, câu chuyện chiến đấu anh dũng của các lực lượng, nhất là 10 nữ anh hùng thanh niên xung phong tại đây đã thôi thúc tôi đến với mảnh đất này. Hôm nay, ước mơ, tâm nguyện tự tay mình dâng lên mộ người đã khuất nén hương thơm, bông hoa trắng đã trở thành hiện thực. Ở đây, tôi càng hiểu hơn trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước”.

Trong cái nắng của miền Trung, trong khói hương trầm mặc, từng dòng thông tin trên những tấm bia mộ như khắc vào tâm tư người đến thăm nỗi xúc động, lưu luyến. Trò chuyện cùng những du khách đến với Đồng Lộc, chúng tôi cảm nhận được nỗi xúc động, tự hào và cảm phục về tinh thần bất khuất, dũng cảm, kiên cường của mảnh đất và con người Hà Tĩnh.

Anh Đào Anh Tuân, Phó trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc cho biết, trong những ngày tháng 7, trung bình mỗi ngày Khu di tích đón trên 100 đoàn khách và trên 3.000 lượt khách tham quan. Năm  nay lượng khách đến tham quan đông hơn rất nhiều.

54 năm trôi qua, những trọng điểm bắn phá ác liệt ở Ngã ba Đồng Lộc và cung đường 15 huyền thoại giờ đây mang sứ mệnh mở lối về ký ức cho những cựu binh, thanh niên xung phong, cho người dân mọi miền Tổ quốc, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước. 

Người dân đến viếng mộ 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong ở Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngã 3 Đồng Lộc. Ảnh: Huy Hoàng.

10 cô gái Đồng Lộc đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng và Ngã ba Đồng Lộc được công nhận là di tích lịch sử. Hơn thế, Ngã ba Đồng Lộc cùng 10 cô gái thanh niên xung phong đã trở thành khúc tráng ca bất tử trong lòng mỗi người dân Việt Nam và bạn bè thế giới.

Mười đóa hoa bất tử ấy đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân, đã kiên cường chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp của dân tộc và rồi đã hòa vào lòng đất mẹ, vào trời xanh, mây trắng của mảnh đất Can Lộc, Hà Tĩnh anh hùng. Ngày nay, khu mộ của 10 cô gái TNXP đã được xây dựng khang trang trong quần thể các di tích gồm Tượng đài Chiến thắng Đồng Lộc, Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc, Tháp chuông đền thờ Ngã ba Đồng Lộc. Nơi yên nghỉ của các chị nằm dưới hàng thông xanh lộng gió, trong thoang thoảng hương bồ kết, trong ngọt ngào tiếng mẹ ru và trong veo một khoảng trời con gái…

Thắp nén hương thơm cùng những nhành hoa trắng tinh khôi lên phần mộ các chị, mỗi người chúng tôi bày tỏ lòng thành kính, tri ân công lao to lớn của những người nữ anh hùng đã làm nên lịch sử, đã trở thành huyền thoại về tinh thần yêu nước, góp phần tô thắm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. 

Khó mà nói hết được sự hy sinh cao cả của những người lính, cũng như không thể diễn tả hết lòng biết ơn sâu nặng của chúng ta hôm nay về những người đã dâng hiến máu xương cho Tổ quốc. Chúng tôi - những người con quê hương Tân Trào lịch sử xin được góp một nén hương với tấm lòng thành kính thiêng liêng bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ đến các chị, những người đã quên thân mình hy sinh vì quê hương đất nước cùng với những vần thơ của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ:

“Em nằm dưới đất sâu

Như khoảng trời đã nằm yên trong đất

Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng

Những vì sao ngời chói lung linh…”

Ghi chép: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục