Kết nối di sản để phát triển du lịch

- Di sản thiên nhiên và văn hóa được coi là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sự hấp dẫn, độc đáo cho sản phẩm du lịch giữa các vùng miền, địa phương trong nước và giữa Việt Nam với các quốc gia khác.

Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" là hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa, du lịch thường niên của 6 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng và Thái Nguyên. Đây là các tỉnh có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời có truyền thống giao lưu gắn kết tình cảm và phối hợp với nhau trong nhiều lĩnh vực.

Việc liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh vùng Việt Bắc có ý nghĩa quan trọng, là bước đi vững chắc trong việc thúc đẩy tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về mảnh đất, con người, tiềm năng văn hóa, du lịch của 6 tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc. Qua đó thu hút các nhà đầu tư đến liên kết, khai thác tiềm năng phát triển du lịch và thu hút khách du lịch đến với các tỉnh Việt Bắc.

Nằm trong khuôn khổ Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ XIV diễn ra tại tỉnh Tuyên Quang, nhiều hoạt động đặc sắc sẽ được tổ chức như: Liên hoan các Làng văn hóa du lịch cộng đồng 6 tỉnh Việt Bắc; Chương trình "Điện ảnh - Kết nối di sản và du lịch Tuyên Quang" hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023; Chương trình "Trưng bày, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt"; Đêm hội Thành Tuyên năm 2023 và nhiều hoạt động hấp dẫn khác. 

Tuyên Quang, mảnh đất có 22 dân tộc cư trú, ở mỗi cộng đồng các dân tộc đều có những nét văn hóa, phong tục tập quán từ lâu đời, đã được hình thành và phát triển qua hàng trăm năm.

Bên cạnh đó, Tuyên Quang có tổng cộng trên 600 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 182 di tích quốc gia, 259 di tích cấp tỉnh. Không chỉ có sự phong phú về di tích vật thể, Tuyên Quang còn có sự đa dạng, đặc sắc về văn hóa phi vật thể với 17 di sản được công nhận cấp quốc gia. 

Đây là dịp để tỉnh không chỉ giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa độc đáo của tỉnh, mà còn là cơ hội để kết nối đầu tư, hợp tác phát triển với các tỉnh trong khu vực, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh. 

Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, tạo thêm các sản phẩm du lịch hấp dẫn, là điểm đến ưa thích của khách du lịch trong và ngoài nước, từ đó phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Phương Đông

Tin cùng chuyên mục