Hiệu quả hoạt động giáo dục trải nghiệm trong nhà trường

- Thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tăng cường giáo dục trải nghiệm theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của người học với nhiều hình thức phù hợp và đã thu được những kết quả đáng khích lệ.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo

Đồng chí Chẩu Bình Yên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Sơn cho biết, giáo dục trải nghiệm hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc trong nhà trường. Điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, không quy định quá chi tiết. Điều này tạo điều kiện giúp giáo viên phát huy được tính chủ động, sáng tạo, vận dụng phù hợp với tình hình thực tế của mỗi trường. 

 Thầy trò trường THPT Xuân Vân (Yên Sơn) và bài học lịch sử trực quan tại điểm di tích Khe Lau (Yên Sơn).

Cô giáo Trần Thị Thái Ngọc, Phó Hiệu trưởng trường THCS Bình Thuận (TP Tuyên Quang) cho biết: Để giúp học sinh nâng cao kỹ năng sống, định hướng cho các em lối sống lành mạnh, có văn hóa, thời gian qua, trường THCS Bình Thuận (TP Tuyên Quang) đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm sinh động, bổ ích cho các em, giúp các em biết tự giải quyết vấn đề của bản thân, có khả năng ứng phó phù hợp, tích cực trước các tình huống xảy ra trong cuộc sống. Hoạt động trải nghiệm này gắn với sinh hoạt dưới cờ và các tiết sinh hoạt lớp.

Từ những hoạt động này, nhiều suy nghĩ, khúc mắc của các em đều được các thầy cô lắng nghe, tôn trọng, tư vấn phương án giải quyết, nhờ đó đã hạn chế đáng kể những phát sinh tiêu cực, những hành vi thiếu suy nghĩ, giúp các em làm giàu thêm kỹ năng sống, góp phần thích ứng tốt hơn trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại.

Tăng tính tự lập, khả năng thích ứng

Để tăng cường giáo dục trải nghiệm cho học sinh, có vai trò rất lớn của các tổ chức Đoàn trong nhà trường. Anh Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Đoàn trường Phổ thông dân tộc nội trú ATK Sơn Dương cho biết: BCH Đoàn trường luôn tạo mọi cơ hội và điều kiện cho đoàn viên thanh niên sáng tạo, thực hành, trải nghiệm thông qua hoạt động của các CLB, hoạt động ngoại khóa. Đoàn trường luôn bám sát nội dung các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, của địa phương để tổ chức các hoạt động giáo dục, phát triển cho các em kỹ năng thuyết trình, hùng biện như: bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, kỹ năng giao tiếp, bày tỏ cảm xúc, đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các hoạt động văn nghệ, thể thao. Qua đó, giúp các em phát triển các kỹ năng quan sát, nhận thức, tư duy, hướng tới phát triển toàn diện cả thể chất, tinh thần cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.

Thầy giáo Nguyễn Trung Phần, giáo viên dạy Lịch sử của trường THPT Xuân Vân (Yên Sơn), một người luôn tâm huyết với việc trao truyền và nhân lên tình yêu quê hương cho các thế hệ học trò, thầy có những giờ dạy Lịch sử “học đi đôi với hành”. Thay vì để các em ngồi thụ động lắng nghe các giờ học lý thuyết, thầy đã tham mưu với tổ chuyên môn, với Ban Giám hiệu nhà trường, xây dựng kế hoạch, tổ chức cho học sinh đến trực tiếp dọn cỏ, vệ sinh điểm di tích chiến thắng Khe Lau (Yên Sơn) và dạy những bài học lịch sử trực quan cho các em tại di tích, nhờ đó các em học sinh đã có những trải nghiệm thực tế chân thực, xúc động, từ đó biết yêu hơn quê hương mình, tự hào hơn về mảnh đất các em đang sinh sống.

Hướng tới sự phát triển toàn diện cho học sinh, chuẩn bị cho học sinh một số kỹ năng của người công dân có trách nhiệm, thời gian vừa qua, trường THPT Chuyên luôn duy trì có nền nếp, hiệu quả các hoạt động sinh hoạt Chuyên đề dưới cờ đầu tuần. Em Thăng Thu Hiền, Bí thư chi đoàn lớp 10 Tin, trường THPT Chuyên Tuyên Quang cho biết: vừa rồi, lớp 10 Tin của em có thực hiện hoạt động trải nghiệm dưới cờ đầu tuần về chủ đề ô nhiễm môi trường. Quá trình tìm hiểu về thực trạng, nguyên nhân và những tác hại nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường gây ra, không chỉ giúp em và các bạn nâng cao kiến thức, hiểu biết xã hội, mà còn giúp em tích lũy được rất nhiều kỹ năng bổ ích như biết cách tổ chức các hoạt động, từ xây dựng kế hoạch, trách nhiệm trong quản lý, điều hành công việc, năng lực hợp tác, làm việc nhóm... giúp em làm giàu thêm vốn sống và có thêm những trải nghiệm quý giá trong quá trình phát triển, hoàn thiện bản thân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Có thể thấy, việc chú trọng giáo dục trải nghiệm hướng nghiệp, đặc biệt là hoạt động trải nghiệm đã góp phần hình thành nên một lớp trẻ trưởng thành hơn trong nhận thức xã hội, tự tin, giàu kỹ năng thích ứng với thực tế, sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội. 

Bài, ảnh: Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục