Giúp người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống

- Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa nghèo cho nhiều hộ dân nông thôn.

Với 50 triệu đồng được vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện Yên Sơn, anh Nguyễn Văn Hưng, thôn Cô Ba, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) đã đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống phát triển mô hình chăn nuôi dê sinh sản. Anh Nguyễn Văn Hưng cho biết, gia đình chăn nuôi dê từ lâu, tuy nhiên do thiếu vốn nên cũng chỉ dám làm ăn nhỏ lẻ. Rất may có nguồn quỹ hỗ trợ của nông dân, anh mạnh dạn vay để mở rộng quy mô đàn.

Người nghèo xã Trung Minh được hỗ trợ bò theo Dự án.

Theo anh Hưng, dê là loại gia súc dễ nuôi, ít dịch bệnh, sinh sản nhanh; không tốn chi phí mua thức ăn, có thể tận dụng phế, phụ phẩm trong nông nghiệp nên hiệu quả kinh tế cao. Chuồng trại được mở rộng, gia đình sẽ nhân rộng đàn dê từ 12 con hiện nay lên 30 con hoặc hơn nữa. Mở rộng quy mô chăn nuôi chắc chắn sẽ gia tăng hiệu quả kinh tế, anh Hưng khẳng định.

Gần 1 năm tham gia Dự án nuôi vịt bầu đất thương phẩm của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hàng chục hộ dân xã Bằng Cốc (Hàm Yên) cũng đã có thu nhập ổn định. Ông Trương Văn Cường, thôn Đồng Nhật phấn khởi cho biết, tham gia dự án ông đã thay đổi hẳn tư duy, không làm nhỏ lẻ như trước mà phát triển quy mô lớn, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn, chủ động phòng trừ dịch bệnh cho vịt nên vịt lớn nhanh, cho hiệu quả kinh tế cao.

Tháng 8 vừa qua ông xuất chuồng 1 lứa 300 con, cho lãi gần 6 triệu đồng. Hiện gia đình ông Cường đang nuôi lứa kế tiếp, dự kiến sẽ cho xuất chuồng vào dịp Tết. Chăn nuôi vịt đã mang lại sinh kế, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều - ông Cường chia sẻ.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, các hộ tham gia nuôi vịt bầu đất được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi vịt thương phẩm an toàn sinh học, được hướng dẫn ghi chép sổ sách theo dõi quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, trọng lượng xuất bán. Vịt bầu đất dễ nuôi, lớn nhanh, tỷ lệ sống đạt 94%, 3 tháng chăn nuôi vịt trọng lượng đạt 2,4kg/con.

Anh Nguyễn Văn Hưng, thôn Cô Ba, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) được vay vốn để phát triển chăn nuôi dê sinh sản.

Sau khi trừ chi phí, 100 con vịt bầu đất trong mô hình cho lãi trên 1,8 triệu đồng, cao hơn so với 100 con vịt ngoài mô hình trên 750.000 đồng. Theo ông Tuấn, trong năm 2023, Trung tâm khuyến nông tỉnh đã triển khai 10 mô hình, dự án phát triển sản xuất ở những vùng khó khăn.

Không chỉ triển khai các dự án phát triển sản xuất, tỉnh cũng ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo; tăng cường tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động; chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo; nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tạo điều kiện cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đồng thời huy động các nguồn lực để thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu hỗ trợ xóa nhà ở tạm, dột nát cho 3.820 hộ nghèo; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, đào tạo nghề cho lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo… Từ đó góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo. Theo kết quả rà soát cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 40.522 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,9%. Dự kiến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm từ 18,9% xuống còn 15,39%.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục