Giá sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh

- Thời điểm cuối năm, giá sản phẩm chăn nuôi đang ở mức thấp. Các trang trại, gia trại lo lắng sẽ mất Tết nếu giá cứ thấp như hiện nay.

Thông thường, dịp cuối năm, giá gia súc, đặc biệt là lợn sẽ tăng mạnh do nhu cầu cao. Tuy nhiên, năm nay người chăn nuôi đứng ngồi không yên vì giá lao dốc từ tháng 9-10 và neo giữ đến thời điểm này.

Nuôi 15 con lợn phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới nhưng anh Đỗ Văn Chiến, thôn Hưng Thịnh, xã Trường Sinh (Sơn Dương) lại không còn động lực để chăm sóc, vỗ béo đàn lợn. Anh Chiến chia sẻ, giá lợn hơi hiện nay có 46-48 nghìn đồng/1kg, trong khi giá thành để sản xuất ra một kg thịt lợn là 55 nghìn đồng. Chỉ làm phép tính đơn giản cũng đã mất khoảng 600-800 nghìn đồng/con.

Chủ trang trại chăn nuôi lợn Sáng Nhung (bên trái) ký kết cung ứng sản phẩm lợn thịt về thị trường Hà Nội.

Tương tự, gia đình chị Phạm Thị Tuyền, thôn 4 Thái Bình, xã Thái Sơn (Hàm Yên) cũng đang lo lắng mất Tết khi giá lợn hơi không có dấu hiệu nhích lên. Gia đình chị nấu rượu, lấy bỗng nuôi lợn giảm được rất nhiều chi phí mua thức ăn, nhưng với giá lợn như hiện nay thì cũng cầm chắc phần lỗ.

Không chỉ người nuôi lợn, người chăn nuôi gia súc lớn (trâu, bò), gia cầm cũng đang mong chờ giá nhích hơn để lấy công làm lãi.

Trang trại chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cũng đang phải tính toán thật kỹ lưỡng để duy trì đàn bò trên 300 con. Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành chia sẻ, trước chế độ ăn của đàn bò là cám và ngô sinh khối thì nay đã tăng thêm bã bia, bã mía, rơm khô và các nguồn phụ phẩm khác trong nông nghiệp. Theo ông Oanh, tận dụng mọi nguồn thức ăn phần nào giảm được áp lực chi phí đầu vào, song vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ông Oanh hy vọng từ nay đến Tết Nguyên đán, giá trâu, bò thịt sẽ nhích hơn để người chăn nuôi có lãi sau hơn 3 năm cơn bão giá hoành hành.

Theo nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò thịt, năm 2020 giá trâu, bò thịt dao động ở mức 105-110 nghìn đồng/kg hơi, còn hiện tại chỉ còn có 76-77 nghìn đồng/kg, sụt giảm khoảng 28-30 nghìn đồng/kg. Với giá gà thịt gần như không thay đổi từ nhiều năm nay, dao động ở mức 55-110 nghìn/kg tùy vào từng loại gà và quy trình chăn nuôi, tuy nhiên giá thức ăn lại tăng từ 20-30% so với năm 2021 cũng đẩy người chăn nuôi vào tình trạng lỗ vốn.

Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành bổ sung rơm khô vào khẩu phần ăn cho bò để giảm chi phí đầu tư.

Lý giải nguyên nhân giá bò, lợn, gà không có dấu hiệu nhích lên mà khả năng còn giảm mạnh. Anh Đỗ Tài Nguyên, xã Trường Sinh (Sơn Dương) một trong những thương lái chuyên cung ứng lợn hơi cho các lò mổ trong và ngoài tỉnh cho rằng, sức mua trên thị trường hiện khá thấp. Nếu như vào thời điểm này năm ngoái, 3 xe hàng của gia đình chạy liên tục về các thị trường Vĩnh Phúc, Hà Nội thì năm nay luân phiên, mỗi ngày chỉ chạy được 1-2 chuyến. Đặc biệt tại các chợ gần khu công nghiệp sức tiêu thụ giảm hẳn do lượng công nhân, người lao động nghỉ việc nhiều nên việc mua sắm, tiêu dùng rất chậm.

Sức mua giảm sút trong khi nguồn cung dồi dào cũng là một nguyên nhân khiến cho giá sản phẩm chăn nuôi không có dấu hiệu nhích lên trong thời điểm cuối năm. Theo số liệu báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đàn lợn của tỉnh tính đến hết tháng 11-2023 đạt khoảng trên 550 nghìn con, tăng 2,6%; đàn bò trên 41 nghìn con, tăng trên 4% so với năm 2022; đàn gia cầm trên 7,6 triệu con.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2023, chi cục cùng ngành công thương hỗ trợ các chủ thể, hợp tác xã tham gia 5 chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Đơn vị tiếp tục tìm kiếm thị trường, hỗ trợ người chăn nuôi thông tin về thị trường, bảo đảm tiêu thụ kịp thời cho người dân.   

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục