Gánh tròn hai vai

- Ở tuổi ngũ tuần, bà Phan Thị Bắc, thôn 10, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) đã có nửa thời gian làm cán bộ thôn. Nhiệt tình, trách nhiệm, bà vừa là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ vừa là Trưởng ban Công tác Mặt trận của thôn.

Giữ tiếng Sình ca trong thành phố

Nằm ven cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, thôn 10 vẫn giữ được vẻ yên bình vốn có của làng quê ngày nào. Không xô bồ, không vội vã, người Cao Lan ở đây bình yên như từ trước đến nay vẫn vậy.

Sau những hàng cọ bao bọc lấy thôn, tiếng Sình ca tha thiết cất lên như mời gọi khách đến chơi nhà:

"Năm cũ đã qua năm mới đến
Các gia đình đều dán giấy ở cửa
Các cửa đều được dán giấy hết
Gió thổi đua tờ giấy bay bay…"

Câu lạc bộ Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan thôn 10 đã thành lập hơn 13 năm nay, do bà Phan Thị Bắc làm Chủ nhiệm câu lạc bộ.

Bà Phan Thị Bắc, thôn 10, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang).

Điều ít ai biết là bà Bắc hoàn toàn… không biết hát Sình ca. "Từ ngày còn nhỏ, đã được nghe các bà, các mẹ hát Sình ca, từ sình ca giao duyên, Sình ca ru con ngủ… Nhưng có lẽ do không có năng khiếu, nên dù dành thời gian tập luyện, mình vẫn không thể cất được điệu Sình ca cho ngọt, cho mượt mà…".

Năm 2011, khi Hội Phụ nữ xã có chủ trương thành lập các câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan trên địa bàn, bà Bắc cũng phân vân lắm. Thôn 10, 100% là đồng bào dân tộc Cao Lan. Những người biết hát Sình ca, biết múa, biết làm bún và những loại bánh truyền thống còn nhiều, nhưng bảo đứng ra kêu gọi, thành lập thành câu lạc bộ thì chẳng ai mạnh dạn. Khi ấy, bà Bắc là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, bà nghĩ nếu mình không đứng ra vận động, tập hợp thì khó mà thành được.

Câu lạc bộ được thành lập như thế, với số lượng thành viên đông đảo, hơn 50 người. Bà Bắc lên kế hoạch rõ ràng, cụ thể. Người biết hát thì dạy hát, người biết chữ dạy chữ, người biết múa thì dạy múa, người biết làm bánh, làm bún thì dạy làm bánh, làm bún.

Người già có, người trẻ có. Ai biết nhiều hơn cái gì, thì dạy người biết ít hơn cái đấy.

Cứ thế, người nọ nối người kia, tiếng Sình ca lẫn trong tiếng trống sành, cứ len lỏi phía sau nhịp xô bồ của cuộc sống bà con như thế. Dần dà mà thành nếp, thành văn hóa. Bà Lâm Thị Quán, một thành viên của câu lạc bộ cười, những cuộc hẹn ngày cuối tuần đã thành thói quen của người Cao Lan thôn 10 suốt chục năm nay rồi. Đi hát, đi múa, rồi được đi giao lưu, thấy mình như sống lại một thời thanh xuân sôi nổi ngày nào… Tuần nào bận việc không đi được, lại thấy thiếu, thấy nhớ lắm.

Lần đầu tiên, phụ nữ thôn 10 thực hiện phân loại rác và gây quỹ từ rác thải nhựa.

Hoạt động của Câu lạc bộ hiệu quả, vượt ra ngoài "biên giới" của tỉnh. Bà Bắc khoe, sau những thông tin, hình ảnh hoạt động của câu lạc bộ được đăng tải trên mạng xã hội, ngay những ngày đầu năm 2024, đã có người từ Uông Bí (Quảng Ninh) khăn gói lên thôn 10, "tầm sư học đạo" với bà Bắc cả tuần để học cách làm bún cổ truyền của người Cao Lan. Với bà, đây là niềm tự hào, khi văn hóa truyền thống đang được bảo tồn theo cách riêng và ngày càng hiệu quả.

Đến những việc lần đầu tiên

Bà Bắc là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 10.

Nhiều năm "vác tù và”, cái khó của người phụ nữ dân tộc Cao Lan này là nhận thức, trình độ của người dân chưa đồng đều, khiến nhiều phong trào dẫu đã được phát động từ lâu vẫn khó triển khai ở thôn.

Nhất là chuyện giữ vệ sinh môi trường. Chuyện để trâu bò "đi bậy" ra đường vẫn còn. Chuyện để cổng nhà chất đầy rác vẫn khó thay đổi, khi người dân cãi lý "nhà tôi bẩn thì ảnh hưởng đến ai"… Bà Bắc mất nhiều thời gian lắm. Cứ đi từng nhà, tỉ tê với từng người, nhất là người phụ nữ, dần dần mọi thứ cũng thay đổi tốt lên. "Giờ bà con ý thức hơn nhiều rồi, con trâu con bò đi bậy biết thu gom lại để làm phân hữu cơ, nhà cửa, sân, đường cuối tuần bà con tập trung thu gom, dọn dẹp vệ sinh".

Và đặc biệt, thôn 10 lần đầu tiên làm được những việc mà các thôn khác đã làm từ lâu. Đó là thành lập được Câu lạc bộ Dân vũ và gây quỹ từ việc thu gom rác thải nhựa.

 Người dân thôn 10 được bộ đội hỗ trợ lắp đặt cấu kiện kênh mương nội đồng.

Ở Lưỡng Vượng, các thôn đều đã thành lập Câu lạc bộ Dân vũ từ 2 - 3 năm nay, riêng thôn 10, chị em lấy lý do bận việc gia đình, mưu sinh, nên dù đã vận động nhiều lần, vẫn khó tập hợp được chị em. Bà Bắc quyết định thuê một chuyến xe, rủ chị em lên phố đi bộ ở thành phố đêm thứ Bảy, xem các nhóm, các câu lạc bộ ở các nơi về giao lưu. Sau chuyến đi, chị em háo hức lắm. Và giờ, dù là câu lạc bộ thành lập muộn nhất xã, nhưng thôn 10 lại giữ "kỷ lục" là câu lạc bộ thu hút được đông thành viên nhất xã, hoạt động sôi nổi và đều đặn nhất xã.

Rồi chuyện phân loại, thu gom rác thải nhựa gây quỹ. Quý IV-2023, sau một thời gian dài vận động, chị em phụ  nữ ở thôn 10 đã thu gom, phân loại rác thải nhựa và bán gây quỹ được hơn 200 nghìn đồng. Số tiền chưa nhiều, nhưng bà Bắc bảo, chị em ai cũng vui. Nhiều người chia sẻ, hoạt động này giúp họ cảm thấy ấm áp, đoàn kết hơn.

Năm 2023, lần đầu tiên người Cao Lan ở thôn 10 giảm được thời gian ma chay từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Bà Bắc cho biết, kéo dài nhất trong đám ma của người Cao Lan là tục làm nhà xe. Người Cao Lan quan niệm, thời gian này chính là thời gian mà con cái, người thân trả công cho người đã khuất.

Thời gian càng dài, nhà xe càng to càng đẹp, người đã khuất về nơi suối vàng càng đầy đủ… Nhiều  năm vận động, thuyết phục, đặc biệt là trò chuyện thuyết phục các thầy làm lễ, thời gian làm nhà xe trong đám hiếu của người Cao Lan ở thôn 10 đã giảm còn 5 ngày. Bà Bắc bảo, tới đây, sẽ tiếp tục vận động người dân những nội dung nào có thể kết hợp để tiếp tục giảm thời gian ma chay ngắn nhất có thể, vừa tiết kiệm chi phí cho gia đình, vừa phù hợp với thời đại.  

Trong câu chuyện với người phụ nữ hai vai ấy, phảng phất niềm vui và tự hào. Bà bảo, với nhiều người, đó có thể là chuyện nhỏ, nhưng với bà, mỗi phần việc làm được, đều là việc lớn, khi mình kiên trì và không bỏ cuộc.

Hải Hương

Tin cùng chuyên mục