Dưới núi Khau Bươn

- Tháng 7, nắng đổ xuống dãy núi Khau Bươn khiến Làng Khây 1, xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) như huyền ảo hơn. Ở nơi này, cuộc sống bà con dân bản đang có sự chuyển mình mạnh mẽ.

Bảo vệ rừng xanh

Làng Khây 1 nằm giữa thung lũng được bao bọc bởi dãy núi Khau Bươn kỳ vĩ. Anh Ma Văn Danh, Bí thư Chi bộ Làng Khây 1 đón chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu, anh giới thiệu, địa hình thôn phần lớn là đồi núi, vì vậy, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào rừng. Rừng Khau Bươn đã bao bọc, chở che người dân và đồng bào bản Tày nơi đây. Người dân chấp hành tốt hương ước, luật pháp, bởi vậy, bao năm nay, ở Làng Khây 1 không bao giờ có chuyện phá rừng. Thứ người dân Làng Khây 1 tận dụng từ rừng Khau Bươn là những mầm măng vầu ngọt mát và thảo dược chữa bệnh. Đến mùa măng vầu, phụ nữ Làng Khây 1 nô nức gọi nhau vào rừng đào măng mang về bán. Măng trên núi Khau Bươn nổi tiếng về độ mềm, ngọt. Mỗi mùa măng, đây cũng là một nguồn thu đáng kể cho bà con dân bản.

Người dân Làng Khây 1 trồng dưa chuột.

Lớp áo ngoài của dãy núi Khau Bươn là khu rừng sản xuất, hiện nay, một phần diện tích đã được giao khoán cho các hộ dân. Nhiều diện tích rừng tạp kém hiệu quả được người dân chuyển đổi sang trồng trám, trồng xoan. Cánh đồng lúa nằm gọn trong lòng chảo dưới chân núi Khau Bươn luôn bội thu như là món quà mà tạo hóa ban tặng cho đồng bào dân tộc Tày nơi đây vì tấm chân tình của họ với núi rừng này.

Tận dụng lợi thế khí hậu mát mẻ, sẵn nguồn nước trên dãy núi Khau Bươn, 2 năm trở lại đây, người dân Làng Khây 1 chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa chuột. Gia đình chị Ma Thị Hiến là một trong những hộ đầu tiên ở Làng Khây 1 tham gia mô hình trồng dưa chuột. Chị chia sẻ: “Trồng dưa chuột đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng bù lại giá trị cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Năm 2021, gia đình tôi trồng gần 2.000 m2/vụ và duy trì diện tích này đến giờ. Bình quân mỗi vụ dưa, trừ hết công, phân tro, gia đình tôi còn được hơn 20 triệu đồng”.

Chỉ tay lên dãy núi Khau Bươn, Bí thư Chi bộ Ma Văn Danh giới thiệu: trong định hướng phát triển kinh tế của thôn thì nông, lâm nghiệp luôn được xác định là trọng tâm. Được bao phủ bởi một màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng phòng hộ, những dải đồi thấp quanh dãy núi Khau Bươn màu mỡ, lại dồi dào nguồn nước tưới, xã có nhiều thuận lợi để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Ngoài mô hình dưa chuột, hiện ở Làng Khây 1 có các loại cây ăn quả cam, bưởi, mít; mô hình chăn nuôi trâu bò sinh sản, vỗ béo khá hiệu quả. 

Theo anh Danh, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản, vỗ béo của gia đình ông Nông Ngọc Hướng và anh Ma Văn Hoan. Cả 2 hộ đều đầu tư chuồng trại quy mô, chăn nuôi gần chục con trâu, bò/lứa. Anh Ma Văn Hoan cho biết, phát huy lợi thế đất đai rộng, anh đã đầu tư trồng 0,5 ha cỏ voi, chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Năm 2021, anh mua 5 con bò cái về nuôi, thấy kỹ thuật nuôi không khó, bò sinh trưởng tốt, năm 2022, anh tiếp tục đầu tư thêm 5 bò sinh sản. Hiện, lứa bò đầu tiên của anh đã đẻ bê con. Ngoài chăn nuôi bò, anh còn phát triển chăn nuôi lợn thịt, trồng rừng, chăn thả gia cầm. Bình quân, trong chuồng luôn có 20 đến 40 con lợn thịt. Từ  các nguồn thu gia đình anh đã có cuộc sống ổn định.

Anh Ma Văn Hoan, thôn Làng Khây 1 phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản.    

Biết lựa chọn cây, con phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu địa phương; không ngừng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống bà con thôn Làng Khây 1 đang có sự đổi thay mạnh mẽ. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người thôn đạt trên 37 triệu đồng/người/năm. 

Những con đường đoàn kết

Về Làng Khây 1 điều ấn tượng nhất đối với chúng tôi là đường nối đường từ thôn xuống đồng đều được trải bê tông. Bí thư Chi bộ Làng Khây 1 Ma Văn Danh nói rằng, đó là những con đường đoàn kết.

Thôn Làng Khây 1 có 138 hộ, dân tộc Tày chiếm 95%. Khi xã triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, chủ trương cứng hóa các tuyến đường nội đồng, trục thôn, cán bộ, người dân Làng Khây 1 cũng lo lắm! Vì tuyến đường phải làm rất nhiều, chi phí đóng góp lớn, trong khi cuộc sống bà con còn khó khăn. Một bài toán nan giải nữa đó là các tuyến đường đều hẹp phải vận động người dân hiến đất mở rộng. Để bê tông được các tuyến đường, Chi bộ Làng Khây 1 đã họp, giao nhiệm vụ cho từng đảng viên.

Đường nội đồng thôn Làng Khây 1 bê tông sạch, đẹp.

Anh Danh chia sẻ, ban đầu triển khai cũng có một số hộ chưa đồng tình ủng hộ, nhưng bằng trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và phát huy vai trò của những người có uy tín nên đã tạo mối đoàn kết, đồng thuận trong chi bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình làm đường. Nổi bật, năm 2021, thôn vận động nhân dân hiến hơn 6.000 m2 đất vườn, đất ruộng mở rộng các tuyến đường; hoàn thành bê tông trên 3 km đường giao thông nông thôn. Tiêu biểu, như gia đình anh Ma Văn Hoan, Ma Văn Đạo, Ma Văn Thố… bình quân mỗi hộ hiến trên 400 m2 đất cho thôn làm đường.

Gia đình anh Ma Văn Hậu, một trong những hộ hiến nhiều đất nhất ở Làng Khây 1 chia sẻ, vợ chồng anh có 4 người con, nhưng cũng chỉ có hơn 3.000 m2 đất ruộng. Khi thôn vận động dân hiến đất mở rộng đường, anh cũng có đôi chút lưỡng lự, phân vân. Nhưng thông qua tuyên truyền của thôn, hiểu được lợi ích của việc làm đường, anh rất đồng tình ủng hộ. Gia đình anh đã hiến hơn 400 m2 đất ruộng để thôn bê tông hóa tuyến đường nội đồng. Đến nay, mỗi lần đi trên con đường bê tông sạch, đẹp, anh thấy vui và tự hào vì gia đình mình đã có đóng góp cho sự đổi thay của quê hương.

Ngoài hiến đất làm đường giao thông nông thôn, thôn Làng Khây 1 còn là điểm sáng về tinh thần đoàn kết, chung sức một lòng xây dựng tuyến đường thắp sáng đường quê, chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp. Năm 2021, xã Kiên Đài về đích xã nông thôn mới, trong thành tích chung ấy, có sự đóng góp không nhỏ công sức của bà con dân bản Làng Khây 1.

Phóng sự: Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục