Cơ hội phát triển kinh tế ­­­

- Từ năm 2014, Lễ hội Thành Tuyên được nâng lên quy mô cấp tỉnh không chỉ thu hút khách du lịch đến với Tuyên Quang mà còn là cơ hội để tỉnh phát triển các lĩnh vực kinh tế.

Thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển

Từ khi Lễ hội Thành Tuyên được nâng lên quy mô cấp tỉnh, cùng với diễn diễu các mô hình trên các tuyến phố tại trung tâm thành phố Tuyên Quang, tỉnh đã tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, như: Trưng bày, giới thiệu văn hóa, ẩm thực đặc sắc của địa phương, Hội chợ thương mại - du lịch, Hội thảo xúc tiến đầu tư, liên kết phát triển du lịch vùng, miền; thi “Người đẹp Xứ Tuyên”,... gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch cấp khu vực và toàn quốc do Tuyên Quang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, tiêu biểu Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”; Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần thứ nhất; Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...

Các hoạt động có sự tham dự của các Đại sứ quán, cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp nước ngoài, trong đó một số địa phương, doanh nghiệp nước ngoài như tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Công ty cổ phần Anhei (Nhật Bản)… Qua đó, đã thu hút ngày càng lớn lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Tuyên Quang để chiêm ngưỡng, trải nghiệm Lễ hội Trung thu độc đáo, đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang.   

 

Đáp ứng nhu cầu du khách đến tham gia lễ hội, ngành thương mại, dịch vụ tăng mạnh mẽ. Hiện toàn tỉnh có 395 cơ sở lưu trú với gần 4.000 buồng, phòng có thể phục vụ 6.000 lượt khách lưu trú cùng thời điểm, tăng gấp đôi năm 2014, hệ thống thương mại hình thành các chuỗi cửa hàng; cửa hàng chuyên doanh giới thiệu các mặt hàng OCOP...

Chị Nguyễn Thị Ngọc, Quản lý Trung tâm nông sản xanh Sáng Nhung, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết, phục vụ du khách dịp Lễ hội Thành Tuyên năm 2023, Trung tâm nông sản xanh Sáng Nhung nhập trên 1 tỷ đồng các mặt hàng OCOP của tỉnh, đến ngày 20-9 đã bán trên 60% số lượng, chủ yếu cung cấp cho khách thập phương.

Hội chợ Thương mại - Du lịch Tuyên Quang 2023 với 200 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các huyện, thành phố của 20 tỉnh, thành phố tham gia. Chị Bàn Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH thảo dược Tuệ Tâm cho biết, hội chợ nằm trong chuỗi sự kiện hoạt động của Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIV và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 nên lượng du khách tham quan và mua sản phẩm khá nhiều. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm thiết thực nhất.

Anh Hoàng Quốc Dân, du khách đến từ Hà Nội đang chọn mua sản phẩm chè Shan tuyết của Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) cho biết, nghe nói loại trà  Shan tuyết này trồng ở độ cao 1.000 m so với mặt nước biển, nơi có khí hậu mát mẻ lại là sản phẩm chè mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm quà tặng Thủ tướng Malaysia nên anh tìm mua bằng được tại đất Tuyên Quang để làm quà cho những người bạn đặc biệt của gia đình.

Cùng với thương mại, các loại hình dịch vụ càng phát triển mạnh mẽ theo mùa lễ hội như cơ sở lưu trú, dịch vụ vận tải… Anh Vi Thế Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Linh Lực chia sẻ, sự phát triển mạnh mẽ của Lễ hội Thành Tuyên là động lực để công ty đầu tư khách sạn Marian. Hiện khách sạn phục vụ 17 phòng tiêu chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng lưu trú trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.

Lễ hội Thành Tuyên đang mở hướng hình thành mô hình kinh tế mới như kinh tế đêm, dịch vụ cho thuê mô hình trung thu diễn diễu. Anh Nguyễn Văn Hà, ở Hải Phòng cho biết, chỉ cần một cuộc điện thoại với hơn 2 triệu đồng, đoàn của anh đã thuê được một mô hình để cả đoàn 20 người được trải nghiệm diễn diễu tại đường phố TP Tuyên Quang.

Việc duy trì, tổ chức Lễ hội Thành Tuyên trong những năm qua không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân mà bên cạnh đó đã mang lại hiệu quả kinh tế. Theo số liệu thống kê, tổng thu xã hội về du lịch hằng năm đều tăng, năm 2014 trong dịp tổ chức Lễ hội thu hút trên 60 nghìn lượt khách du lịch, ước tính tổng thu xã hội du lịch đạt gần 40 tỷ đồng đến năm 2022 thu hút 300.000 lượt khách, ước tính tổng thu xã hội du lịch đạt gần 300 tỷ đồng...

Thu hút đầu tư

Qua Lễ hội Thành Tuyên, Tuyên Quang được du khách trong và ngoài nước biết đến là nơi có những cỗ đèn Trung thu lớn nhất, rộn ràng nhất, thêm một ấn tượng nữa ở miền đất quê hương cách mạng. Từ sự đặc biệt của lễ hội này đã đem đến sự tò  mò cho du  khách, trong đó có các nhà đầu tư cũng quan tâm hơn đến mảnh đất Tuyên Quang.

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư của tỉnh chia sẻ, Lễ hội Thành Tuyên là cơ hội quảng bá tốt về con người, thế mạnh về các lĩnh vực mảnh đất Tuyên Quang đến với du khách, nhà đầu tư. Minh chứng những năm gần đây, Tuyên Quang đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư có tiềm năng vào đầu tư các dự án kinh doanh tại tỉnh như: Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn Danko, Tập đoàn Flamigo…

Nhiều dự án được phê duyệt chủ trương sau khi hoàn thành đưa vào hoạt động kinh doanh là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh về du lịch và công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến lâm sản, như: Dự án sân golf VINPEARL Mỹ Lâm - TP Tuyên Quang; sân Golf tại xã Tân Thanh và xã Hợp Hòa, Dự án Làng Văn hóa du lịch Tân Trào tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; Nhà máy chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu của Công ty TNHH An Việt Phát Tuyên Quang, nhà máy viên gỗ nén của Công ty Công ty cổ phần EREX...

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 264 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, chiếm 67% tổng dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh. Trong đó, có 18 dự án của 15 nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài, với vốn đăng ký trên 7.199 tỷ đồng tập trung chủ yếu thực hiện trong lĩnh vực may mặc, sản xuất bao bì, gang thép, chế biến nông sản.

Qua lễ hội Thành Tuyên, hình ảnh Tuyên Quang đã quảng bá nhiều hơn, các nhà đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản...) đã đến khảo sát đầu tư như: Công ty cổ phần Việt - Nhật triển khai thực hiện dự án xây dựng Trung tâm thương mại GO!; Công ty TNHH Leverages Career Việt Nam về lĩnh vực, dự án phát triển nguồn nhân lực du học sinh Nhật Bản; Công ty TNHH Niinuma Việt Nam nghiên cứu các dự án về năng lượng điện mặt trời; Công ty Delta E&C nghiên cứu triển khai 2 dự án: Khu du lịch sinh thái Na Hang và Nhà máy chế biến cam tại tỉnh; Công ty KIDO Hàn Quốc tìm hiểu, khảo sát môi trường kinh doanh tại tỉnh để triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà máy tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, Công ty ATCREATION (Hàn Quốc), Công ty NNP & Cellufab (Hàn Quốc) đến tìm hiểu cơ hội và khảo sát một số điểm tiềm năng để xây dựng sân golf và tổ hợp kinh doanh khu thương mại, vui chơi giải trí; Công ty cổ phần EREX (Nhật Bản) thực hiện dự án điện sinh khối công suất 100MW, dự án viên gỗ nén năng lượng công suất 650.000 tấn/năm…

Lễ hội Thành Tuyên đã và đang đem lại luồng sinh khí mới để Tuyên Quang bứt phá hơn về du lịch và các ngành kinh tế khác. 

                                                                                                                                                     Bài, ảnh: Trang Tâm


Ông Nguyễn Lê Phúc
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch

Cơ hội để du lịch Tuyên Quang bứt phá

Trải qua gần 20 năm được Nhân dân sáng tạo và duy trì, phát triển, Lễ hội Thành Tuyên đã 3 lần được xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam: “Đêm hội Trung thu có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam”, “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”, “Cặp đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam”. Vào đúng dịp Tết Trung thu, hàng trăm mô hình đèn Trung thu khổng lồ, rực rỡ sắc màu, mô phỏng hết sức sáng tạo các con vật trong đời sống hàng ngày cũng như các nhân vật trong những câu chuyện lịch sử, dân gian, cổ tích, ngụ ngôn…

Có thể khẳng định Lễ hội Thành Tuyên là một lễ hội Trung thu hết sức độc đáo và riêng có của tỉnh Tuyên Quang, không những được các cháu thiếu nhi, người dân trong tỉnh mà đông đảo du khách gần xa mong đợi. Thông qua lễ hội hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa của Tuyên Quang, đặc biệt là những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa của quê hương cách mạng: “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô Kháng chiến” được lan tỏa, đây chính là cơ hội, chất xúc tác quan trọng để du lịch Tuyên Quang bứt phá.


Ông Phạm Duy Hưng
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn

Màn trình diễn của sắc màu và niềm vui con trẻ

Lễ hội Thành Tuyên được biết đến là Lễ hội Trung thu độc đáo, lớn nhất cả nước với nhiều kỷ lục đã được xác lập như: “Đêm hội Trung thu có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam”, “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”, “Cặp đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam”. Được cùng sống trong không khí Thành Tuyên  rực rỡ ánh đèn và những điệu nhạc rộn ràng, những mô hình đèn khổng lồ rất đẹp và ngộ nghĩnh, chở đầy trẻ nhỏ, lộng lẫy nối đuôi nhau trên các tuyến phố chính, tôi thực sự bị ấn tượng. 

Sự hân hoan, rạng rỡ của con trẻ trên những cỗ xe rực rỡ sắc màu như bước ra từ thế giới cổ tích là minh chứng cho sự quan tâm, chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước, dành cho trẻ em tất cả những gì tốt đẹp nhất. Tôi thật sự ngưỡng mộ và khâm phục trí tưởng tượng bay bổng, tài năng và đôi bàn tay khéo léo tuyệt vời của những người dân Thành Tuyên, họ như những nghệ nhân dân gian với óc thẩm mỹ tinh tế và tình yêu vô bờ dành cho con trẻ khi sáng tạo nên những tác phẩm tinh thần độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc.

Với quy mô và sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ, tôi tin tưởng Lễ hội Thành Tuyên sẽ tiếp tục được duy trì, phát huy hiệu quả, khẳng định “thương hiệu” riêng có, thu hút đông đảo du khách đến với Tuyên Quang, thực sự là ngày hội lớn của người dân và du khách gần xa.


Ông Trần Đức Quý
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang

Lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành

Sức lan tỏa của Lễ hội Thành Tuyên không chỉ tới tất cả các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang mà đã mở rộng tới các tỉnh, thành phố lân cận. Các mô hình đèn Trung thu cũng lan dần ra các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nam... Tôi kỳ vọng Lễ hội Thành Tuyên trở thành quy mô cấp quốc gia tổ chức hàng năm, nâng tầm lên trở thành quy mô cấp quốc tế để qua các mô hình giúp trẻ em hiểu hơn về giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, du khách trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn, tạo thêm điểm đến hấp dẫn du khách. Đây là cơ hội tốt để Tuyên Quang và Hà Giang liên kết phát triển du lịch, mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân và thúc đẩy du lịch của 2 tỉnh phát triển.


Ông Nguyễn Tuấn Anh
Phó Chủ tịch Thường trực CLB 

Kết nối các loại hình du lịch

Lữ hành UNESCO Hà NộiLễ hội Thành Tuyên là một sản phẩm du lịch rất đặc trưng, độc đáo, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Trong những năm gần đây, công tác quảng bá hình ảnh du lịch Tuyên Quang đã có bước tiến mới, đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Từ những giá trị mà lễ hội mang lại đặt ra vấn đề là làm thế nào để các loại hình du lịch khác cũng sôi động như du lịch Lễ hội Thành Tuyên, và từ lễ hội này kết nối với các loại hình du lịch khác như thế nào.

Thực tế thì lượng khách đến Tuyên Quang trải nghiệm Lễ hội Thành Tuyên rất lớn nhưng đa phần họ mới chỉ dừng chân ở thành phố, chưa có nhiều đoàn khách tiếp tục tham quan các điểm du lịch trên địa bàn. Để làm tốt điều này, yếu tố cốt lõi là phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để tạo hứng thú với du khách trong hành trình trải nghiệm du lịch xứ Tuyên. Bên cạnh đó, lễ hội diễn ra chỉ 1 tháng, sau đó các mô hình đèn lồng rất sáng tạo, làm tốn kém nhưng không biết sử dụng vào việc gì, người dân cũng không biết làm gì để khai thác thêm.

Ở Nhật Bản cũng có Lễ hội có các mô hình đèn lồng như ở Lễ hội Thành Tuyên, họ thành lập một bảo tàng lưu giữ các mô hình để du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Tuyên Quang cần nghiên cứu và đề ra chiến lược phát triển lâu dài, để người dân có thể làm giàu từ du lịch, dịch vụ sau lễ hội.


Ông Patrick Givaja
Quốc tịch Pháp

Ấn tượng sâu sắc

Ở đất nước tôi cũng có rất nhiều lễ hội nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tham gia vào Lễ hội Thành Tuyên năm 2023. Đây là lễ hội rất đặc sắc và ấn tượng. Đến đây tôi không chỉ được tìm hiểu các di sản văn hóa, thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa, tìm hiểu tinh hoa ẩm thực Việt Bắc đặc sắc… Đặc biệt là Đêm hội Thành Tuyên để lại trong tôi ấn tượng thật tuyệt vời bởi những mô hình đèn trung thu khổng lồ được diễn diễu trên phố, mang nhiều ý nghĩa truyền thống, giáo dục trẻ thơ. Tôi rất ấn tượng mô hình thuyền rồng chảy hội, cây đa Tân Trào, cá chép hóa rồng… Không khí lễ hội ở đây thật vui vẻ, mọi người tập trung từ sớm, rất đông vui và nhộn nhịp, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng tươi cười nhún nhảy theo âm nhạc khiến tôi cảm thấy hào hứng, thú vị. Tôi chụp lại nhiều ảnh đẹp để khi về giới thiệu với bạn bè và gia đình của mình về lễ hội này, chắc chắn sang năm tôi sẽ đưa họ quay trở lại đây vào mùa lễ hội năm 2024.


Chị Chẩu Thị Nga
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Cô Sơn Nữ
tổ 12, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang)

Nhiều nét đặc trưng nhất

Từ cuối tháng 7 âm lịch, lượng khách đặt tour du lịch đến Tuyên Quang đã tăng đột biến, nhất là vào những ngày cuối tuần. Lượng khách dịp lễ hội đặt tour qua công ty dự kiến tăng 40 - 50% so với các tháng khác trong năm. Năm nay, Công ty đã xây dựng 14 tour du lịch dịp Lễ hội Thành Tuyên, tăng 5 tour so với năm trước. Điểm nhấn là tất cả các tour du khách đều được trải nghiệm Lễ h­ội Thành Tuyên, tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, đi Na Hang và kết hợp với nghỉ dưỡng ở Suối khoáng Mỹ Lâm; trải nghiệm nét đặc trưng homestay Lâm Bình... Đặc biệt, du khách rất hào hứng với trải nghiệm trực tiếp ngồi trên xe mô hình trung thu để ngắm nhìn đường phố và không khí của Lễ hội. Ngoài ra, Công ty đã kết hợp với hướng dẫn viên bản địa tại các điểm du lịch để giới thiệu tới du khách những nét đặc trưng nhất của vùng đất nơi đây.

Tin cùng dòng sự kiện