Đổi mới và Nhân tài

Bản chất của Đổi mới là sáng tạo.

Trân trọng, cổ vũ và bảo vệ nhân tài, nhất là những người dũng cảm đột phá, đổi mới sáng tạo đã, đang là nhân tố căn bản, động lực chủ yếu của công cuộc đổi mới. Khởi thủy là hành động! Và, để đổi mới tiếp tục thành công bền vững, phải hành động một cách nhân văn và sáng tạo trong việc đối đãi với nhân tài.

Hơn hết lúc nào, từ tầm nhìn và quyết sách của Đại hội thứ XIII của Đảng, trong bối cảnh mới, nhất định phải thực thi tốt nhất điều này.

Hiện nay, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt và phát triển của thế giới, thực tiễn xác tín, lãng phí lớn nhất là lãng phí nhân tài, cạnh tranh lớn nhất là cạnh tranh nhân tài. Không một quốc gia nào trở nên hùng cường mà không thu hút và trọng dụng nhân tài. Mặt khác, kinh nghiệm cũng xác tín, muốn phát triển khác thường, phải có những con người khác thường. Việt Nam với khát vọng hùng cường, không thể đứng ngoài quy luật này, nhất là nhận diện, phát hiện, sử dụng và bảo vệ những nhân tài, thậm chí là kỳ tài, thiên tài.

Nhất định càng phải có nhân tài, nhất là càng phải có những người tiên phong, đột phá đổi mới sáng tạo một cách dũng cảm. Không như thế, mọi thứ cải cách, canh tâm hay bất cứ một sự phát triển nhảy vọt, bứt phá nào đó chỉ là ảo tưởng, thậm chí chỉ là sự tầm thường mà thôi.   

*
*        *

Nhân tài là ai?   

Họ là người có cá tính sáng tạo khác thường: nhìn thấy những điều chưa ai nhìn thấy, nói những điều ít ai dám nói, làm những việc không ai dám làm…; cá tính cuộc sống cũng khác thường: tối trọng liêm sỉ, giữ khí tiết như sinh mệnh, không gì trói buộc được trí tuệ, bản lĩnh, danh dự của họ, không ai cầm tù được ý tưởng, chí khí họ, kể cả quan tước, tiền bạc... Đột phá, sáng tạo, vượt trước… chính là tư chất và phẩm hạnh của họ. Các bậc tiền hiền, kiệt hiệt: Chu Văn An, Hưng Đạo Vương, Nguyễn Trãi... chính là những người như vậy.

Xưa nay, nhìn hẹp ở nước ta, đây là nhân tố tiên phong phát triển của bất cứ phương diện nào, ở bất cứ thể chế nào. Những khuyến nghị cải cách của Chu Văn An với “Thất trảm sớ”, Nguyễn Trường Tộ với “Tế cấp bát điều”, Nguyễn Lộ Trạch với “Thời vụ sách”… ngay từ xưa vẫn đang là những bài học lớn trên phương diện này đối với chúng ta. Đất nước hai lần bỏ lỡ thời cơ cất cánh chỉ trong gần 200 năm suốt thế kỷ VIII, XIX. Đó là sự phát kiến “bất thường”, khác thường lúc, vượt lên thời đại đương thời nhưng hợp quy luật, tất cả đều vị quốc vị dân.

Chúng ta không thể trở nên hùng cường và trường tồn, nếu buông lơi việc trọng dụng con người, nhất là chưa đối đãi xứng đáng với những bậc hiền tài. Năm 1429, trong “Chiếu cầu hiền”, Lê Lợi đau đáu “… Muốn thịnh trị phải được người hiền tài... Cho nên người đứng đầu thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên”. Ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mài mực viết “Nhân tài và kiến quốc”, với lời gan ruột: “Kiến thiết thì phải có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”.

 *
*        *

Sự đột phá của đột phá về phát triển nguồn nhân lực chính là phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược và đội ngũ doanh nhân Việt Nam, ở đây là những người có óc nghĩ trước, dũng cảm đi trước, thậm chí chấp nhận hy sinh trước, vì quốc gia dân tộc. Đây là hai lực lượng có vai trò quyết định dẫn dắt quốc gia và đi tiên phong hội nhập quốc tế, bảo đảm song hành sự phát triển chính trị đồng bộ với phát triển kinh tế, chính trị với kỹ trị… phù hợp với quy mô, tốc độ và yêu cầu đổi mới.    

Từ công cuộc đổi mới 35 năm qua, tối thiểu có 3 bài học chủ yếu về phương diện kiến tạo thế và lực: Một là, phương châm: Dũng cảm lựa chọn đột phá của đột phá phát triển; Hai là, mệnh lệnh: Đột phá và sáng tạo; Ba là, hành động: Kiến tạo hệ động lực phát triển.

Chúng ta cần xử lý một cách khoa học, nhân văn, tinh tế và hiệu quả vấn đề nhân tài quốc gia mang tầm chiến lược một cách toàn cục và tổng thể.

Một là, về tầm nhìn chiến lược.

Với tư cách vừa là người lãnh đạo, cầm quyền, trên phương diện này, dứt khoát: Đảng phải thật sự là đạo đức, là văn minh; Đảng phải thật sự là trí tuệ, là lương tâm và là danh dự của Dân tộc và thời đại chúng ta; Đảng phải thật sự vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân và vừa là đứa con nòi của dân tộc. Và, Đảng phải thật sự trở thành người “không thiên tư thiên vị”, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, quyền lợi của quốc gia dân tộc là tối thượng, đúng với nghĩa “Đảng ta là Đảng của dân tộc”, ngõ hầu dẫn dắt, đồng hành và phát triển cùng dân tộc và cùng nhân loại.

Hai là, về phương châm hành động căn bản.

Kinh nghiệm từ xưa cảnh báo, không thể để những bậc quân tử ở chung với những kẻ tiểu nhân. Trái thế, bậc nhân tài bị hại, kẻ tiểu nhân lấn lướt. Nói như Cụ Nguyễn Trãi: “Hoa thường hay héo cỏ thường tươi”.

Sự thất bại của mọi thời trên phương diện này cảnh báo rằng: Không nhìn thấy người hiền tài là mắc tội. Tội to hơn là thấy người hiền tài mà không dùng họ. Tội nặng hơn thế nữa là dùng mà không tin họ. Thật là trọng tội, nếu thấy họ mắc oan mà không bảo vệ được họ. Nhưng, cộng cả bốn tội ấy cũng không to và nguy ngập bằng tội đem cái mũ của bậc hiền tài đội lên đầu kẻ bất tài vô hạnh.

Ba là, về đổi mới thể chế và hệ động lực chủ yếu.

Thực thi công cuộc đổi mới lúc này, hơn lúc nào hết, quyết không phải là việc đổi mới bằng lời, càng không phải là “nạn” bàn suông về những thành công hay thậm chí cả những thất bại. Bây giờ là, hành động, hành động và hành động!

Hơn hết bao giờ, công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ hiện nay, phải lấy lợi ích của Nhân dân là trung tâm, lợi ích quốc gia là tối thượng làm căn bản. Đó chính là mục tiêu cao nhất và thiêng liêng nhất của công cuộc đổi mới. Phải lấy Đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực phát triển chủ yếu, sự thống nhất và đồng thuận xã hội là động lực quan trọng. Đó cũng chính là nền móng tinh thần vô địch của công cuộc đổi mới.

Chỉ người tài mới nhìn thấy người tài. Do đó, xây dựng cơ chế từ phát hiện, tuyển dụng, đến kiến tạo môi trường hoạt động, bảo vệ và phát triển đội ngũ người có năng lực chuyên biệt đột phá, sáng tạo về chính trị hay kỹ trị, kinh tế hay văn hóa... Phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm là nhân tố hợp thành cơ chế vận hành và phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, sự quản trị quốc gia của Nhà nước. Cơ chế này phải được thiết kế sao cho, dù là ai, dù người có trách nhiệm nào cũng có thể nhìn thấy người tài. Nói một cách hình ảnh, nếu nhân tài như con chim đại bàng thì cơ chế phát hiện, sử dụng, bảo vệ và phát triển họ là cái khuôn rộng lớn và tự do như bầu trời nhưng thật sự trong sạch vậy.   

Thực thi thành công những công việc đó thì thể chế ta ắt “hữu xạ tự nhiên hương”, muôn người khắp muôn phương tất “vô cầu tự đáo”, nhất định không chỉ nhân tài tìm đến mà lập tức ức triệu Nhân dân như “chúng chí thành thành” sẽ gánh vác, vì công cuộc đổi mới kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc hùng cường, dưới ngọn cờ của Đảng, một cách tự nhiên nhi nhiên, không gì cản nổi!.

                                                                                                TS. Nhị Lê Nguyên
                                                                                                   Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Tin cùng chuyên mục