Đảng viên đi đầu ở Ngòi Trườn

- Đưa tôi vào thôn Ngòi Trườn, thôn đặc biệt khó khăn của xã Minh Thanh (Sơn Dương), Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Ngọc Hứa bảo: “Trước đây, nhiều người chỉ nghĩ đến đường vào Ngòi Trườn đã là nỗi ám ảnh rồi vì đường khó đi lắm và vì thôn nghèo. Nhưng nay đã khác rồi, Ngòi Trườn đang đổi thay mỗi ngày nhờ tinh thần gương mẫu của đảng viên”.

Không tiếc đất ở, đất ruộng

Đường vào Ngòi Trườn có thể đi theo hai con đường, từ thôn Cò đi vào Ngòi Trườn và từ thôn Cả cũng có thể đi vào Ngòi Trườn. Tuyến đường từ thôn Cò vào Ngòi Trườn dài hơn 4km đến nay, xe máy có thể đi lại dễ dàng vì con đường bê tông đã được hoàn thành chỉ đủ cho xe máy qua lại. Đây là tuyến đường do nhân dân thôn Ngòi Trườn thực hiện và do Ban Quản lý di tích Nha Công an hỗ trợ một phần.

Một đoạn đường bê tông vừa mới hoàn thành ở Ngòi Trườn từ nguồn vốn của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và sự hiến đất của đảng viên, nhân dân.

Từ năm 2019 đến năm 2020, Ngòi Trườn đã được nguồn vốn 135 của Nhà nước hỗ trợ bê tông hóa 2,2 km đường giao thông từ thôn Cả đi vào. Còn 4,3 km đường giao thông đang được Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ vốn để bê tông hóa. Hiện nay, tuyến đường này đã giải phóng mặt bằng xong và đã bê tông hóa được gần 1km.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Chu Thị Thanh Nga cho biết, trong quá trình thi công tuyến đường, nhiều đoạn cua phải mở rộng, nắn tuyến do vậy nhiều hộ phải hiến đất để thôn làm đường. Trong đó có hộ tự nguyện tháo dỡ nhà ở, chuyển sang chỗ khác, có hộ hiến 2 sào ruộng 2 vụ lúa. Đảng viên là người tiên phong làm trước nên công tác vận động không gặp nhiều khó khăn. Thôn Ngòi Trườn chỉ có 36 hộ dân, trong đó có 34 hộ là người Nùng. “Người Nùng chỉ làm theo cái thật, cán bộ nói thật, làm thật mới dễ vận động” - Bí thư Chi bộ Nga nói.

 Đảng viên Hoàng Văn Kính đã tiên phong hiến 2 sào ruộng với diện tích 720 m2 của gia đình để thôn mở rộng tuyến đường. Đảng viên Kính chia sẻ: “Mình thấy bao đời nay, bà con mình đi khổ quá, mùa mưa thì lầy lội nên mình hiến ruộng, mình không tiếc đâu”. Từ tấm gương hiến đất ruộng của anh, nhiều đảng viên và hộ gia đình khác cũng hiến đất để thôn làm đường.

Gia đình bà Hoàng Già Dèn là hộ nghèo nhưng khi thôn làm đường, tuyến đường phải nắn lại nên đi thẳng qua nền nhà bà. Gia đình bà Dèn đã tự nguyện tháo dỡ toàn bộ ngôi nhà lên trên cách 50 mét. Khi di chuyển đến địa điểm mới, gia đình bà phải thuê máy móc san ủi mặt bằng, bà Dèn không ngần ngại bán một con trâu lấy tiền thuê máy móc san ủi mặt bằng. Bà Dèn nói: “Nhà tôi mấy đời đều ở trong ngôi nhà cũ, phải tháo dỡ, di chuyển ngôi nhà sang chỗ khác cũng khó khăn đấy nhưng vì việc thôn, vì nghe theo đảng viên, gia đình tôi cũng tự giác. Nhiều hộ còn phải hiến cả vài trăm mét vuông đất ruộng mà”.

Với con đường bê tông đang trải dài thêm, nhân dân ở đây tin rằng, đến Tết này, ai muốn vào Ngòi Trườn cũng không còn lo sợ. Đường bê tông sắp phủ kín nội thôn và liên thôn. Nhân dân sẽ đi lại thuận lợi hơn rất nhiều.

Hiện hữu ấm no

Đến Ngòi Trườn, ngoài tuyến đường bê tông phẳng phiu đang được thi công còn có nhiều ngôi nhà sàn cột bê tông mọc lên làm cho mảnh đất xưa kia nghèo khó thêm bừng sáng. Rừng cũng đã phủ xanh đồi núi.

Bí thư Chi bộ Chu Thị Thanh Nga vận động, hướng dẫn nhân dân trồng rừng liên doanh.

Kết quả này cũng có sự đóng góp không nhỏ của đảng viên, nhất là Bí thư Chi bộ Chu Thị Thanh Nga.

Chị Nga được xem là người đi đầu định hướng phát triển kinh tế cho bà con ở Ngòi Trườn. Từ khi về làm dâu ở Ngòi Trườn, chị Nga đã được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn hơn chục năm. Quãng thời gian này, chị nhận thấy, đất đai ở Ngòi Trườn rất thích hợp trồng rừng, người dân có thể hưởng lợi từ việc liên doanh trồng rừng với lâm trường. Năm 2000, chị là người đầu tiên ở Ngòi Trườn nhận liên doanh với lâm trường để trồng, chăm sóc 3 ha rừng. Chu kỳ khai thác đầu tiên, chị có lãi 60 triệu đồng/ha. Cầm số tiền lớn trong tay, chị liền nghĩ ngay đến việc phải vận động bà con trong thôn cùng làm theo. Sau đó, chị tiếp tục nhận mở rộng diện tích rừng liên doanh. Đến nay, diện tích gia đình chị liên doanh với lâm trường lên tới 12 ha. Ngoài ra, chị còn phát triển mạnh chăn nuôi trâu, dê, bồ câu. Lúc cao điểm, chị nuôi đến 20 con trâu nhốt chuồng, 40 con dê và hàng trăm đôi bồ câu. Chị Nga cho biết, đa số các hộ dân trong thôn giờ đây có tiền làm nhà đẹp đều nhờ rừng.

Nghe theo chị Nga và các đảng viên trong chi bộ vận động trồng rừng và liên doanh trồng rừng, đến nay, ở ngòi Trườn đã có 7 hộ có diện tích rừng liên doanh. Ngoài ra, nhà nào cũng có rừng với tổng diện tích rừng trồng sản xuất của nhân dân lên tới gần 40 ha.

Nhiều hộ ở Ngòi Trườn đã có nhà sàn cột bê tông khang trang.

Nhà anh Hoàng Văn Kính có 4 ha rừng liên doanh với lâm trường và rừng trồng sản xuất. Vừa qua, anh đã khai thác một chu kỳ rừng liên doanh với diện tích 2ha, thu về 120 triệu đồng. Những năm qua, nhờ rừng, gia đình anh đã tích cóp được khoản tiền gần 800 triệu đồng để làm nhà sàn bê tông khang trang nhất thôn. Cũng đi lên từ rừng, gia đình anh Hoàng Văn Tính có 6 ha rừng, trong đó có 2 ha rừng liên doanh với lâm trường. Mỗi chu kỳ khai thác rừng liên doanh, gia đình anh Tính cũng thu về hơn 100 triệu đồng. Anh Tính cho biết, chính tấm gương đảng viên đi đầu phát triển kinh tế trong thôn đã cho anh động lực và niềm tin để anh thoát nghèo từ rừng.

Toàn thôn Ngòi Trườn giờ có hơn chục hộ có nhà sàn cột bê tông khang trang thay thế cho những ngôi nhà sàn lợp lá lụp xụp trước kia. Tuy hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở Ngòi Trườn hiện nay vẫn còn 18 hộ nhưng trong tương lai không xa, khi đường giao thông hoàn thiện cùng với kinh tế rừng ngày càng phát triển, chắc chắn người dân ở Ngòi Trườn sẽ đổi đời như khẳng định của Bí thư Đảng ủy Nguyễn Ngọc Hứa.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục